Tết Trung Thu ở xóm Đoàn Kết

Những ngày này, bắt gặp những hình ảnh các gia đình đưa nhau đi mua sắm Trung Thu hay vô tình nghe được một bản nhạc thiếu nhi về Tết Trung Thu, trong lòng của một người con xa quê như tôi lại không khỏi chạnh lòng, nôn nao nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ về những cái Tết Trung Thu của tuổi thơ được bên gia đình, bên bà con láng giềng của xóm Đoàn Kết.

Ngày trước, Tết Trung Thu là dịp mà những đứa trẻ con nông thôn chúng tôi mong ngóng nhất. Bởi lẽ, đó là dịp hiếm hoi trong năm mà chúng tôi được cầm trên tay những chiếc bánh, cây kẹo – những món hàng vốn được cho là xa xỉ lúc bấy giờ. Và cũng bởi một lý do khác, Trung Thu là những ngày mà tụi trẻ con chúng tôi được phép ra khỏi nhà vào lúc 6 giờ chiều để đi theo đoàn lân và về nhà lúc 11 giờ đêm mà không bị ba mẹ la mắng.

Cứ mỗi dịp Trung Thu đến, bọn con nít trong xóm tôi cùng nhau tụ tập lại và làm nên một đội lân để đi biểu diễn khắp nơi. Mới những ngày đầu tháng 8 âm lịch, cả xóm lại rộn ràng tiếng trống lân, cứ 5 giờ chiều hàng ngày là tất cả tụ tập lại trước sân nhà để tập luyện. Những buổi tối đi múa lân, đứa nào cũng vội ăn cơm tối cho xong, rồi vụt chạy thật nhanh khi nghe thấy tiếng gọi nhau í ới ở đầu ngõ. Khi đã đông đủ, đội lân chúng tôi bắt đầu xuất phát.

Tụi con gái thì có nhiệm vụ là cầm những cây đuốc với ngọn lửa cháy hừng hực để soi đường, còn tụi con trai thì có nhiệm vụ mang trống, mang lân, mang nước uống... Đội lân chúng tôi cứ thế mà múa hết nhà này đến nhà khác, mãi cho đến tận 11 giờ đêm mới chịu về. Sau mỗi đêm múa lân như vậy, chúng tôi lại trích ra một số tiền nhỏ để cùng nhau đi ăn kem, ăn chè.

Trung Thu là dịp mà trẻ em đều nôn nao, mong đợi. Ảnh minh họa

Đêm rằm Trung Thu, tất cả bọn trẻ con trong xóm đều tụ tập lại để được các cô chú phát quà. Bọn trẻ con chúng tôi khi nhận được những phần quà với biết bao nhiêu là bánh kẹo đều không giấu nổi niềm vui, miệng thì luôn tươi cười, đôi mắt sáng ngời lên niềm vui sướng, thích thú. Chúng tôi còn được múa hát, chơi trò chơi... không khí Trung Thu ở xóm nhỏ diễn ra đơn giản nhưng rất vui vẻ, ấm cúng.

Cũng có những năm, trước Tết Trung Thu không bao lâu, xóm nhỏ của tôi không may có người qua đời thì lúc đó cả xóm sẽ không tụ tập lại vui Trung Thu như mọi năm. Những phần quà sẽ lặng lẽ gởi đến từng nhà cho các em, đó cũng là cách để bà con trong xóm chia sẻ nỗi buồn với gia đình có người mất. Đối với tôi, đây là bài học đầu tiên về sự san sẻ, yêu thương mà tôi học được từ xóm nhỏ của mình mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên.

Quê tôi ở miền Trung, mùa Trung Thu cũng đồng nghĩa với mùa mưa gió, lụt lội. Tôi vẫn nhớ có những năm mà Trung Thu chỉ lặng lẽ đến và đi, khi mà cả xóm đang gồng mình lên để chống chọi với bão lũ, chẳng ai còn tâm trí mà nghĩ đến Tết Trung Thu nữa. Tụi con nít chúng tôi sau một năm chờ đợi, trông ngóng nhưng rồi cũng ngậm ngùi chia tay một cái Tết Trung Thu trong sự tiếc nuối, hụt hẫng.

Tết Trung Thu của trẻ em nông thôn tuy đơn giản nhưng rất vui vẻ, ấm cúng. Ảnh minh họa

Kết thúc mùa Trung Thu, chúng tôi dùng số tiền còn dư sau những ngày đi múa lân để làm một buổi liên hoan thật linh đình. Ngay từ chiều, chúng tôi tập trung lại, phân công mỗi người một việc, cùng nhau nấu những món ăn mình thích để liên hoan. Khác với trẻ em thành phố, bọn trẻ em nông thôn chúng tôi không có nhiều đồ chơi, cũng không có những khu vui chơi giải trí để đến. Chúng tôi cùng nhau quây quần để mang lại niềm vui cho nhau. Niềm vui ấy tuy đơn sơ, bình dị nhưng đầy tình cảm.

Bao nhiêu mùa Trung Thu trôi qua, tụi con nít của xóm Đoàn Kết ngày nào giờ đã trưởng thành, mỗi người sống một nơi khác nhau. Tôi bây giờ cũng không còn ở quê thường xuyên, nhưng cứ đến dịp Trung Thu tôi đều nôn nao nhớ về những cái Tết Trung Thu tuổi thơ ở xóm Đoàn Kết. Những kỷ niệm đó ghi dấu một tuổi thơ tuy nghèo khó, thiếu thốn về vật chất nhưng luôn đầy ắp niềm vui của tình làng nghĩa xóm. Ở nơi đó, cái tình, cái nghĩa vẫn luôn trọn vẹn, chan chứa!

LÊ VĨNH

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/tet-trung-thu-o-xom-doan-ket-12431.html