Tết Trung thu từng là Tết của người lớn

Trong 'Nhớ và ghi về Hà Nội' của nhà văn Nguyễn Công Hoan, thời xưa, Tết Trung thu vốn dành cho người lớn, cho đến khi bị chính quyền thực dân Pháp cấm.

"Nhớ và ghi về Hà Nội" là cuốn sách sưu tầm những trang nhà văn Nguyễn Công Hoan viết dành riêng để nhớ về Hà Nội, một Hà Nội xưa cũ vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, với một lượng thông tin sống động bằng những câu chữ đằm thắm và giản dị.

Trong "Nhớ và ghi về Hà Nội", có một số trang viết mà nhà văn Nguyễn Công Hoan dành riêng để nói về Tết Trung thu ở Hà Nội thời xưa. Thông tin thú vị nhất trong những trang viết này đó là Tết Trung thu từng là ngày lễ của người lớn, cho đến khi bị chính quyền thực dân Pháp cấm, Tết Trung thu mới dành cho trẻ con.

Tết Trung thu từng là tết của người lớn.

Tết Trung thu từng là tết của người lớn.

Trong "Nhớ và ghi về Hà Nội", Nguyễn Công Hoan viết:

"Tết Trung thu vốn không phải là tết trẻ con. Tối 14 và 15 tháng Tám, có rước rồng, rước sư tử. Các nhà chăng đèn ở ngoài cửa. Thường thì có đèn trống quân, hoặc đèn cù, là một cái khung hình vuông, phất giấy bản. Người ta thắp đèn dầu ta ở dưới, hơi nóng thành gió, làm cho cái tán ở trên quay được. Tán ấy được xếp bằng những mảnh giấy ở cái thế hứng được gió. Tán quay, làm quay cả cái vòng treo ở dưới, có dán hình người, ngựa... để ở ngoài nhìn vào, thấy những bóng ấy chạy”.

“Múa sư tử và múa rồng thì là trò chơi của người lớn. Các đầu sư tử lớn, rồng rất nhiều khúc, múa nhiều điệu rất khéo. Nhưng một dạo, từng tụi du côn nhân rước sư tử, rước rồng để tranh nhau giải, mà đánh nhau rất hăng. Rồi tụi du côn ở ngõ Sầm Công (phố Đào Duy Từ ngày nay) thù nhau với tụi du côn ở ngõ Tạm Thương chẳng hạn, họ chờ đến Tết Trung thu, đi múa sư tử, thì đánh nhau. Trong xe bò chở trống và thanh la, họ để sẵn xà beng, các khí giới. Nhiều cuộc đánh nhau thành án mạng. Vì thế, Tây cấm người lớn múa sư tử. Tết Trung thu chỉ cho trẻ con chơi, Tết ấy trở thành Tết trẻ con”.

Cũng trong "Nhớ và ghi về Hà Nội", nhà văn Nguyễn Công Hoan kể về không khí nhộn nhịp và tươi vui ở phố Hàng Gai mỗi dịp trung thu về.

“Phố Hàng Gai, cứ sắp Tết Trung thu, thì biến thành phố bán đầu sư tử, đèn, và các đồ giấy chơi Tết”, ông miêu tả và cũng đưa ra một thắc mắc chưa có lời giải đáp: “Nhưng cũng chỉ bán ở bên số lẻ, và vào quãng từ giữa phố đến cuối phố. Bên số chẵn thì không. Không rõ vì lí do gì”.

Một tiệm bán đèn lồng và đồ chơi Trung Thu năm 1915 trên phố Hàng Gai với những món đồ chơi như đèn xếp, đèn ông sao, đèn con thỏ, hoa giấy, đầu sư tử,.... (Ảnh: Léon Busy)

Nguyễn Công Hoan quê ở làng Xuân Cầu, tổng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh trong một gia đình quan lại xuất thân Nho học thất thế. Trong gia đình, từ nhỏ Nguyễn Công Hoan đã được nghe và thuộc rất nhiều câu thơ, câu đối và những giai thoại có tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích tầng lớp quan lại. Điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách văn chương của ông sau này.

Nguyễn Công Hoan là nhà văn tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Tác phẩm Kép Tư Bền (viết năm 1927, xuất bản năm 1935) đã gây chấn động trên văn đàn, và là đề tài cho cuộc bút chiến giữa hai quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh lúc bấy giờ. Nhiều tác phẩm của ông được đưa vào giảng dạy ở chương trình giáo dục phổ thông các cấp.

Hải Vân

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tet-trung-thu-tung-la-tet-cua-nguoi-lon-87451.html