Tết và rác thải

Dịp Tết, lượng rác thải luôn tăng đột biến, nhất là ở các thành phố. Có địa phương nhờ chủ động phương án xử lý đã không diễn ra tình trạng rác thải ùn ứ, quá tải, gây ô nhiễm...

Dịp Tết, lượng rác thải luôn tăng đột biến, nhất là ở các thành phố. Có địa phương nhờ chủ động phương án xử lý đã không diễn ra tình trạng rác thải ùn ứ, quá tải, gây ô nhiễm... nhưng cũng có địa phương vì nhiều lý do chưa làm tốt công tác xử lý rác thải nên dẫn đến việc người dân bức xúc phản đối, chính quyền lúng túng... Đó là ghi nhận của phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng tại 2 địa phương là TP Đà Nẵng và H. Kỳ Anh (Hà Tĩnh) dịp trong và sau Tết vừa qua.

Bãi phủ đã được mở rộng phục vụ xử lý rác tăng đột biến dịp Tết.

Bãi phủ đã được mở rộng phục vụ xử lý rác tăng đột biến dịp Tết.

Đà Nẵng không "vỡ trận" rác thải

Ông Võ Minh Đức, Tổng giám đốc Cty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng cho biết, tổng khối lượng rác thải thu gom vận chuyển đến bãi xử lý trong đợt Tết Kỷ Hợi 2019 (từ 16 tháng Chạp đến mồng 6 Tết) là 25,7 ngàn tấn, tăng hơn 4,2 ngàn tấn so với Tết năm trước. Như vậy, lượng rác thải thu gom về bãi trung bình mỗi ngày 1.300 tấn, tăng gấp 1,3 lần so với bình thường. Đặc biệt, trong ngày 30 Tết, thực hiện thu gom tổng dọn lượng rác thải phát sinh trên toàn địa bàn TP, các công nhân môi trường đã làm việc thâu đêm, hoàn thành thu gom rác vào 5 giờ Mồng 1 Tết. Tổng khối lượng rác thu gom vận chuyển ngày 30 Tết gần 3 ngàn tấn, tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Mặc dù TP cho phép Cty tạm ngưng phục vụ vệ sinh trong 3 ngày Tết, tuy nhiên Cty vẫn triển khai duy trì vệ sinh, không để tràn rác ra đường phố, không để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường đột xuất trên toàn TP. Là TP du lịch, hơn nữa dịp Tết du khách tới Đà Nẵng đông, nhất là các bãi biển, vì thế Cty đã huy động lực lượng thường xuyên dọn rác trên bãi biển, cho xe tưới nước chống bụi trên các tuyến đường. Nhờ những nỗ lực đó, trong suốt những ngày Tết, môi trường Đà Nẵng luôn được đảm bảo xanh, sạch, phục vụ tốt người dân, du khách du xuân.

Do thực hiện thu gom, xử lý rác thải xuyên Tết vì thế tại Đà Nẵng đã không có tình trạng rác thải ùn ứ, quá tải xử lý, gây ô nhiễm. Ông Võ Minh Đức cho biết, đến ngày mồng 4 Tết, toàn bộ cán bộ, công nhân viên lao động của Cty được huy động ra quân đồng loạt để thu gom rác sinh hoạt trong các khu dân cư, kiệt hẻm, các khu vui chơi và vệ sinh đường phố toàn TP sau Tết.

Ông Mai Xuân Phước, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bãi và xử lý chất thải (Bãi rác Khánh Sơn) cho biết, hiện lượng rác thải về bãi cao hơn 20% so với ngày thường (khoảng 1.200 tấn). Tuy nhiên, nhờ chuẩn bị các phương án xử lý nên hoạt động xử lý không bị quá tải. "Để đảm bảo kịp thời xử lý lượng rác thải tăng cao dịp Tết, không bị dồn ứ, chúng tôi đã lập kế hoạch mở rộng bãi phủ đổ rác, tăng cường các ca kíp trực, riêng trong ngày 29, 30 và mồng 1 Tết, đơn vị huy động 100% quân số trực.

Có thể nói nhờ chủ động trong các phương án xử lý nên tình trạng môi trường Đà Nẵng dịp Tết Kỷ Hợi được đảm bảo, không có tình trạng rác ngập phố, gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Sự chủ động được thể hiện từ phương án, nhân lực, phương tiện. Cụ thể Cty Môi trường Đô thị đã huy động 47 đầu xe, 14 xuồng xe, huy động 1.200 cán bộ, công nhân viên hiện có và hơn 100 lao động thuê ngoài phục vụ môi trường dịp Tết. Nhờ vậy, người dân, du khách có một môi trường trong sạch vui chơi dịp Tết.

Lượng rác thải thu gom về Bãi cao điểm dịp Tết tăng gấp 3 lần ngày thường.

(Hà Tĩnh): Bức xúc vì rác thải gây ô nhiễm

Từ ngày 8- 2 (mồng 4 Tết) tới nay, người dân thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân, H.Kỳ Anh kéo đến trước cổng Nhà máy xử lý rác thải Công ty TNHH MTV chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn (thuộc Công ty TNHH môi trường Phú Hà) phản đối việc nhà máy gây ô nhiễm môi trường không khí, ruồi nhặng tấn công vào nhà khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.

Trước sự việc này, sáng 12- 2, UBND H.Kỳ Anh tổ chức buổi đối thoại với hơn 40 hộ dân thôn Nam Xuân Sơn. Tham dự buổi đối thoại có ông Trần Đình Gia-Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh; ông Bùi Quang Hoàn-Chủ tịch UBND H.Kỳ Anh và ông Hoàng Chí Thức-Giám đốc Công ty TNHH môi trường Phú Hà (gọi tắt là Cty Phú Hà).

Phản ánh với lãnh đạo chính quyền địa phương và lãnh đạo Cty Phú Hà, ông Nguyễn Văn Sự, bức xúc: "4 năm qua, kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động, năm nào người dân cũng có kiến nghị lên các cấp các ngành phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên cho đến nay, chính quyền vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Mong muốn của người dân là được di dời khẩn cấp đến nơi khác, nếu không thì phải đóng cửa nhà máy. Đồng thời, nhà máy phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ về tài sản một lần khi người dân di dời". Ông Nguyễn Văn Lợi cũng bức xúc: "Tết làm mâm cơm cúng tổ tiên cũng bị ruồi nhặng bu đầy. Ngoài ra, mùi hôi thối phảng phất trong không khí khiến chúng tôi không thể nào chịu được. Chính quyền địa phương phải có hướng khắc phục, chứ như thế này mãi dân chịu sao thấu". "Người dân chúng tôi được huyện hứa hết lần này đến lần khác nhưng vẫn không thực hiện. Bây giờ chúng tôi phải gặp tỉnh để họ hứa chắc chắn một lần cuối", bà Lê Thị Thiền, nói.

Buổi đối thoại giữa chính quyền địa phương, nhà máy và người dân.

Tại buổi đối thoại, có thêm 15 ý kiến của người dân đều đề nghị chính quyền địa phương phải cho biết lộ trình di dời bằng ngày tháng cụ thể, phải đền bù thiệt hại về tài sản đất đai, nhà cửa, hoa màu...

Trả lời các thắc mắc của người dân, ông Bùi Quang Hoàn- Chủ tịch UBND H.Kỳ Anh cho biết, huyện hết sức chia sẻ khi người dân phải đối diện với tình trạng ruồi nhặng và mùi hôi thối trong môi trường trong dịp tết Nguyên đán vừa qua. Chính quyền địa phương cũng đã lường trước được việc lượng rác đổ về dịp tết nhiều hơn nên đã chủ động cho phun thuốc tiêu độc khử trùng. Tuy nhiên, do thuốc phun không đều và lượng rác đổ về nhà máy khá nhiều nên không thể kiểm soát được. "Ngay sau khi nhận được phản ánh, huyện đã yêu cầu nhà máy xử lý ruồi nhặng và mùi hôi. Đến nay nhà máy đã cơ bản khắc phục được. Còn việc chậm di dời nhà dân đến nơi ở mới là do đây là dự án đầu tư công, có rất nhiều công đoạn, nhiều thủ tục nên mong bà con chia sẻ. Thành thật xin lỗi bà con về sự cố vừa rồi", ông Hoàn nói.

Nói về việc di dời tái định cư, ông Hoàn cho biết thêm, hiện nay UBND huyện đã phê duyệt dự án xây dựng khu tái định cư di dời hơn 40 hộ dân với tổng mức đầu tư hơn 17 tỉ đồng, dự kiến đến tháng 3 sẽ hoàn tất việc giải phóng mặt bằng và đến tháng 8 sẽ xây dựng xong cơ sở hạ tầng. Còn về dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư thì huyện đã trình UBND tỉnh. Hiện tỉnh đang giao cho Sở Kế hoạch đầu tư thẩm định nguồn vốn, dự kiến mức đầu tư khoảng 119 tỉ đồng. Ông Hoàng Chí Thức- Giám đốc Cty Phú Hà cho hay, nguyên nhân xảy ra ruồi nhặng nhiều là do lượng rác cuối năm đổ dồn về rất lớn, đặc biệt là trong dịp Tết khiến nhà máy xử lý không kịp. Cùng với đó, thời tiết nắng nóng đã tạo điều kiện cho ruồi muỗi phát sinh thêm. Hiện nhà máy đã chuẩn bị 500 lít thuốc để dập dịch ruồi. Mong người dân phối hợp với nhà máy để phun thuốc dập dịch.

Tại buổi đối thoại, ông Trần Đình Gia- Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh khẳng định: "Với tư cách là Bí thư Huyện ủy, tôi cam kết sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương và nhà máy thực hiện đúng những cam kết như đã hứa. Đồng thời, những ý kiến của bà con sẽ được báo cáo lên lãnh đạo cấp trên, rất mong bà con bình tĩnh. Bí thư Huyện ủy cho biết thêm: "Bí thư Tỉnh ủy sẽ về khảo sát và làm việc với chính quyền địa phương và lãnh đạo nhà máy. Huyện sẽ mời đại diện bà con tham gia nên bà con cứ yên tâm; mong bà con tháo dỡ rạp để nhà máy đi vào hoạt động, tránh ùn ứ rác thải, ô nhiễm lại càng ô nhiễm thêm"...

Sau khi được Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh cam kết giữ lời hứa và sẽ được đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy, trưa cùng ngày, người dân thôn Nam Xuân Sơn đã dỡ rạp chặn trước cổng nhà máy.

Hải Hậu -X.S

Chiều ngày 12- 2, tại trụ sở UBND H.Kỳ Anh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã có buổi làm việc với các Sở ban ngành liên quan, chính quyền H.Kỳ Anh, xã Kỳ Tân và đại diện 5 hộ dân thôn Nam Xuân Sơn. Theo đó, đồng chí Bí thư chỉ đạo, trong 4 ngày tới phía nhà máy phải xử lý lượng rác tồn đọng; phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng, tránh phát sinh bệnh dịch có thể xảy ra. Liên quan đến di dân tới khu tái định cư mới, đồng chí Bí thư đề nghị các Sở ban ngành liên quan sớm hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, đền bù thiệt hại trước ngày 31- 7.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_202046_tet-va-rac-thai.aspx