Tết vườn, tết cả trâu, bò

Do biến thiên lịch sử, hành trình mở nước về phương Nam khẩn hoang trên vùng đất mới đã tạo ra nhiều dị biệt trong phong tục, sinh hoạt giữa miền Bắc và miền Nam, trong đó có sinh hoạt tết. Nếu miền Bắc xem hái lộc đầu năm là tiếp nhận sinh lực, niềm may mắn của đất trời dành cho cá nhân, gia đình thì ở miền Nam, cụ thể là Long An, từ ngày 30 tháng Chạp đến trước khi tết vườn, tuyệt đối không được hái lá, hoa, trái. Cỏ cho trâu, bò ăn cũng được dự trữ từ 30 tết như một cách tạ ơn để súc vật, cỏ cây nghỉ ngơi 'ăn tết'.

Hái lộc đầu xuân

Hái lộc đầu xuân là phong tục lâu đời của người Việt. Phan Kế Bính ghi nhận trong Việt Nam phong tục: “Đến ngày mồng hai tết giở (trở) đi, người thì chọn ngày xuất hành, người thì đi hái lá cây cài vào cửa gọi là hái lộc”. Toan Ánh đã viết trong Hương vị tết xưa: “Ðáng chú ý nhất vẫn là vào sáng mồng một tết, người ta thường chọn giờ và hướng xuất hành, đi lễ chùa, hái lộc”. Những ghi chép ngắn ngủi này cho thấy, xuất phát điểm của tập tục hái lộc đầu xuân là thiêng liêng, trân trọng, phải xem ngày, giờ, phải xin ở các đình, chùa.

Tết vườn là tục cúng long thần, thổ thần cai quan vườn tược; lễ cúng gồm hoa quả, bánh tét, hương đèn,...

Tuy nhiên, theo thời gian, hái lộc đầu năm ở miền Bắc càng lúc càng khác xưa. Không chờ đến mùng một, mùng hai, người ta đi hái lộc ngay sau giao thừa, cách thức hái lộc trở thành cuộc “tranh giành” khi đua nhau chặt cành cây to mang về nhà, thậm chí nhổ cả cây con với suy nghĩ hái được cành lộc càng to sẽ càng may mắn. Cách hành xử ấy gây bức xúc trong giới trí thức. Cố Giáo sư Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Việt Nam, cho rằng: “Xưa kia, thường là sau giao thừa hoặc trong 3 ngày tết, nhiều người đi lên chùa xin lộc, chứ không phải biến thành chuyện tàn phá cây cối vừa thiếu văn hóa, không có tri thức và hiểu biết. Hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây”.

Nhà văn Vương Trí Nhàn cũng đau đáu về việc làm này. Ông miêu tả: “Từ khoảng giữa những năm chín mươi, mỗi tối giao thừa, Hà Nội có đỡ ồn vì tiếng pháo. Nhưng vào dịp một năm cũ qua đi, một năm mới bắt đầu, người đi quanh Hồ Gươm hái lộc vẫn tấp nập nhộn nhạo. Và sáng mồng một, ai có dịp đi vòng quanh hồ, vẫn nhận ra vài ngọn cây bị vặt trụi”. Tuy nhiên, vốn được đào tạo trong môi trường xã hội chủ nghĩa, ông lý giải nó theo tinh thần giai cấp. Vương Trí Nhàn viết: “Vượt lên câu chuyện văn minh, lịch sự (và hơn nữa, chuyện vi phạm pháp luật), việc bẻ cây hái lộc còn nên xem như một biểu hiện của nếp sống nông thôn tồn tại dài dài trong tâm thức người Hà Nội. Tại sao nói vậy? So với văn hóa thành thị thì văn hóa nông thôn vốn có một đặc tính khác hẳn là gần tự nhiên. Ở đây, người ta mặc nhiên cho rằng thiên nhiên là một thứ của kho vô tận, khai thác không bao giờ cạn kiệt nên không ai cần nghĩ tới việc giữ gìn. Chỉ ở thành thị, cây cối lớn lên do bàn tay con người vun xới, chuyện xâm phạm tới chúng, dù với bất cứ lý do gì mới bị coi là câu chuyện đáng trách”.

Miền Nam hoàn toàn ngược lại với kiến giải này. Miền Nam bạt ngàn cây trái, ruộng đất thẳng cánh cò bay nhưng từ ngày xưa, người dân đã trân trọng, yêu thương, nghiêm cẩn kiêng kỵ để cây trái, con vật cùng “ăn tết” với con người. Ông Nguyễn Huỳnh Triều, hậu duệ đời thứ 7 của đức Kiến Xương Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức, kể rằng: “Theo tục lệ ông bà, đến thời ba tôi vẫn còn duy trì lễ cúng tết vườn, trâu bò, giếng nước. Ngay sau ngày cúng kiếu ông bà, ba tôi bày mâm cúng tết vườn ở một khoảng đất cao ráo trong vườn, ra chuồng trâu làm một mâm cúng, ở giếng nước cũng bày một mâm cúng riêng. Vật cúng đơn giản là hương đăng, trà, quả; sau lễ cúng sẽ dán lên từng gốc cây, con trâu, bò, giếng nước một miếng giấy đỏ gọi là giấy hồng đơn với ý nghĩa lì xì đầu năm cho cây trái, con vật, cái giếng được “mạnh khỏe, bình an” trong năm mới”.

Cho súc vật, cỏ cây cùng “ăn tết”!

Tuổi thơ tôi cũng in đậm ký ức về tục tết vườn. Nội tôi là con gái ông Hội đồng Hoanh, xóm nhà giàu ở Long An, rất kỹ lưỡng, nghiêm khắc trong những nghi tiết và các điều cấm kỵ ngày lễ, tết. Từ chiều 30, tất cả phải vô quy củ, nhất là những điều kiêng kỵ như cấm quét nhà, không để bàn thờ bị nhang tàn sau khi rước đến trước khi kiếu ông bà vào mùng 3 tết. Đặc biệt, không được hái cây trái trong vườn trước khi cúng tết vườn. Theo thông lệ, mùng 2 tết, gia đình tôi gói bánh tét nhưng lá chuối, dây lạt đều phải chuẩn bị từ trước 30. Mùng 4 tết, nội mặc áo dài, bày mâm cúng tết vườn, thắp nhang khấn vái. Không dùng giấy hồng đơn như gia tộc Nguyễn Huỳnh, nội phát cho chúng tôi một xấp giấy tiền vàng bạc để dán lên tất cả các cây trong vườn, sau nghi thức này mới được hái trái. Nội dạy: “Cây trái đều là chúng sanh, đã nuôi dưỡng mình suốt năm, mình ăn tết cũng phải cho cỏ cây “ăn tết”!”.

Tết trâu, bò cầu một năm mùa màng bội thu, gia súc khỏe mạnh

Tết vườn không phải là nghi thức cá biệt của gia đình tôi hay gia tộc Nguyễn Huỳnh mà là tục lệ của cả Nam kỳ. Trong quyển sách Ăn tết miền Tây, tác giả Trần Minh Hương giải thích: “Tết vườn (cúng đất đai viên trạch) là tục cúng long thần, thổ thần cai quản vườn tược. Tục lệ này nhằm xin giúp gia chủ được hái trái, bẻ cây trong năm mới, vòng quay mới. Mâm cúng thổ thần có gà luộc, mấy bát cháo, đĩa trứng vịt, con tôm và miếng thịt lợn luộc, đĩa gạo muối, giấy tiền vàng,... Sau khi cúng xong, gia chủ sẽ mang gạo, muối rãi ra vườn. Sau đó dùng kéo cắt giấy vàng bạc dán lên những thân cây trong vườn”.

Tác giả Trương Quang Cảm có bài viết trên trang Văn nghệ Đồng Bằng Sông Cửu Long: “Lễ tết Trâu ngày trước diễn ra vào sáng mồng bốn tháng Giêng. Nhà nông bày lễ vật trước sân gồm hoa quả, bánh chưng, bánh tét, hương đèn,... để cúng thần Thành hoàng, thần Nông, thần Quách Cảnh Ngưu Lang... Sau một hồi khấn vái cầu mưa thuận, gió hòa, gia súc nói chung, trâu bò nói riêng khỏe mạnh, mùa màng bội thu, chủ nhà cầm cuốc ra vườn cuốc mấy nhát vào đất làm lễ động thổ, bắt đầu một năm mới cày cấy tăng gia sản xuất. Cúng xong, người nhà cuộn bánh tét vào cỏ tươi, tìm mọi cách cho trâu bò ăn, lấy giấy vàng bạc dán lên cột, cổng chuồng, trên sừng trâu bò, coi đó là lễ tết trâu bò, thả gia súc...”.

Ngày nay, nghi thức này dần mai một, tết vườn đã vắng bóng từ 50 năm qua. Tết trâu bò cũng không còn nhưng ở một vài địa phương vẫn duy trì sinh hoạt này./.

Anh Kiệt

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tet-vuon-tet-ca-trau-bo-a148086.html