Tết xa nhà vì giấc mơ Olympic mùa đông của tuyển bobsleigh Việt Nam

Các thành viên của đội tuyển bobsleigh (xe trượt lòng máng) đang nỗ lực tập luyện tại Hàn Quốc với hy vọng trở thành những đại diện đầu tiên của Việt Nam dự Olympic mùa đông.

Thể thao Việt Nam chưa từng có đại diện tham dự bất kỳ môn thi đấu nào tại các kỳ Olympic mùa đông. Với một quốc gia thuộc khu vực nhiệt đới, Olympic mùa đông vẫn còn khá xa lạ. Những vận động viên đầu tiên của Việt Nam thi đấu các môn thể thao mùa đông đang nỗ lực ngày đêm để có thể hiện thực hóa giấc mơ tham dự ngay tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Trong những ngày đầu xuân Tân Sửu, tuyển xe trượt lòng máng Việt Nam vẫn đang tập huấn tại Hàn Quốc. Gánh vác nhiệm vụ quan trọng trên vai, 6 thành viên lần đầu đón Tết xa nhà. Zing đã có cuộc trò chuyện với đội trưởng Nguyễn Dân An, người Việt Nam đầu tiên chơi môn thể thao này, để cảm nhận được những nỗ lực, hy sinh thầm lặng của các vận động viên.

Thách thức từ môn thể thao mới lạ

- Xin chào anh An. Với tư cách là người đi đầu trong môn xe trượt lòng máng tại Việt Nam, anh có thể cho biết quá trình thành lập đội tuyển?

- Quá trình thành lập đội tuyển bắt đầu từ năm 2016, lúc đó, tôi về Việt Nam khi đang sinh sống tại Mỹ. Tôi gặp Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, xin phép chơi môn này và đại diện cho Việt Nam. Bác Giang đồng ý và rất ủng hộ. Sau đó, tôi quay về Mỹ tiếp tục tập luyện, tập huấn mỗi năm.

Trong quá trình tập luyện, tôi biết tới một lúc nào đó, sẽ cần những đồng đội. Lúc đó, tôi lên mạng xã hội tìm những vận động viên có năng khiếu, tiềm năng mà tôi cảm thấy phù hợp cho môn thể thao này.

Đến năm 2018, tôi biết được mình đang tiến thêm một bước nữa để thành lập liên đoàn cho Việt Nam, nên mới cho một số vận động viên như Susan (Trần Thị Đoan Trang, tay đua môtô hàng đầu Việt Nam - PV), biết.

Susan trước đó đã là một tay đua rất giỏi và tôi cần điều đó. Và tôi chọn anh Trần Văn Hóa, nhà vô địch Việt Nam và SEA Games trong nhiều năm. Tôi cảm thấy những người này có thể vào đội, đạt thành tích tốt, bởi môn thể thao này đòi hỏi tốc độ và sức mạnh. Đó cũng là một cái duyên. Mạng xã hội giúp tôi rất nhiều trong quá trình tìm kiếm các vận động viên ở Việt Nam, bởi lúc đó tôi vẫn đang sống bên Mỹ.

Tôi chọn Susan với điểm mạnh tốc độ, cách lái vì muốn Susan làm phi công (người lái chiếc xe - PV). Còn anh Hóa có sức mạnh. Tôi cần anh ấy để đẩy xe, bởi tôi cũng là phi công. Lúc đầu, đội chỉ có 3 người, vì tiền ăn, uống, tập luyện tốn rất nhiều chi phí.

 Tuyển xe trượt lòng máng Việt Nam tập luyện tại Hàn Quốc. Ảnh: NVCC.

Tuyển xe trượt lòng máng Việt Nam tập luyện tại Hàn Quốc. Ảnh: NVCC.

- Môn xe trượt lòng máng này vẫn còn rất mới lạ tại Việt Nam. Anh có thể giới thiệu qua để cho độc giả biết thêm về môn thể thao này?

- Thật ra môn thể thao này rất ít người biết, kể cả khi tôi ở Mỹ, nói chuyện cũng ít người biết đến. Môn thể thao này dịch ra tiếng Việt có tên gọi "xe trượt lòng máng" bởi đường đua giống như máng xối, các vận động viên ngồi trên một chiếc xe để trượt.

Môn này thật ra đã có từ rất lâu rồi, bắt nguồn từ châu Âu khoảng 120 năm trước. Việt Nam là nước nhiệt đới, nhưng thực ra có rất nhiều quốc gia nhiệt đới đã tham gia môn thể thao này. Vì vậy, tôi muốn đại diện Việt Nam tham dự Thế vận hội ở môn này. Đó là sự tham gia rất quan trọng của một quốc gia đang phát triển nhanh như Việt Nam. Sau đó, tôi cũng muốn đào tạo cho thế hệ sau, bởi tôi đã dự tính môn thể thao này sẽ mang đến cơ hội cho các vận động viên tranh tài ở các giải quốc tế.

Bây giờ, mọi chuyện đều khá tốt. Mọi người đều nỗ lực tập luyện dù lần đầu tiên xa nhà trong một thời gian khá lâu như vậy. Chúng tôi đã sang Hàn Quốc tập luyện từ tháng 9/2020.

- Được biết, đội tuyển được tài trợ sang Hàn Quốc tập huấn. Cơ duyên nào để anh có thể liên hệ, nhận tài trợ từ nước bạn?

- Năm 2020, tôi được nhà tài trợ bên Hàn Quốc liên lạc, tìm kiếm những vận động viên của Đông Nam Á để tham gia chương trình đào tạo những vận động viên chơi xe trượt lòng máng, chuẩn bị cho Olympic 2022. Hàn Quốc vừa là chủ nhà của Olympic Pyeongchang 2018, nên họ muốn mở chương trình này để sử dụng các trường đua mà không bị lãng phí.

Trong khi đó, những quốc gia Đông Nam Á chưa có vận động viên nào chơi môn này. Do đó, họ muốn giúp đỡ để các nước có thể cùng tranh tài môn thể thao này ở Thế vận hội mùa đông. Đó cũng là cơ duyên rất lớn. Hàn Quốc chi trả tất cả chi phí cho các vận động viên.

Sau đó, tôi biết thêm bên Hàn Quốc sẽ tài trợ cho 7 động viên Việt Nam. Tôi bắt đầu tìm thêm những vận động viên khác, chủ yếu nhờ mọi người tìm giúp ở các môn điền kinh, cử tạ… và đăng lên mạng xã hội. Đó là những vận động viên tôi thấy phù hợp cho môn thể thao này. Tôi tìm thêm được 4 người nữa để đủ 7 người. Tuy nhiên, một người không cùng đội sang Hàn Quốc, nên hiện đội chỉ còn 6 người. Cùng với Việt Nam, các đội tuyển của Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Australia cũng đang tập huấn tại Hàn Quốc.

Buổi tập của tuyển xe trượt lòng máng Việt Nam. Ảnh: NVCC.

- Những ngày đầu sang Hàn Quốc tập luyện, anh và toàn đội có gặp nhiều khó khăn không?

- Lúc đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn và bỡ ngỡ bởi cách tập tại Hàn Quốc cần quá nhiều thể lực, vượt quá những gì mà đội từng trải. Đây giống như một bài học rất mới, đầy khó khăn, nhưng dần dần, chúng tôi cũng làm quen và thích ứng được.

Chúng tôi tập luyện trên núi tại Pyeongchang, cách mực nước biển 1.225 m, không khí rất loãng và thời tiết cực kỳ lạnh. Lúc mới qua, mọi người chưa quen với điều kiện này. Đây cũng là một khó khăn nữa vì quá lạnh, có những lúc nhiệt độ xuống tới âm 22 độ C. Quan trọng là mọi người chưa quen với việc sống ở độ cao như vậy, nên tỏ ra nhanh mệt.

- Ngoài những khó khăn đó, đội có gặp những trở ngại nào khác trong tập luyện và sinh hoạt không anh?

- Tôi thấy khó khăn duy nhất chỉ là về ngôn ngữ giao tiếp, bởi huấn luyện viên của Hàn cũng không thành thạo tiếng Anh. Một số vận động viên của mình cũng biết chút tiếng Anh, nhưng cuối cùng huấn luyện viên không biết tiếng Anh nhiều, nên cũng khó trao đổi rõ ràng.

Đội cũng thích nghi với điều kiện sống bên đây rất dễ, vì văn hóa của Hàn Quốc không khác Việt Nam là mấy, đồ ăn cũng vậy. Người Việt mình cũng thích các món ăn của Hàn.

Lần đầu đón Tết xa nhà vì giấc mơ Olympic

- Đội đã tập huấn bên Hàn được gần 6 tháng. Anh và đồng đội có nhớ nhà, đặc biệt trong không khí đón chào năm mới?

- Tất cả vận động viên bên đây đều là lần đầu tiên xa nhà vào dịp Tết. Tôi nghĩ mọi người đều buồn, nhưng vì trách nhiệm cao cả, ai cũng có thể đánh đổi được. Dĩ nhiên, gia đình nhớ chúng tôi và chúng tôi cũng nhớ gia đình, nhớ không khí Tết, nhưng đó chỉ là tạm thời thôi. Những đồng đội của tôi biết được tầm quan trọng của chuyến tập huấn này.

Bây giờ có rất nhiều ứng dụng có thể gọi video để nói chuyện với người thân, gia đình. Chúng tôi cũng thường gọi điện về mỗi ngày để trò chuyện, cho nên cũng không đến nỗi quá nhớ nhà. Chúng tôi cũng tổ chức buổi tất niên, cùng nhau nấu nướng.

Trong những ngày Tết, đội được nghỉ nhưng không đi đâu chơi mà ở lại khách sạn nghỉ ngơi. Chúng tôi tập luyện ở trên núi, một khu khá hẻo lánh nên xung quanh cũng không có nhiều chỗ để đi chơi.

- Anh có thể cho biết thành tích của đội sau khoảng nửa năm tập luyện tại Hàn Quốc?

- Trong lúc này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng tôi không thể đi thi đấu và tập huấn tại Mỹ và Canada. Chúng tôi và các đội khác của Đông Nam Á chỉ có thể tập luyện và thi đấu một số giải nhỏ tại đây.

Mới đây có giải của thành phố, đội nữ Việt Nam giành HCB, trong đó Susan là phi công. Đội nam giành được HCĐ. Nhìn chung, thành tích của đội cũng ở mức được, nhưng quan trọng việc tham dự các giải nhỏ như này để các vận động viên tích lũy kinh nghiệm, chứ không tính vào điểm tích lũy dự Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

- Vậy vòng loại Olympic 2022 khi nào bắt đầu và anh nhận định nội dung nào mà chúng ta sáng cửa nhất đủ điều kiện tham dự?

- Các giải tích điểm cho vòng loại Olympic 2022 sẽ bắt đầu từ tháng 11. Yêu cầu để các vận động viên đủ điều kiện tham dự là phải tranh tài tại 8 cuộc đua khác nhau, trên 3 đường đua khác nhau và được xếp hạng trong ít nhất 5 cuộc đua trên hai đường đua khác nhau. Khi đua, các vận động viên sẽ được tính điểm và xếp theo thứ hạng.

Theo dự tính, như Susan sẽ phải lọt vào top 40 thế giới thì mới có cơ hội tham dự Thế vận hội, trong khi của nam nhiều khả năng trong top 45.

Tôi thấy Susan có cơ hội nhiều nhất vì chơi nội dung cá nhân nữ, mới được đưa vào chương trình thi đấu tại Thế vận hội 2022. Trước đó, nội dung của nữ chỉ có đôi. Ban tổ chức đưa thêm nội dung cá nhân nữ vào thi đấu với mục đích tăng thêm số lượng vận động viên nữ tranh tài tại Thế vận hội.

Đội nữ Việt Nam giành tấm HCB tại giải đấu hồi đầu tháng 2. Ảnh: NVCC.

- Đội tuyển vẫn đang tìm kiếm thêm một bạn nữ để tập luyện. Anh có thể cho biết thêm về những tiêu chí tuyển chọn?

- Chúng tôi cần tìm một bạn nữ cao 1,65 m trở lên, nặng trên 65 kg. Đây là người ngồi sau, đẩy xe cho Susan, nên tôi muốn tìm một bạn nữ cao, to, nhanh, mạnh và phải gan dạ.

- Bước sang năm Tân Sửu, anh có mong ước gì cùng với đội tuyển xe trượt lòng máng Việt Nam?

- Mong ước lớn nhất của tôi là thành lập Liên đoàn Xe trượt lòng máng Việt Nam và được Liên đoàn Xe trượt lòng máng quốc tế chấp nhận là thành viên. Đây là điều rất quan trọng.

Ngoài ra, chúng tôi vẫn tiếp tục tập luyện, tìm cách để đi tập huấn và tranh tài tại các giải quốc tế. Chương trình tập huấn tại Hàn Quốc sẽ kết thúc vào cuối tháng 3, và đội sẽ về Việt Nam ngày 31/3. Bên Hàn Quốc sẽ đánh giá thành tích của đội để tuyển chọn tiếp cho mùa tới.

- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi. Chúc anh và toàn đội năm mới nhiều sức khỏe và đạt thành tích tốt!

Tiến Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tet-xa-nha-vi-giac-mo-olympic-mua-dong-cua-tuyen-bobsleigh-viet-nam-post1183733.html