Tễu và Rồng kể những câu chuyện nóng bỏng thời cuộc

'Mơ Rồng' được Nhà hát múa Rối Thăng Long dàn dựng để tham dự Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế Hà Nội 2019. Đạo diễn Lê Quý Dương đã mượn giấc mơ để thể nghiệm những sáng tạo độc đáo, để nói câu chuyện của hiện thực hôm nay.

Một cảnh trong vở rối “Mơ Rồng”. Ảnh: T.G

Một cảnh trong vở rối “Mơ Rồng”. Ảnh: T.G

Mượn giấc mơ để nói hiện thực

"Mơ Rồng" bắt đầu từ tình huống một nghệ sỹ tạo hình các nhân vật rối trong một đêm làm việc và sáng tạo miệt mài, mệt quá đã ngủ thiếp đi. Từ đây, giấc mơ rồng của anh dần hiện hữu.

Vì là mơ nên người nghệ sĩ tạo hình rối, hay đúng hơn là đạo diễn, tác giả kịch bản Lê Quý Dương đã thỏa sức bay bổng, sáng tạo và cả những mơ mộng về Rồng. Không chỉ có Rồng châu Á mà còn có cả Rồng châu Âu, như một ý nghĩa hòa nhập với thế giới. Và Rồng ở đây không chỉ là hình tượng cụ thể mà còn là ước mơ chinh phục, khai phá và gắn kết, tương trợ giữa người với người, giữa các quốc gia với nhau.

Trên ý nghĩa hiện thực, "Mơ Rồng" là câu chuyện của Tễu và Rồng Bay với hành trình phiêu lưu và du ngoạn khắp hành tinh. Hai nhân vật chính đã gặp những con rồng khác như: Rồng Đất (Rồng đất châu Á), Rồng Vàng (Rồng vàng châu Âu), Rồng Lửa (Rồng lửa châu Phi), Rồng Gió (Rồng Mỹ), Rồng Nước và Rồng Hoa đến từ châu Đại Dương. Tễu và Rồng Bay giúp họ bằng những hành động anh hùng, chiến đấu với các thế lực hung ác, đen tối. Đồng thời, sau trận chiến kinh hoàng, họ đã cảm hóa được Rồng Gió trở về với điều thiện. Vở diễn kết thúc với Lễ hội Hòa Bình nơi Tễu và Rồng Bay mời bè bạn từ khắp bốn biển, năm châu về quanh Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng Hà Nội - thành phố Hòa Bình.

Những gì mà Tễu và Rồng Bay trải qua cũng chính là những gì mà hiện thực cuộc sống nóng bỏng của nhân loại hôm nay: Biến đổi khí hậu; Bắt cóc trẻ em; Rác thải công nghệ; Bệnh tật đói nghèo; Xung đột quyền lực; Tranh chấp đại dương…

Vì đây là vở diễn tham dự Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế Hà Nội 2019 nên ngoài vấn đề nội dung, vở diễn phải đạt yếu tố quan trọng là sự thử nghiệm, thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo mới mẻ của tác giả. Đạo diễn Lê Quý Dương vẫn lấy cái gốc là nghệ thuật múa rối truyền thống, để từ đó thể hiện sự sáng tạo mang tính tiếp nối, kế thừa bằng việc kết hợp truyền thống với hiện tại.

Lần đầu tiên khán giả được nhìn thấy những tạo hình rối đầy mới lạ, phong phú với đủ loại hình từ Rối nước, Rối cạn, Rối dây, Rối que và kết hợp với nghệ thuật hình thể. Những nghệ sĩ vốn chỉ thầm lặng đứng sau tấm mành tre để điều khiển các nhân vật rối truyền thống, nay được "lộ diện", trở thành những diễn viên chính trên sân khấu. Nghệ sĩ Nguyễn Công Mạnh cho biết: Với kinh nghiệm 13 năm gắn bó với nghệ thuật xiếc và 7 năm với con rối nhưng đây là lần đầu tiên anh được thể hiện một vở diễn Rối kết hợp với hình thể. Nhờ đó, "vốn liếng" về xiếc của anh đã có dịp được tận dụng. Điều này đã mang lại sự sáng tạo mới mẻ cho các nghệ sĩ để họ được thăng hoa hơn trên sân khấu. Với kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại, khi hóa thân thành thể xác, lúc nhập tâm thành linh hồn của các nhân vật rối tưởng vô tri vô giác nhưng có một đời sống nội tâm và hình thể vô cùng phong phú.

Ấn tượng vì âm nhạc đẳng cấp

Xem xong vở diễn, các thành viên Hội đồng nghệ thuật đều dành nhiều lời khen cho "Mơ Rồng", nhất là ở góc độ sáng tạo, tìm tòi cả trong hình thức thể hiện lẫn tạo hình con rối và sân khấu.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội đánh giá cao ý tưởng của vở diễn, hiện đại nhưng yếu tố dân gian vẫn rất rõ. Từ chú Tễu đến Rồng và các nhân vật Rối. Rồng không chỉ có ở Việt Nam mà còn xuất hiện trong các câu chuyện của nhiều nước trên thế giới, trong khi chú Tễu là hình tượng rất đặc trưng của nghệ thuật truyền thống. Vì thế, việc đạo diễn chọn nhân vật chủ đạo là Tễu và Rồng là rất sáng tạo.

Ngoài ra, với ý tưởng bắt đầu từ giấc mơ của anh thợ tạo hình Rối, đạo diễn đã thỏa sức vùng vẫy, giải phóng cho kịch bản về mặt ý tưởng. Vì mơ nên có thể bay đi khắp nơi, làm gì cũng được mà vẫn hợp lý, chứ nói chuyện Rồng đơn thuần thì nó thực quá".

Khi xem vở diễn, điều nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chú ý hơn cả là âm nhạc. Ông đánh giá cao âm nhạc ở "Mơ Rồng" rất đẳng cấp ở chất lượng âm thanh, phối khí và thể hiện sự "chịu chơi" của Nhà hát múa Rối Thăng Long vì sử dụng âm nhạc như thế này sẽ không phải ít tiền. "Nếu không phải là âm nhạc như thế này thì vở diễn khó tạo được hiệu ứng với hội đồng. Như phim Vua sư tử, theo tôi được biết, họ mời cả dàn nhạc giao hưởng chơi trực tiếp trong từng khuôn hình. Có như thế thì phim mới đoạt nhiều giải Oscar và phần âm nhạc của phim cũng thành tác phẩm độc lập. Với "Mơ Rồng" cũng vậy, việc đầu tư âm nhạc mang tiêu chuẩn quốc tế như thế này sẽ là một lợi thế lớn khi tham dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm Quốc tế Hà Nội". Được biết, phần âm nhạc do một nhạc sĩ người Úc - Darin Verhagen thực hiện, vốn là bạn của đạo diễn Lê Quý Dương khi anh còn học tập và làm việc ở Úc nhiều năm trước khi về Việt Nam.

Bên cạnh những ý kiến khen ngợi, NSND Thanh Trầm - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội góp ý: "Sau cuộc thi, khi mang ra biểu diễn thì nên có những đoạn dẫn giải bằng lời thoại để "minh họa" thêm. Người trong nghề hiểu rõ nhưng với khán giả nói chung và nhất là trẻ em thì không dễ dàng hiểu được ý đồ của đạo diễn".

Nhìn nhận ở góc độ quốc tế hóa, ông Tobias Biancone - Tổng Giám đốc Viện Sân khấu Quốc tế, Chủ tịch Mạng lưới ITI/UNESCO về Giáo dục Đại học về Nghệ thuật sân khấu khá ấn tượng về hình tượng Rồng đa sắc tộc của Đạo diễn Lê Quý Dương: “Thông qua chuyến đi vòng quanh thế giới với tư cách là thành viên hàng đầu của Viện Sân khấu quốc tế (ITI), đạo diễn Lê Quý Dương đã có được tầm nhìn cho phép nghệ sĩ coi trọng và tôn trọng các biểu hiện văn hóa khác nhau ở năm châu lục. Theo các nguyên tắc của Viện Sân khấu quốc tế, không có nền văn hóa nào vượt trội so với nền văn hóa nào, các nền văn hóa đều có cùng giá trị. Nếu một tác phẩm nghệ thuật mang lại và truyền đạt tầm nhìn cho một thế giới tốt đẹp hơn, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau thì một tác phẩm như vậy sẽ được đông đảo mọi người ở mọi quốc gia trên thế giới đón nhận”.

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/teu-va-rong-ke-nhung-cau-chuyen-nong-bong-thoi-cuoc-2019092018570384.htm