Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp bị đề nghị tù chung thân

Theo đại diện VKS, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp là người trực tiếp bàn bạc, thống nhất với bị cáo Vy Nhật Tảo về việc hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng lấy mặt bằng 57 Cao Thắng.

HĐXX trở lại làm việc sau 5 ngày tạm dừng phiên tòa.

HĐXX trở lại làm việc sau 5 ngày tạm dừng phiên tòa.

Sau 5 ngày tạm dừng, sáng nay (22/3) phiên tòa xét xử cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, nữ đại gia bất động sản Dương Thị Bạch Diệp cùng 8 bị cáo khác trong vụ sai phạm liên quan đến nhà đất công sản 185 Hai Bà Trưng tiếp tục làm việc. Mở đầu phiên tòa sáng 22/3, đại diện viện Kiểm sát đưa ra quan điểm luận tội đối với các bị cáo.

Theo đại diện VKSND TPHCM, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp - Giám đốc Công ty Bất động sản Diệp Bạch Dương là người trực tiếp bàn bạc, thống nhất với bị cáo Vy Nhật Tảo (cựu Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TPHCM) về việc hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng lấy mặt bằng 57 Cao Thắng. Quá trình xin hoán đổi tài sản, Dương Thị Bạch Diệp đã sử dụng bản photo có chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở số 57 Cao Thắng cung cấp cho Ban chỉ đạo 09 và các sở ngành để làm thủ tục hoán đổi; không thông báo cho các đơn vị nêu trên tài sản 57 Cao Thắng đã thế chấp vay vốn tại Agribank TPHCM.

Đại diện VKS nêu quan điểm luận tội và đề nghị án đối với các bị cáo.

Sau khi được UBND TP HCM đồng ý hoán đổi và được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 185 Hai Bà Trưng, nữ giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương đã thế chấp vay vốn tại ngân hàng Sacombank mà không thay thế cho tài sản 57 Cao Thắng đã thế chấp trước đó tại ngân hàng Agribank chi nhánh TPHCM.

Tại tòa và quá trình điều tra, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp không thừa nhận hành vi phạm tội mà cho rằng, nhà đất 57 Cao Thắng không là tài sản đảm bảo cho bất kỳ khoản vay nào tại Agribank chi nhánh TPHCM. Quá trình ký Hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng liên quan đến tài sản này đã bị Agribank lừa; không ký nhận nợ 8.700 lượng vàng của Agribank. Tuy nhiên, đại diện cơ quan công tố tại tòa nhận định có đủ chứng cứ, cơ sở khẳng định tài sản 57 Cao Thắng là tài sản đảm bảo của Công ty Diệp Bạch Dương tại Agribank như đã đề cập.

Theo đại diện VKS, để xảy ra việc Dương Thị Bạch Diệp chiếm đoạt được tài sản của Nhà nước như đã nêu trên là do các cán bộ thuộc các đơn vị có liên quan đã có hành vi sai phạm, thiếu trách nhiệm, tắc trách trong việc tham mưu, đề xuất, chấp thuận hoán đổi tài sản; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại số 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương không đúng pháp luật.

Các bị cáo trong vụ án đứng nghe cơ quan công tố luận tội, do sức khỏe yếu một số bị cáo được phép ngồi nghe.

Trong đó, bị cáo Vy Nhật Tảo là người đề xuất phương án hoán đổi và tích cực thực hiện nhưng bị Dương Thị Bạch Diệp lừa nên không phát hiện được nhà đất số 57 Cao Thắng đã bị thế chấp, dẫn đến hậu quả tài sản của Nhà nước bị Dương Thị Bạch Diệp chiếm đoạt.

Đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận không được phân công phụ trách xử lý, sắp xếp lại tài sản Nhà nước nhưng khi nghe Vy Nhật Tảo và bà Dương Thị Bạch Diệp trình bày phương án hoán đổi mang lại lợi ích cho TP nên đã ủng hộ và báo cáo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM xin ý kiến chỉ đạo. Ông Lê Hoàng Quân giao cho ông Tài trực tiếp chỉ đạo, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do tin tưởng cấp dưới nên đã không chỉ đạo kiểm tra, xác minh pháp lý của nhà đất số 57 Cao Thắng, chấp thuận cho hoán đổi khi tài sản 57 Cao Thắng đang được Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp vay vốn. Hậu quả thiệt hại cho Nhà nước là 186 tỷ đồng.

VKS khẳng định cáo trạng truy tố 10 bị cáo là hoàn toàn đúng người đúng tội, đúng pháp luật và có căn cứ. Hành vi của tất cả các bị cáo trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản Nhà nước trái luật. Hành vi này gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước nên cần có một hình phạt vừa nghiêm minh, vừa nhân văn nhưng vẫn đảm bảo tính răn đe chung.

Sau khi phân tích đánh giá về tính chất, mức độ hành vi của các bị cáo trong vụ án cơ quan công tố đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó Giám đốc Sở TNMT TPHCM), Vy Nhật Tảo (cựu Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TPHCM) bị đề nghị hình phạt 5 - 6 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cùng tội danh trên, các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 3-5 năm tù. Riêng bị cáo Lê Tôn Thanh (cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa –Thể thao –Du lịch TPHCM) bị đề nghị 3 năm tù treo./.

Tỷ Huỳnh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/vu-an/nu-dai-gia-duong-thi-bach-diep-bi-de-nghi-tu-chung-than-844897.vov