Tha hóa quyền lực

Thời gian qua, nhiều ĐBQH lên tiếng cảnh báo tình trạng bổ nhiệm con ông cháu cha, bổ nhiệm cán bộ không trong sáng, xuất phát từ quan hệ và nhóm lợi ích nào đó. Thực tế, ở một số bộ ngành, địa phương đã để lọt vào bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất, thậm chí có hại cho quá trình phát triển của đất nước.

Tình trạng lạm dụng quyền lực trong bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ gây hậu quả rất khó đo đếm hết. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, không ít cán bộ, đảng viên có chức vụ bị kiểm điểm, kỷ luật (thậm chí có người bị xử lý hình sự), trong đó cả cán bộ cấp cao: Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Thị Mỹ Thanh, Hồ Văn Năm, Tất Thành Cang… Khi xử lý mới vỡ lẽ nhiều cán bộ đã vi phạm trong thời gian dài trước khi được cất nhắc. Có cán bộ trong ngành bảo vệ pháp luật “dính” xã hội đen. Có người để lợi ích nhóm chi phối như trong vụ Vũ nhôm, Út trọc. Có người bảo kê, tham gia đường dây đánh bạc ngàn tỷ. Có người nhận hối lộ vài chục ngàn đến cả triệu đô la như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… Trong hơn nửa nhiệm kỳ, cấp ủy và UBKT các cấp đã kỷ luật 53.107 cán bộ, đảng viên, trong đó BCH.TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT TƯ thi hành kỷ luật hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (riêng năm 2018 có 38 cán bộ, đảng viên diện Trung ương quản lý bị kỷ luật).

Chắc không phải ngẫu nhiên Vũ Quang Hải, Lê Trương Hải Hiếu, Lê Phước Hoài Bảo, Nguyễn Xuân Anh dễ dàng được bổ nhiệm, nhanh chóng thăng tiến ở vị trí quan trọng, để rồi phải sớm trả lại vị trí cho người xứng đáng. Chỉ đến khi UBKT TƯ vào cuộc mới vỡ lẽ “hot girl xứ Thanh” thăng tiến thần tốc vì được “nâng đỡ không trong sáng” và không ít “con ông cháu cha” bị kỷ luật, và vi phạm đạo đức lối sống... Chuyện Trần Thị Ngọc Thảo dùng bằng cấp và tên chị gái để thăng tiến ở Đăk Lăk, loạt quan chức gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang cho thấy yếu tố “lợi ích nhóm”, “người nhà, người thân” rất rõ. Nếu không có lợi ích, vì cách hẩu, trước khi về hưu, ông Vũ Huy Hoàng, ông Huỳnh Phong Tranh đã không “bổ nhiệm ồ ạt ”, “thần tốc” hàng loạt cán bộ.

Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến cảnh báo: Đừng để xã hội giễu cợt anh bổ nhiệm người này người kia vì có “5C” (con cháu các cụ cả), “5 Ê” (tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ, đồ đệ), còn trí tuệ xếp sau cùng. Tất nhiên, chúng ta không “vơ đũa cả nắm”, vì nhiều người là “con ông cháu cha” có tài đức, bổ nhiệm họ sẽ chỉ có lợi cho đất nước.

Ngày 23/9/2019, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định 205 (QĐ/TW- 2019) nhằm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Đây là quyết tâm lớn của Đảng. Lần đầu tiên Đảng chỉ rõ hành vi chạy chức, chạy quyền, hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Cán bộ có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay đang công tác thì ngoài bị xử lý kỷ luật theo quy định, còn bị đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ, cho thôi tham gia cấp ủy, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, thậm chí buộc thôi việc, khai trừ ra khỏi Đảng.

Quyền lực không được kiểm soát có thể tha hóa, lạm quyền, bị lợi ích nhóm chi phối. Phải xử nghiêm cán bộ vi phạm mới chống được bệnh chạy chức, chạy quyền; mới đảm bảo quyền lực được trao cho người xứng đáng, những người thực sự là “đầy tớ” của nhân dân.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/tha-hoa-quyen-luc-1472199.tpo