Thả hơn nửa triệu cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tại An Giang

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, trong năm 2022, Việt Nam sẽ tiến hành tổ chức thả hơn 53 triệu con giống và 136.000 kg giống thủy sản đa dạng các loại vào vùng nước tự nhiên nhằm thực hiện tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Trong tháng 9 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng UBND tỉnh An Giang đã chủ trì phối hợp với UBND TP. Cần Thơ, UBND tỉnh Đồng Tháp, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang và Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang tổ chức thả hơn 5 tấn cá giống với hơn 600.000 cá thể các loại xuống sông Hậu.

Hơn 5 tấn cá giống được Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh An Giang thả vào vùng nước tự nhiên bao gồm 18 loài như: Cá hô, cá ét, mè hôi, cá cóc, chép, basa, vồ đém, chạch lấu, chày, bông lau… và nhiều loài thủy sản bản địa quý hiếm khác cũng được thả về với thiên nhiên.

 Hoạt động thả cá vào vùng nước tự nhiên là hoạt động trọng tâm của Bộ NN&PTNT

Hoạt động thả cá vào vùng nước tự nhiên là hoạt động trọng tâm của Bộ NN&PTNT

Hoạt động thả cá lần này tổ chức với mục đích phục hồi, tái tạo các loài cá bản địa, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; kết hợp thả các loài cá kinh tế nhằm tăng năng suất và sản lượng khai thác, góp phần ổn định sinh kế, cải thiện đời sống cộng đồng dân cư, đồng thời nâng cao hiệu quả của hoạt động phóng sinh các giống loài thủy sản.

Được biết, hoạt động thả cá vào vùng nước tự nhiên là hoạt động trọng tâm của Bộ NN&PTNT nhằm tích cực tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, tái tạo nguồn lợi thủy sản cho hôm nay và cho thế hệ mai sau.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phùng Đức Tiến thông tin, đây là năm đầu tiên Bộ phối hợp với 3 tỉnh, thành phố gồm An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống sông Hậu nhằm bảo vệ, bảo tồn đa dạng thủy sinh vật. Đặc biệt là nhiều loài quý hiếm, có giá trị kinh tế và xuất khẩu, bảo vệ cảnh quan môi trường và hệ sinh thái thủy sinh vật, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở các thủy vực ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.

Hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp trên sông Hậu sẽ được tổ chức liên tục trong 3 năm (từ năm 2022 đến năm 2025).

Các tỉnh sẽ có nhiệm vụ luân phiên đăng cai chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức. Qua đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Đồng thời đẩy mạnh xác định vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhằm mục tiêu hướng tới quản lý nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả hơn, đảm bảo cho ngành nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển một cách bền vững.

Bà con nhân dân tỉnh An Giang tham gia thả cá giống xuống sông Hậu nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản (Ảnh- Đ.T)

Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết, với chủ đề “Chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”, buổi thả cá giống hôm nay đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cùng sự tham gia đóng góp kinh phí của người dân với số tiền trên 1,5 tỉ đồng.

Dặn dò tại buổi lễ thả cá, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới mọi tổ chức, cá nhân, tăng ni, phật tử và người dân.

Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đánh bắt thủy sản bằng hình thức tận diệt như: sử dụng xung điện, kích điện, dụng cụ đánh cá có mắt lưới quá nhỏ để đánh bắt thủy sản trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân không đánh bắt thủy sản trái quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố để hướng dẫn tăng ni, phật tử thực hành phóng sinh đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã định hướng việc hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản được coi trọng, thực hiện thường xuyên trên cả nước và được xã hội hóa sâu rộng.

Huỳnh Mai

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tha-hon-nua-trieu-ca-giong-nham-tai-tao-nguon-loi-thuy-san-tai-an-giang-71048.html