Tha La mùa nước nổi

Đêm Tha La mênh mông, u buồn và quạnh quẽ. Ở đó, 'chợ âm phủ' nhóm họp lặng lẽ nhưng không kém phần náo nhiệt bởi cảnh khai thác và buôn bán thủy sản trong đêm…

Tấp nập kẻ đến, người đi

Đêm. Đứng trên bờ kênh Tha La (ấp Cây Châm, xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, An Giang) nhìn về cánh đồng nước Tịnh Biên, không gian mờ mịt. Những vệt sáng đèn soi, nhá nhem trong đêm của biết bao thân phận nghèo mưu sinh trong mùa lũ càng làm cho không gian thêm buồn tẻ. Đập Tha La mới xả lũ đã lấy lượng thủy trình từ thượng nguồn, nên mực nước dâng cao hơn đôi chút, cá, tôm cũng khá hơn. Cảnh khai thác và buôn bán thủy sản trong đêm càng náo nhiệt. Anh Trần Văn Chọn (43 tuổi, ngụ thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) rong ruổi về cánh đồng Tịnh Biên từ khi lũ mới ngấp nghé đồng. Đến nay, anh đã hơn 2 tháng xa nhà mưu sinh bằng nghề đặt đú. Lấy mỏm đất cặp cầu Tha La làm nơi “ngụ cư” qua ngày, đêm xuống, 2 vợ chồng anh Chọn giong xuồng lưới băng đồng khai thác cá, tôm.

Anh Chọn cho biết: “Thuở bé đã theo cha đặt dớn trên đồng (sau này là đú). Riết rồi thạo luôn cái nghề cơ cực này. Đến mùa nước nổi, tui chạy ghe, xuồng vào Tịnh Biên để khai thác cá”. Chiếc ghe của anh là một gia tài quý giá cho cuộc hành trình mưu sinh đầy trắc ẩn trong mùa lũ. Dưới ghe như căn nhà di động “2 trong 1” (vừa ở, vừa mưu sinh), với đủ thứ vật dụng. “Thấy vậy chứ tiện lắm! Đêm xuống nếu bụng đói, chỉ cần thổi lửa nấu cơm hoặc nấu tô mì lót dạ đều được. Ngoài ra, chiếc ghe còn giúp tui đặt đú trên đồng…”- anh Chọn khoe và cho biết thêm, trời vừa sụp tối, vợ chồng anh bắt đầu cuộc hành trình mưu sinh. Khoảng 3 giờ sáng, thu hoạch cá xong, anh chạy về cân tại chợ Tha La.

Rảo một vòng bến cá, gặp ông Nguyễn Văn Gan (56 tuổi ở xã Phú Bình, Phú Tân) đang khom lưng tát từng gàu nước khua rột rạt để bắt cá linh cân cho bạn hàng. Hơn 30 năm trong nghề “bà cậu” ăn theo mùa nước nổi, ông Gan nhớ như in cái thời ở quê nhà cá nhiều không thể tả. Ông kể, lúc đó chưa đắp đê ngăn lũ, người ta đặt dớn trên đồng trúng cá chở khẳm xuồng. “Lúc trước, mỗi khi lũ về nước ngập cao từ 2-3m, dìm ngập đường xá, ghe xuồng chạy băng ngang đường vẫn được. Hồi ấy, chưa biết làm đú nên chủ yếu đặt dớn. Khoảng 2 tiếng đồng hồ, thăm dớn 1 lần. Mỗi ngày thăm 3-4 lần, thu hoạch hơn 100kg cá linh. Còn bây giờ mỗi đêm tui đặt đú dính chỉ khoảng 15kg, chủ yếu là cá tạp chứ không dính rặt cá linh như trước. Hiện tại, bạn hàng chỉ thu 12.000 đồng/kg, bỏ sở hụi kiếm cũng được khoảng 100.000 đồng/ngày”- ông Gan bày tỏ.

Trăm năm vẫn vậy

Tờ mờ. Chợ Tha La ngày càng sung hơn. Nhiều chiếc xuồng cui cặp bến. Cảnh bán, người mua trở nên ồn ào hơn bao giờ hết. Ngồi thư thả bên góc “chợ ma”, bà tư Sang (Lê Thị Thu Sang, 59 tuổi, ngụ TP. Châu Đốc) được ngư dân mang cá dưới xuồng lên bán tấp nập. Bà Sang là một thương buôn cá đồng lâu đời nhất ở đây. Năm nào cũng vậy, đầu mùa nước nổi, bà tư Sang đều có mặt tại “chợ ma” này. Ở đây, bà đã nếm trải biết bao tháng ngày mưu sinh bằng nghề buôn cá đồng. Khoảng 20 năm trước, chưa đắp đê, nước trên đồng chảy cuồn cuộn. Lúc đó, chỗ này người ta đặt 2-3 miệng đáy hứng cá từ thượng nguồn chảy về dính thấy ham. Dùng cần xé để đựng và cân bằng cây cân đòn. Cá linh rặt ri, không con cá nào lẫn lộn”- bà tư Sang nhớ lại.

Ngày trước, tại bến Tha La, hàng đêm có khoảng 100 đầu xuồng lớn nhỏ đánh bắt cá, tôm cặp bến bán cá. Họ là những dân nghèo xa xứ về đây khai thác thủy sản trong mùa nước nổi. Hết mùa, họ cuốn gói về quê. Khi con nước chụp đồng thì họ lại đến đây đánh bắt cá. Việc mưu sinh của họ luôn bắt nhịp với vòng quay của thời gian. Xuồng, ghe đông như ngày hội. Kẻ đến, người đi trong đêm hối hả. Còn bây giờ, các cánh đồng đều đắp đê ngăn lũ, nên cá, tôm cũng ít dần. Những người phương xa về đây ngày càng ít. Cảnh mua bán cũng vơi đi.

Đêm về. Bà tư Sang ngồi đây trông ngóng về cánh đồng lũ như người ta đợi những chuyến tàu đêm. Mỗi lần nghe tiếng máy nổ chan chát của dân nghèo mang cá về, bà bừng tĩnh sau đêm dài mệt mỏi vì chờ đợi. “Cân cá riết rồi quen mặt, hiện tại mỗi ngày, tôi cân khoảng 500kg cá tạp, cua các loại đem giao cho những ông chủ hầm, bè nuôi cá ở TP. Châu Đốc. Mùa nước nổi ở bến cầu Tha La xôm như thế”- bà tư Sang trần tình.

Được người ta đặt cho cái tên “chợ ma”, nhưng người dân bày bán đủ loại cá đồng. Nó thu hút những chủ quán đến đây thu mua cá đồng để phục vụ khách du lịch. Vài năm trở lại đây, hễ đến mùa nước nổi, một số hộ dân ven kênh Vĩnh Tế nắm bắt nhu cầu của khách phương xa, nên họ mở quán ăn với đặc sản cá đồng. Anh Phụng, chủ quán Hải Đăng ở ven kênh Vĩnh Tế thức đêm bám chợ để thu mua cá đồng. Anh Phụng cho biết, tờ mờ sáng là anh đã tranh thủ ra “chợ ma” tìm cá lóc đồng “chánh tông” để nướng trui phục vụ đoàn khách ở Sài Gòn vừa đặt bàn hôm qua. “Phải đem cá về rộng. Mỗi lần khách ghé phải cho họ xem tận mắt, bắt tận tay mới đem chế biến. Làm ăn phải lấy chữ tín. Khách Sài Gòn họ tinh ý lắm. Nếu mình đem cá nuôi mà nói cá đồng thì bị họ cự liền. Ngoài cá lóc đồng, quán của tui còn phục vụ cá linh, cá rô đồng, cá chạch cơm, cá heo… còn sống cho khách”- anh Phụng bày tỏ.

Theo thời gian, cá mắm ngày càng ít dần trong mùa lũ. Nếu ngày trước, mỗi đêm tại chợ Tha La có tới 100 ghe, xuồng đánh bắt và buôn cá đồng thì nay chỉ còn khoảng 25 đầu xuồng. Nhiều người đã tạm gác lại cái nghề hạ bạc, rồi “ly hương” lên Bình Dương làm công nhân ở các khu công nghiệp...

Theo Phan Thành/ An Giang online

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tha-la-mua-nuoc-noi-post238934.info