Thạch Hãn, dòng sông anh hùng

Một lần trên đường công tác từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo, về Quảng Trị, chúng tôi được ngắm một dòng sông nên thơ. Hỏi ra mới biết, đó là sông Thạch Hãn.

Cửu Đỉnh trong sân Thế Miếu, Hoàng thành Huế. Ảnh: Trịnh Sinh

Không chỉ đẹp, Thạch Hãn còn là một dòng sông anh hùng. Tôi nhớ mãi câu thơ mà một chiến sĩ thành cổ Quảng Trị về thăm lại chiến trường xưa đã xuất thần viết lên:

"Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi hòa sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".

Xin chèo nhẹ thôi, đò ơi… dẫu hôm nay là chiếc đò đưa du khách phương xa thăm dòng Thạch Hãn bên bờ thành cổ bình yên và lãng mạn. Nhưng xin nhớ dòng sông này đã có hơn 1.000 liệt sĩ hy sinh trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Có người đã về với quê mẹ, có người còn nằm đâu đó dưới đáy sông.

Thạch Hãn là con sông lớn nhất của Quảng Trị, vì thế trong thư tịch còn được gọi là sông Quảng Trị, còn dân Quảng Trị từ xưa quen gọi là sông Hàn:

“Chẳng thơm cũng thể hương dàn

Chẳng trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”.

Thạch Hãn rất nổi tiếng. Chẳng thế mà khi Hoàng đế Minh Mạng cho đúc Cửu Đỉnh (9 cái đỉnh đồng) vào năm 1835 và khánh thành vào ngày 1 tháng 3 năm 1837, đã cho khắc hình sông Thạch Hãn vào một trong 9 cái đỉnh này.

Chiếc đỉnh được khắc có tên là Thuần Đỉnh, tượng trưng cho sự thờ cúng biết ơn vua Nguyễn Cảnh Tông, nặng gần 2 tấn, cao 2,325m; đường kính miệng 4,26m. Hiện nay, chiếc đỉnh này được bày ở sân Thế miếu thờ các đời vua Nguyễn. Gần 200 năm trôi qua mà Thuần Đỉnh vẫn đẹp đẽ đến từng chi tiết, chỉ riêng có màu đồng lóng lánh vàng thì nay đã phủ lên mình màu xanh nhạt của cổ vật.

Không phải ngẫu nhiên mà Thạch Hãn được vua Minh Mạng tuyển chọn trong số các con sông trong nước Nam ta để lọt vào danh sách 9 dòng sông tiêu biểu. Con số 9 là con số thiêng thời Nguyễn. Chẳng thế mà 9 cái đỉnh, 9 dòng sông, 9 ngọn núi và còn 9 loại thuyền, loại hoa, loại chim… nữa.

Một khúc sông Thạch Hãn được thể hiện như một bức họa đồ, với góc nhìn đẹp từ trên xuống. Đáng lưu ý là giữa dòng Thạch Hãn còn có 9 hòn đá tảng như ngăn dòng, như là một hào lũy tự nhiên. Vì thế mà dòng sông có tên là

Thạch Hãn (Thạch có nghĩa là đá, còn Hãn có nghĩa là sự ngăn chống). Có phải thế chăng mà Hoàng đế Gia Long đã chọn đất xây thành Quảng Trị vào năm 1809. Lúc đầu thành đắp bằng đất. Sau đó, Hoàng đế Minh Mạng lại cho xây kiên cố bằng gạch năm 1837. Thành có dạng hình vuông. Đáng lưu ý, thành dựng trên bờ Đông của dòng Thạch Hãn. Nhà Nguyễn đã am tường cái lợi hại của “dòng sông đá” này như một hào thành tự nhiên bảo vệ thành Quảng Trị.

Sách Đại Nam nhất thống chí, do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn đã ghi khá tường tận về dòng sông nổi tiếng này: “Tỉnh Quảng Trị có sông Thạch Hãn, từ nguồn Viên Kiều ở bảo Trấn Lao (tức Lao Bảo) chảy về phía Đông, qua phía Bắc tỉnh thành Quảng Trị làm sông Thạch Hãn; đến ngã ba Cổ Thành chia làm hai nhánh.

Một nhánh chảy về Đông Bắc, đến ngã ba Phú Ông thì có sông Ái Tử ở phía Tây chảy vào, qua huyện Đăng Xương (Triệu Phong) đến ngã ba Đại Độ (ngã ba Tướng) có sông Điếu Ngao đến tự Thành Hóa, sông này qua cửa Điếu Giang đến xã Cam Lộ làm sông Cam Lộ, đến xã Điếu Ngao làm sông Điếu Ngao mà chảy vào sông Thạch Hãn, lại qua ngã ba Giáo Liêm mà ra Cửa Việt.

Một nhánh chảy về phía Đông Nam, vào sông Vĩnh Định huyện Phong Điền, có sông Mai Đàn, đến tự phía Tây chảy vào, lại chảy vào phía Nam đến huyện Phong Điền, có sông Ô Lâu đến từ phía Tây chảy vào, vào phá Tam Giang”.

Thạch Hãn là con sông đẹp, nước trong xanh. Có lẽ là do lòng sông có nhiều đá ngầm, cản đi phần lớn lượng phù sa từ thượng nguồn trôi xuống. Cũng vì thế mà phần trung lưu và hạ lưu của lưu vực sông có phần cằn cỗi so với các lưu vực sông khác. Chiều dài con sông là 155km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đoạn gần thị trấn Khe Sanh nổi tiếng.

Lịch sử của Quảng Trị gắn liền với lịch sử của dòng Thạch Hãn. Vùng đất hẹp, ít đồng bằng màu mỡ đã là cái nôi của các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây cũng là nơi sinh ra nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng kiệt xuất.

Ngược dòng Thạch Hãn là Đồn BP cửa uhẩi quốc tế Lao Bảo. Nơi đây có một nhà tù từng giam giữ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bên kia bên giới là các bản làng của dân tộc Lào, nơi diễn ra trận đánh nổi tiếng “Đường 9 Nam Lào”, của các lực lượng cách mạng Việt – Lào, đã thắng trận giòn giã. Chúng tôi hỏi chuyện người dân ở Bản Đông, ở Sê Pôn, tỉnh Xa Vẳn Na Khệt. Họ cho biết, ngày đó dân Lào đã hết sức giữ bí mật cho lực lượng cách mạng, giặc bắt bớ tra khảo cũng không khai, giúp cho việc bảo toàn lực lượng để đánh thắng quân thù. Những địa danh và di tích sân bay Tà Cơn, Khe Sanh vùng đầu nguồn sông Thạch Hãn vẫn còn lưu dấu tích của một trong những trận đánh ác liệt và chiến thắng giòn giã của chiến dịch này.

Du khách nước ngoài thăm Hiển Lâm Các và Cửu Đỉnh trong Đại nội (Huế). Ảnh: Trịnh Sinh

Cửa sông Thạch Hãn đổ ra biển chính là Cửa Việt, cũng là một địa danh nổi tiếng trong cuộc chiến chống Mỹ. Một thời đây là chiến trường khốc liệt giành giật giữa quân Giải phóng và quân ngụy Sài Gòn, nhiều hy sinh xương máu nhưng cuối cùng quân Giải phóng cũng đã giữ vững được vị trí chiến lược này.

Nhưng có lẽ sông Thạch Hãn đã gắn bó với thành cổ Quảng Trị hơn cả trong cuộc chiến chống Mỹ. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1972, con sông này đã giúp cho quân đội ta vượt qua làn bom đạn giặc để tái chiếm thành cổ Quảng Trị. Nhiều chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại khúc sông này. Các trận đánh ở thành cổ Quảng Trị khốc liệt đến nỗi dường như cả một ngôi thành đã không một viên gạch nào còn nguyên.

Sông Thạch Hãn còn nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp với chiến khu Ba Lòng. Lịch sử còn ghi lại, tháng 9 năm 1948, quân dân căn cứ địa Ba Lòng đã chiến đấu dũng cảm bảo vệ nơi đây.

Ngay bên bờ sông Thạch Hãn, ở đoạn thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, cách thành cổ Quảng Trị không xa đã là nơi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chọn làm nơi lập dinh trấn từ khi bước chân vào Thuận Hóa dựng nghiệp, mở mang cõi bờ phương Nam. Lịch sử còn ghi lại cái địa danh ban đầu mà các dòng họ lưu dân theo chúa vào Nam chính là Ái Tử và mảnh đất khai hoang lập ấp ban đầu cũng chính là vùng đồng bằng lưu vực sông Thạch Hãn. Cũng chính là Ái Tử lại một lần nữa vang danh sau này với chiến công đánh sân bay Ái Tử, góp phần giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972.

Thạch Hãn điển hình cho một con sông anh hùng. Như những con người, dòng sông cũng đã góp phần hun đúc nên cái chất anh hùng đó của người dân nước Việt: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông” (thơ Bế Kiến Quốc).

PGS.TSTrịnh Sinh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thach-han-dong-song-anh-hung/