Thách thức bủa vây Thượng đỉnh châu Mỹ 2018

Cuộc chuyển giao quyền lực đột ngột do bê bối chính trị của nước chủ nhà Peru nhiều khả năng sẽ làm xáo trộn bầu không khí đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Mỹ (OAS) lần thứ VIII vào ngày 13/4 tới đây.

Nghịch lý thay, khủng hoảng chính trị do tham nhũng tại Peru xảy ra chỉ vài tuần trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh OAS với chủ đề tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng và củng cố nền dân chủ. Ngày 22/3, cựu Tổng thống Peru Kuczynski bị cáo buộc có dính líu tới hoạt động tham nhũng của tập đoàn xây dựng lớn nhất khu vực Mỹ Latinh Odebrecht. Thậm chí, phe phái của ông này được cho là đã tìm cách mua phiếu từ các nghị sỹ khác để cứu nhà lãnh đạo Peru khỏi nguy cơ bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.

Vụ bê bối tại Peru không chỉ phản ảnh lỗ hổng nghiêm trọng về chính sách quản lý nhà nước của quốc gia này, mà còn đe dọa trực tiếp tới uy tín của một hội nghị tầm cỡ châu lục đã có lịch sử gần 25 năm khi đây là năm Peru đăng cai tổ chức hội nghị. Đến thời điểm hiện tại, ngoài cam kết cương quyết chống tham nhũng của tân Tổng thống Vizcarra, các điều kiện khác cho “cuộc gặp mặt châu Mỹ” thành công dường như đều khuyết vắng.

Tổng thống Peru từ chức sau cáo buộc tham nhũng hôm 21/3. (Nguồn: Getty Images)

Khi vấn đề lòng tin và uy tín của một sự kiện châu lục có thể bị đe dọa, người ta bắt đầu nghĩ tới các phương án đảo chiều tình thế như thay đổi chủ đề hội nghị, ví dụ như: thương mại, dân chủ, bất bình đẳng, đầu tư cơ sở hạ tầng hay vấn nạn buôn lậu ma túy. Một số khác lý luận rằng có thể trì hoãn sự kiện này khi một số quốc gia như Mexico, Brazil, Colombia chuẩn bị bầu cử Tổng thống trong năm nay và châu Mỹ sẽ có nhiều đề tài mới mẻ, hợp lý hơn đề bàn bạc trong hội nghị năm tới hoặc xa hơn nữa.

Tuy nhiên, với một sự kiện tầm cỡ đã được ấn định thời gian và địa điểm tổ chức, nguy cơ trì hoãn dù là viện theo cái cớ nào cũng khó lòng xảy ra. Tham nhũng đang trở thành vấn nạn đối với nhiều quốc gia thuộc châu Mỹ và xu hướng này tiếp tục gia tăng. Bởi vậy, nhiều người đã không còn đặt nặng kì vọng vào một sự kiện mang tính hình thức nhiều hơn nỗ lực giải quyết vấn đề của các bên tham gia.

Kể từ khi được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 1994 bởi Tổng thống Mỹ Bill Cliton, cuộc gặp mặt cấp cao của các nước châu Mỹ bị đánh giá là dài dòng, khoa trương và thiếu chính sách thiết thực. Tuy vậy, diễn đàn duy nhất của các nhà lãnh đạo tại Nam Bán cầu cũng chính là cơ hội gặp gỡ, trao đổi về nhiều vấn đề nóng của châu lục. Hội nghị này từng đạt được dấu ấn quan trọng khi đóng vai trò hòa giải mối quan hệ căng thẳng hàng thập kỷ giữa Mỹ và Cuba, cũng như cải thiện quan hệ Washington và Caracas sau nhiều bất đồng vào năm 2015.

Hôm 9/3, Nhà Trắng đã xác nhận thông tin Tổng thống Donald Trump sẽ tới Peru vào tháng tới để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh OAS. Sự xuất hiện lần đầu tiên của ông Trump sau cựu Tổng thống Obama tại hội nghị này được trông đợi sẽ mang theo luồng tư tưởng chính trị mới, thúc đẩy các cuộc đàm phán đạt được bước tiến tích cực.

Đã ba lần liên tiếp Hội nghị Thượng đỉnh OAS kết thúc mà không thể đưa ra tuyên bố chung. Bởi vậy, còn quá sớm để lạc quan vào kết quả cuối cùng tại cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo châu Mỹ lần thứ VIII này. Nhưng ít nhất, bê bối của nước chủ nhà sẽ trở thành bài học cho các nước rút kinh nghiệm khi thảo luận về chủ đề chính tại hội nghị.

Lạc Phương

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/thach-thuc-bua-vay-thuong-dinh-chau-my-2018-68601.html