Thách thức chuyển đổi số: 'Doanh nghiệp ai cũng xây dựng dữ liệu nhưng không chia sẻ với nhau'

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chỉ ra rằng, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay trong quá trình chuyển đổi số là các doanh nghiệp ai cũng xây dựng dữ liệu nhưng không chia sẻ dữ liệu với nhau.

Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin Việt Nam 2019: Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường

Tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin Việt Nam 2019: Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường diễn ra vào ngày 8/8, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, dịch vụ, các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan đã có buổi trao đổi về chuyển đổi số.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng của loài người, đây là lần đầu tiên con người bước vào thế giới ảo, sẽ xuất hiện kinh tế số và cuộc sống số bên cạnh cuộc sống thực. Chính lúc này, công nghệ mới phát huy hết sức mạnh của nó.

Đồng quan điểm, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho rằng, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, cứ 10 doanh nghiệp thì đến 9 doanh nghiệp đang làm chuyển đổi số và 3 doanh nghiệp đánh giá hiệu quả.

"Nói cách khác, chuyển đổi số hay là chết. Chính trong lúc bắt đầu lại là cơ hội cho những dân tộc có ý chí muốn vươn lên và nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của mình", ông Bình nhấn mạnh.

Đã nói đến chuyển đổi số, không thể không nói đến các nền tảng và các ứng dụng về trí tuệ nhân tạo để xử lý tất cả thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân và tối ưu hóa công việc. Chuyển đổi số đến cùng là phải có tự động hóa để nâng cao năng suất lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh công nghệ chuyển đổi số còn cần người đứng đầu nhận thức được vấn đề và có quyết tâm cao thực hiện. Ngoài ra, chính vai trò của những cá nhân, người lao động cũng có vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa để phát huy hết tiềm lực về con người trong mỗi tổ chức số.

Chủ tịch VINASA lấy ví dụ, vai trò của giám đốc công nghệ thông tin trong quá khứ là người đảm bảo sự vận hành của máy móc nhưng trong tương lai đây phải là người tạo được giá trị gia tăng cho doanh nghiệp từ những dữ liệu, nền tảng công nghệ.

Ai cũng xây dựng dữ liệu nhưng không chia sẻ dữ liệu với nhau

Phân tích về một trong những nguyên nhân khiến quá trình chuyển đổi số diễn ra chậm chạp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chỉ ra rằng, trong vòng 20 năm qua, doanh nghiệp của chúng ta vẫn chưa bắt kịp những việc lưu trữ dữ liệu để chuyển đổi số.

Các nước xung quanh Việt Nam đang đi rất nhanh vào quá trình chuyển đổi số, Việt Nam là nước đi sau và còn nghèo phải tận dụng sức mạnh của các cá thể, phải làm sao để các doanh nghiệp hợp lực, hợp tác lại với nhau để cùng xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số.

Theo Thứ trưởng Duy, thách thức lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp ai cũng xây dựng dữ liệu nhưng không chia sẻ dữ liệu với nhau… "Một vài doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ cùng làm dữ liệu về nói tiếng Việt nhưng không chia sẻ với nhau thì sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí", ông Duy dẫn chứng.

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, chỉ riêng việc người dân phải kê khai thông tin nhiều lần cũng là một điểm bất cập. Phó Thủ tướng Đam dẫn chứng, khi người dân đã cung cấp thông tin với Tập đoàn điện lực (EVN) thì lần sau khi làm các dịch vụ tương tự đừng bắt họ cung cấp lại nữa nếu không có gì thay đổi.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn toàn bộ người dân Việt Nam đều có smartphone, đi đâu chỉ cần mang theo smartphone, thanh toán không dùng tiền mặt,... để tham gia thực chất vào quá trình chuyển đổi số.

"Công nghệ, CMCN 4.0 hay gì cũng cần thể chế"

Bên cạnh những thách thức về việc xây dựng dữ liệu, các doanh nghiệp cũng chỉ ra các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, công nghệ,...

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, chuyển đổi số quan trọng nhất là số hóa, chuyển đổi dữ liệu, lưu trữ số,...tuy nhiên, điều này cũng nảy sinh ra nhiều thách thức, nhất là về an ninh mạng.

"Chúng ta đang chuyển dần sang ảo, mà trên đó thì không có các cơ quan công quyền để bảo vệ mình. Vì vậy, chúng ta phải phát hiện các hành động tấn công và đưa ra các hệ thống phòng thủ", ông Thắng nhấn mạnh.

Còn theo ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, công nghệ mới, cách mạng công nghiệp 4.0 hay gì cũng cần có thể chế. "Chúng ta phát triển công nghệ nhanh nhưng vẫn chậm hơn nhiều “hàng xóm”", ông Thành nói.

Lý giải về nhận định này, ông Thành cho biết, việc thiết lập hệ thống wifi trên máy bay đã được nhiều quốc gia triển khai từ lâu nhưng đến nay hệ thống wifi của Vietnam Airlines mới được Bộ Công an và Bộ TT&TT cấp phép và cũng chỉ sử dụng được trên 4 tàu bay.

Trao đổi với các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ, viễn thông hàng đầu, ông Thành nói: "Mình cùng nhau xây dựng sản phẩm và mang bán ra thế giới chứ không chỉ mua công nghệ và mang về Việt Nam".

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/thach-thuc-chuyen-doi-so-doanh-nghiep-ai-cung-xay-dung-du-lieu-nhung-khong-chia-se-voi-nhau-3516459.html