Thách thức còn ở phía trước

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2017, cả nước có hơn 1,6 triệu hộ nghèo, tương ứng với 6,7% số hộ toàn quốc. Ước tính, đến cuối năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với năm 2017, trong đó, tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XII đề ra. Tuy nhiên, xét về 'chất', kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, với nhiều thách thức đang đặt ra ở phía trước.

Nhờ được hỗ trợ vốn mua con giống từ Dự án giảm nghèo Tây Nguyên, ông Trần Văn Thanh, ở xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, Đắk Lắk đã thoát nghèo. Ảnh: Bích Nguyên

Ngày 2-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của chương trình là đến cuối năm 2020, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK), hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) tăng gấp 2 lần). Phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng ĐBKK; 20-30% số xã, thôn, bản ĐBKK vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng ĐBKK.

Thoát nghèo nhờ ngân sách nhà nước

Sau khi phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định và 1 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định để thực hiện. Ở cấp địa phương, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhiều tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ các xã nghèo, hộ nghèo, hộ DTTS ít người, hộ cận nghèo... thoát nghèo.

Cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ, đầy đủ, Chính phủ đã dành nguồn lực khá lớn để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chỉ riêng trong năm 2018, ngân sách Trung ương bố trí cho chương trình là hơn 7.300 tỉ đồng. Ngoài ra, ngân sách Trung ương bố trí tăng thêm khoảng 15.897 tỉ đồng để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo. Bên cạnh đó, Chính phủ Ai-len đã hỗ trợ cho các xã ĐBKK thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 trong năm 2018 là 3 triệu ơ-rô, tương đương 79,5 tỉ đồng.

Với sự đầu tư của Nhà nước, sự chung tay góp sức của cộng đồng và ý thức tự vươn lên thoát nghèo của các địa phương, đến nay đã có 8 huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo, 38 xã thoát khỏi tình trạng ĐBKK, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới (trong đó: 17 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; 21 xã 135). Tỉ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 8,23% năm 2016 và còn 6,7% năm 2017. Dự kiến đến cuối năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 5,2-5,7%. Tính bình quân, tỉ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1,5%/năm, vượt so với mục tiêu đề ra và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tỉ lệ hộ nghèo ở các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã ĐBKK ở khu vực biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm bình quân hơn 3%/năm. Tỉ lệ hộ nghèo DTTS cũng giảm từ 39,61% cuối năm 2016 xuống còn 35,28% vào cuối năm 2017.

Ở các huyện, xã thoát nghèo hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như đường giao thông đến trung tâm xã, thôn bản, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt; hệ thống thủy lợi, chợ nông thôn đã được tăng cường đầu tư, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Kết quả chưa thực sự vững chắc

Những kết quả kể trên là rất đáng khích lệ, đã đạt mục tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, tỉ lệ tái nghèo bình quân 5,1%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo dù thấp hơn giai đoạn trước (12%) nhưng tỉ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo. Nguyên nhân là do tách hộ, do hậu quả của thiên tai, lũ lụt, nhất là ở vùng đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, sự chênh lệch giàu-nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư của cả nước tăng từ 9,7 lần năm 2014 lên 9,8 lần năm 2016. Đây là những thách thức đang đặt ra trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Hơn nữa, dù tỉ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, nhưng nhiều nơi tỉ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%. Tỉ lệ hộ nghèo DTTS chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2017), thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Đầu tư cho giáo dục là một trong những nội dung quan trọng để đảm bảo chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều. Ảnh: Bích Nguyên

Một số chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng DTTS nên hiệu quả tác động chưa cao như chính sách hỗ trợ nhà ở, mức hỗ trợ còn bình quân và thấp; chính sách đầu tư nguồn nhân lực cho người DTTS; chính sách cử tuyển chưa gắn với sử dụng sau đào tạo... Nguồn lực thực hiện chính sách vẫn còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ đủ để tác động làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo DTTS.

Một trong những hạn chế của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được các chuyên gia chỉ ra là thiếu sự gắn kết giữa hỗ trợ đời sống, phát triển sản xuất với chuyển giao khoa học, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư. Tại nhiều nơi, việc thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn theo cách cấp giống, vật tư dàn trải, chưa làm theo cách hỗ trợ tập trung theo dự án, mô hình đồng bộ, chưa gắn với xây dựng các mô hình hợp tác liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ, nhóm nông dân. Tỉ lệ bố trí vốn hằng năm chủ yếu là đầu tư hạ tầng. Vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập cho người nghèo còn chiếm tỉ lệ thấp trong tổng số vốn được bố trí. Mặt khác, chúng ta chưa quy định tỉ lệ vốn đầu tư dành cho cộng đồng dân cư tự tổ chức thực hiện, góp phần tạo thu nhập trực tiếp cho người dân, trong đó có người nghèo DTTS.

Thực tế trên đòi hỏi cần tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách, trong đó, tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch; phát triển hạ tầng các vùng ĐBKK. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp cho cấp xã và trao quyền cho cộng đồng, người dân.

Bích Nguyên - Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thach-thuc-con-o-phia-truoc/