Thách thức của tỷ giá

Tín dụng ngoại tệ tăng cao, tỷ giá có xu hướng tăng trong tháng 8 cùng với nhập siêu ở con số 2,13 tỷ USD là những thách thức đối với thị trường ngoại hối và chính sách tỷ giá trong những tháng cuối năm.

Tín dụng ngoại tệ tăng cao

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tỷ giá USD/VND đã được kiểm soát khá tốt kể từ đầu năm đến nay, dù chịu nhiều áp lực từ các điều kiện nội tại. Tuy nhiên, những áp lực lên thị trường ngoại hối có thể tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm nay.

Trước hết, phải kể đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của tín dụng ngoại tệ. Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chỉ ra rằng, 8 tháng đầu năm, tín dụng ngoại tệ chiếm 8,5% tổng tín dụng. Đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ, ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016, cao hơn đáng kể so với mức tăng 1,7% của cùng kỳ năm trước, và tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Sự tăng trưởng của tín dụng ngoại tệ được lý giải là do các doanh nghiệp đẩy mạnh vay ngoại tệ bởi nếu so sánh với lãi suất VND thì lãi suất ngoại tệ “dễ thở” hơn đối với doanh nghiệp. Dự báo trong những tháng cuối năm, nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh bởi đây là thời điểm tất toán các khoản vay đối với ngân hàng.

Lo ngại những biến động trên thị trường ngoại hối còn phải kể đến nhập siêu gia tăng. Bên cạnh đó, do diễn biến USD trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh trong những tháng qua nên dự báo thời gian tới sẽ có đợt phục hồi trở lại. Việc các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB) thắt chặt các khoản tài trợ ngoại tệ từ nguồn ODA (từ tháng 7/2017), trong khi nguồn kiều hối về Việt Nam được cho là có mức sụt giảm trong hai năm gần đây cũng là yếu tố tác động tới nguồn cung ngoại hối dịp cuối năm.

Nhiều yếu tố hỗ trợ ổn định tỷ giá

Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, có thể nhận thấy sức ép đối với thị trường ngoại hối cuối năm là có nhưng sẽ không quá lớn. Bởi từ đầu năm đến nay, những diễn biến giảm giá của USD trên thị trường thế giới đã khiến tỷ giá VND/USD giảm đi rất nhiều áp lực. Vài tháng gần đây, tỷ giá VND/USD ở các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do khá ổn định và tiếp tục xu hướng giảm so với đầu năm trong khi tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng. Tính đến cuối tháng 8, tỷ giá trung tâm ở mức 22.448 đồng/USD, tăng 1,3% so với đầu năm. Trong khi đó tỷ giá ở các ngân hàng thương mại giảm 0,18%, trên thị trường tự do tỷ giá giảm 1,56% so với đầu năm.

Nhận định rằng, USD có thể sẽ tăng giá trong các tháng cuối năm 2017, nhưng TS. Cấn Văn Lực lại cho rằng, chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua vẫn đang đi đúng hướng trong việc dẫn dắt và giữ ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao giá trị tiền đồng. Theo TS. Cấn Văn Lực, tỷ giá năm 2017 có thể tăng ở mức 1-2% và đây là ngưỡng có thể chấp nhận được.

Việc NHNN liên tục mua ròng ngoại tệ và nâng cao mức dự trữ ngoại tệ trong thời gian qua, đến hết tháng 6/2017, dự trữ ngoại hối đã đạt con số 42 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, là một trong những điều kiện để giữ ổn định thị trường ngoại tệ nếu có biến động.

Về định hướng điều hành thị trường ngoại hối những tháng cuối năm, trước những kịch bản có thể diễn ra đối với đồng USD trên thị trường thế giới, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, có thể sẽ phải cần thêm lộ trình để điều chỉnh tỷ giá trung tâm nhằm hỗ trợ xuất khẩu và tránh các cú sốc trong tương lai khi USD tăng giá trở lại.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giáổn định, linh hoạt, không để tỷ giá biến động lớn gây tâm lý bất ổn trên thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà xuất khẩu, nhập khẩu, quan hệ vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, Chính phủ; đồng thời tiếp tục xem xét, xử lý các nhu cầu vay vốn ngoại tệ ngắn hạn một cách hợp lý để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo báo Công thương

Nguồn ANTT: http://antt.vn/thach-thuc-cua-ty-gia-208508.htm