Thách thức để triển khai Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia trong cuộc sống

Tính sẵn có, dễ tiếp cận của các sản phẩm rượu bia, thói quen tiêu dùng, tỷ lệ người dùng rượu bia vẫn rất cao, nguồn lực cho công tác thanh, kiểm tra còn thiếu... là những thách thức để Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống nhằm kiểm soát tình trạng lạm dụng rượu, bia hiện nay.

Khó loại bỏ thói quen tiêu dùng

So với thế giới, Việt Nam đi sau nhiều năm việc kiểm soát tình trạng rượu, bia. Tới đây, khi Luật phòng chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống, sẽ là một bước ngoặt rất lớn đối với thói quen tiêu dùng của người Việt Nam.

Xác định để Luật đạt được hiệu quả trong cuộc sống là rất khó, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, một trong những điểm thách thức lớn nhất chính là hành vi sử dụng rượu bia của người dân với tỷ lệ còn rất cao, khoảng 80% người sử dụng rượu bia trong 30 ngày qua.

“Khi đã thành thói quen lâu đời, muốn thay đổi hành vi sử dụng rượu, bia rất khó. Vì thế, những biện pháp để có thể triển khai luật hiệu quả là chúng ta phải truyền thông mạnh mẽ để người dân hiểu được, thay đổi hành vi. Đặc biệt khó ở chỗ, hiện nay, người dân hầu hết nhận thức được tác hại của sử dụng rượu bia, quy định của pháp luật được sử dụng rượu bia ở đâu, quy định không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông… nhưng để chuyển sang thay đổi hành vi rất khó”, bà Trang chia sẻ.

Theo Bộ Y tế, vấn đề được ưu tiên để giảm tác hại của rượu bia là giáo dục và truyền thông nhằm giảm tính sẵn có của rượu bia, phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai tiếp cận với rượu bia. Vì thế, để thay đổi thói quen hàng trăm năm nay của người dân, hướng tốt nhất trong tiếp cận là tác động vào thế hệ trẻ, giảm tuổi bắt đầu sử dụng rượu bia, giảm tiếp cận của giới trẻ với sản phẩm.

Tính sẵn có của các sản phẩm rượu bia

Theo nghiên cứu mới nhất được Tạp chí y khoa Lancet (Anh) công bố về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 – 2017, cho thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010, gấp khoảng 2,5 lần tốc độ tiêu thụ của Ấn Độ (37,2%).

Năm 2018, người Việt tiêu thụ 4,2 tỷ lít bia, mức tiêu thụ này đã tăng 5% so với sản lượng thực tế 4 tỷ lít năm 2017. Việt Nam là nước tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á và xếp vào hàng đầu thế giới.

Tính sẵn có của rượu bia là một thách thức vô cùng khó khăn với các nhà triển khai luật trong cuộc sống. Theo bà Trang, hiện nay, Việt Nam chưa có hạn chế điểm bán để hạn chế tính sẵn có của rượu bia. Theo Luật, các quy định về quảng cáo mới điều chỉnh ở mức độ nhất định nên việc tiếp cận rượu bia còn quá dễ dàng.

Bà Trang cũng cho hay, việc Luật bỏ ngỏ quy định quảng cáo trên không gian mạng làm cho Luật phần nào mất đi tính nghiêm minh của nó. Bởi vì hiện nay, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mạng Internet để mua bán rất lớn, trong khi đó, các quảng cáo rượu bia hiện nay được các nơi bán quảng cáo với nhiều hình thức mới, rượu bia được bán online xuyên biên giới, xuyên thời gian…

Hiện trên thế giới đã có 89 quốc gia có quy định kiểm soát, trong đó 28 quốc gia cấm toàn bộ quảng cáo trên internet và mạng xã hội áp dụng với cả bia, rượu vang và rượu mạnh, điển hình như Na Uy, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Lào… để giảm tiếp cận của giới trẻ...

“Mặc dù chúng ta có những biện pháp kiểm soát trẻ em, nhưng không hiệu quả. Nếu chúng ta có hình thức quy định chặt chẽ hơn như phải khai số chứng minh thư nhân dân, địa chỉ rõ ràng, không được giao trực tiếp đến nhà mà đến cơ sở kinh doanh mua thì quy định mới chặt chẽ và mạnh. Nhưng hiện nay, Luật mới chỉ quy định giải pháp người mua chỉ cần khai báo tuổi, gây khó khăn cho quản lý. Thêm nữa, Luật yêu cầu sử dụng công cụ thanh toán trực tuyến bằng thẻ, trẻ em sẽ không có thẻ ngân hàng nhưng hiện nay có một loạt hình thức thanh toán online mới như ví momo, thẻ chơi game có thể tích điểm thanh toán được… rất khó kiểm soát”, bà Trang cho hay.

Khó khăn trong nguồn lực quản lý

Khác so với Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia không có quỹ để hoạt động. Đây là một trong những khó khăn để luật đi vào cuộc sống, khi thiếu đi tài chính hỗ trợ cho nguồn lực về nhân lực và các điều kiện khác.

Để thay đổi thói quen, biến nhận thức thành hành vi cụ thể, ngoài tuyên truyền, việc thanh tra, kiểm tra quy định Luật rất quan trọng, đòi hỏi có nguồn lực. Nhưng theo bà Trang phân tích, trong bối cảnh cơ quan nhà nước đang tinh giản biên chế, các lực lượng thanh tra, quản lý thị trường, UBND các cấp còn khó khăn nhất định trong bố trí nguồn lực trong lĩnh vực mới. Công tác thanh, kiểm tra Luật sẽ sử dụng tài chính chi thường xuyên của nguồn ngân sách mà không có nguồn lực nào khác.

Về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm rượu bia, ThS Trần Thị Trang cho hay, một điểm đáng tiếc trong Luật khi trình Quốc hội thông qua đã bỏ qua điều khoản liên quan chính sách của Nhà nước là đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình phù hợp, giảm tiêu thụ rượu bia. “Lộ trình tăng thuế rượu bia sẽ nằm trong Luật tiêu thụ đặc biệt. Nhưng chúng tôi rất tiếc vì đã bỏ đi quy định này trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia vì đó là cơ sở thực hiện cam kết của Quốc hội để có thể sau này sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng thuế đối với rượu, bia”, bà Trang nói.

Tuy nhiên, hiện nay, giá và thuế rượu bia của Việt Nam đang rẻ so với mặt bằng thế giới, bằng 60% so với thế giới nên Bộ Y tế đánh giá, việc tăng thuế sẽ sớm được điều chỉnh trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, để hạn chế tính sẵn có của rượu bia.

TRẦN NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tieu-diem/item/42610402-thach-thuc-de-trien-khai-luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-trong-cuoc-song.html