Thách thức đối với kế hoạch cải tổ hệ thống hưu trí tại Pháp

Chính quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang cố gắng 'hồi sinh' kế hoạch 'đại tu' hệ thống hưu trí - trọng tâm của chương trình cải cách kinh tế - bất chấp sự phản đối mạnh mẽ ở trong nước.

Người dân mua hàng trong siêu thị tại Bordeaux, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

* Quốc hội chia rẽ

Cải cách hệ thống hưu trí phức tạp và tốn kém của Pháp là trọng tâm trong chương trình tranh cử của Tổng thống Macron khi ông lên nắm quyền vào năm 2017. Tuy nhiên, những đề xuất ban đầu của ông đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình và đình công trong ngành giao thông ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tổng thống Macron đã tạm dừng triển khai chiến dịch này khi nước Pháp buộc phải phong tỏa toàn quốc để chống dịch vào đầu năm 2020.

Ngày 10/11 tới, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne sẽ công bố chi tiết kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí, bao gồm đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 hiện nay lên 64 hoặc 65 tuổi. Trước đó, trong phát biểu trên truyền hình đầu năm mới, Tổng thống Macron nhấn mạnh kế hoạch cải cách hưu trí sẽ được triển khai vào cuối mùa Hè.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Pháp là một trong những quốc gia có độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất trong các nước công nghiệp phát triển, và nước này chi tới 14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho lương hưu.

Theo hãng tin Reuters, kế hoạch này sẽ không dễ dàng được Quốc hội thông qua. Quốc hội mới ở Pháp hiện chia thành 4 nhóm chính gồm liên minh "Cùng nhau" ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron, liên minh cánh tả mang tên Nhân dân, Sinh thái và Xã hội mới (NUPES), đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN) và đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR). Ông Emmanuel Macron là tổng thống đầu tiên tái đắc cử mà không có đa số tại Quốc hội và sự chia cắt khiến việc điều hành và triển khai các quyết sách của chính phủ gặp nhiều khó khăn.

Ở Pháp người lao động được quyền hưởng đầy đủ lương hưu khi nghỉ hưu ở tuổi 62. Tăng tuổi nghỉ hưu luôn là một vấn đề rất nhạy cảm, nhất là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt bị đội lên càng làm tăng sự bất mãn của người dân.

Lãnh đạo đảng LR, ông Eric Ciotti "để ngỏ" khả năng kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của chính quyền Tổng thống có thể nhận được sự ủng hộ của đảng này. Trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Le Journal du Dimanche ngày 8/1, ông Eric Ciotti cho biết kế hoạch nâng dần tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 vào năm 2032 có thể được chấp nhận, và tăng mức lương hưu tối thiểu ở mức thấp nhất sẽ là "chìa khóa" để kế hoạch trên được thông qua. Mặc dù chính quyền của ông Macron thúc đẩy kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu lên 65, nhưng chính phủ đã báo hiệu sẵn sàng thỏa hiệp.

Chính phủ Pháp đã nhấn mạnh rằng việc cải tổ là cần thiết để giữ nguồn tài chính của hệ thống lương hưu không bị thâm hụt trong những năm tới. Ngày 8/1, Bộ trưởng Ngân sách Pháp Gabriel Attal phát biểu trên đài truyền hình France 3 nhấn mạnh rằng, nếu không có bất kỳ cải cách nào, quỹ lương hưu sẽ gánh khoản nợ 500 tỷ euro (532 tỷ USD) trong 25 năm tới khi dân số già đi. Người phát ngôn của chính phủ Olivier Veran cho biết, mục đích (của kế hoạch) là để cân bằng nguồn tài chính mà không phải tăng thuế hoặc cắt giảm lương hưu, có nhiều lựa chọn được đưa ra nhưng tất cả đều bao gồm việc tăng tuổi nghỉ hưu.

* Nguy cơ đình công

Tổng thống Macron đã phải tạm dừng kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 lây lan ở nước này. Giờ đây, chính quyền của ông Macron dự kiến sẽ đối mặt với thách thức lớn hơn. Liên đoàn Lao động Dân chủ Pháp (CFDT) - công đoàn lớn nhất nước này - đe dọa sẽ tổ chức biểu tình nếu kế hoạch cải cách được triển khai. 3 năm trước khi chính phủ lần đầu đưa ra đề xuất cải cách, CFDT đã bỏ phiếu trắng. Người đứng đầu CFDT, ông Laurent Berger, cho biết vào tuần trước rằng, nếu tuổi nghỉ hưu tăng lên 64 hoặc 65, liên đoàn sẽ kêu gọi tất cả người lao động tham gia đình công.

Các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người dân không ủng hộ cải cách hệ thống hưu trí. Lời kêu gọi đình công có thể được nhiều người lao động hưởng ứng trong bối cảnh tâm lý bất mãn đang dâng cao do sức mua trên thị trường tiêu dùng giảm mạnh giữa cơn bão lạm phát. Để xoa dịu căng thẳng xã hội, Chính phủ Pháp đã chi hàng chục tỷ euro để giảm tác động của giá điện và khí đốt cao kỷ lục đối với người dân. Lạm phát ở Pháp vì thế cũng đã thấp hơn rất nhiều nước khác ở châu Âu.

Mặc dù những cuộc đình công gần đây chỉ nhằm vào một số ngành cụ thể như tại các nhà máy lọc dầu và các hãng hàng không, sự phản đối kế hoạch cải cách hưu trí có thể dễ dàng châm ngòi cho các cuộc biểu tình lan rộng hơn. Phong trào biểu tình "Áo vàng" đã tạm thời lắng xuống sau khi xảy ra những cuộc biểu tình bạo lực chống chính phủ vào năm 2018 và 2019. Ngày 7/1 vừa qua, lãnh đạo của phong trào này đã tổ chức một cuộc tuần hành tại trung tâm thủ đô Paris mặc dù không có đông người tham gia./.

Mai Ly/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thach-thuc-doi-voi-ke-hoach-cai-to-he-thong-huu-tri-tai-phap/276837.html