Thách thức đối với tham vọng carbon trung tính của Nhật

Hôm 31-3, hội đồng chuyên trách kế hoạch giúp Nhật Bản đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 lần đầu nhóm họp, luận bàn mục tiêu sửa đổi cho năm 2030 cũng như cách cấu trúc thuế carbon.

Một nhà máy điện mặt trời ở thành phố Okinawa. Ảnh: Flickr

Quá nhiều trở ngại

Nhật Bản đang phải đối mặt với những trở ngại lớn trong việc đạt được mục tiêu carbon trung tính đầy tham vọng. Giới phân tích cho rằng nếu Nhật Bản trở thành quốc gia phát thải ròng vào năm 2050, thì Tokyo buộc phải cắt giảm hơn 40% lượng khí thải vào năm 2030. Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Nhật Bản cam kết cắt giảm 26% lượng khí thải carbon so với mức hồi năm 2013. Song, vì là nhà phát thải khí nhà kính lớn thứ 5 thế giới nên Nhật Bản đang chịu áp lực phải đặt ra mục tiêu táo bạo hơn mục tiêu hiện tại theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Climate Action Tracker, tổ chức nghiên cứu độc lập giám sát cam kết và hành động của các nước về cắt giảm khí thải, cho biết Tokyo phải tìm cách giảm hơn 60% lượng khí thải vào năm 2030. Ðể đạt được mục tiêu này, Nhật Bản đang tìm cách để năng lượng tái tạo đóng góp vào khoảng 20% sản lượng điện quốc gia vào năm 2030. Hiện Hiệp hội các nhà điều hành doanh nghiệp Nhật Bản đang kêu gọi tăng mục tiêu năng lượng tái tạo cho năm 2030 lên mức 40%, trong khi giới lãnh đạo doanh nghiệp năng lượng tái tạo cho rằng mục tiêu này cần được nâng lên mức 50%.

Giới chuyên gia cho rằng để đạt được mục tiêu trên cũng như giảm bớt gánh nặng cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác, chính phủ phải sửa đổi các quy định và quy tắc để khuyến khích đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái tạo hàng loạt. Theo đó, chính phủ có thể hỗ trợ cho việc thương mại hóa nhanh chóng các loại pin mặt trời, từ đó nó có thể được lắp đặt trên các tòa nhà hay nóc xe ô tô.

Bên cạnh đó, chính phủ cần thúc đẩy nghiên cứu, phát triển nhiên liệu hydro cũng như cách thu giữ carbon, bởi sự kết hợp giữa sản xuất năng lượng tái tạo, lưu trữ điện năng và xây dựng lưới điện hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mức cắt giảm đáng kể lượng khí thải. Mặt khác, việc đầu tư vào quá trình khử carbon giữ vai trò không nhỏ để Nhật Bản sớm đạt được mục tiêu đặt ra. Theo tờ Nikkei Asia, Nhật Bản đang thành lập quỹ khử carbon trị giá 2.000 tỉ yen (18 tỉ USD). Tổng cộng, Nhật Bản sẽ cần đầu tư 165.000 tỉ yen (khoảng 1.485 tỉ USD) mới đạt được mục tiêu carbon trung tính vào năm 2050 theo như nghiên cứu của Hiroshi Amano, giáo sư từng đoạt giải Nobel tại Ðại học Nagoya. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có kế hoạch chi 2.000 tỉ USD trong 4 năm để khử carbon, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách huy động 1.170 tỉ USD từ quỹ công lẫn tư nhân cho mục tiêu này trong vòng 10 năm.

Nhiều giải pháp

Kể từ khi Nhật Bản cam kết đạt mục tiêu carbon trung tính vào năm 2050, nhiều chuyên gia trong nhóm cố vấn đã đưa ra một kết luận chung. Theo đó, để đáp ứng các cam kết về khí hậu toàn cầu, Nhật Bản sẽ cần phải tái khởi động hầu hết mọi lò phản ứng hạt nhân bị đóng cửa hồi năm 2011, sau đó xây dựng thêm. Ðó là một thách thức về mặt kỹ thuật, đòi hỏi Tokyo phải đẩy nhanh việc nối lại các hoạt động đã “ngủ đông” và tìm ra giải pháp lâu dài đối với vấn đề lưu trữ chất thải phóng xạ đầy nan giải. Hạt nhân hiện chiếm khoảng 6% tổng nguồn năng lượng của Nhật Bản, giảm mạnh so với mức 30% trước khi xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia đưa ra ý tưởng đầy hứa hẹn là định giá khí thải carbon vốn được EU áp dụng hiệu quả trong việc cắt giảm khí nhà kính. Theo Ủy ban châu Âu, biện pháp này đã giúp lục địa già giảm 8,7% lượng khí nhà kính trong năm 2019. Ðến nay, đã có khoảng 40 nước áp dụng cơ chế định giá carbon. “Ðịnh giá carbon phải được triển khai ngay lập tức. Nó sẽ là động lực thúc đẩy xã hội hướng tới quá trình khử carbon” - Tadashi Otsuka, giáo sư tại Ðại học Waseda, cho biết.

Tuy nhiên, ý tưởng này làm dấy lên cuộc tranh luận giữa 2 nhóm chuyên gia đảm trách tham vấn cho Bộ Môi trường Nhật Bản (MOE) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI). Trong khi METI tỏ ra thận trọng đối với việc định giá carbon, MOE kiên quyết ủng hộ và coi cơ chế định giá carbon là cách để thúc đẩy các sáng kiến cắt giảm phát thải khí nhà kính hiện tại và cải thiện các công nghệ đổi mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, một hội đồng chuyên gia đã thúc giục METI và MOE đạt được thỏa thuận về định giá carbon càng sớm càng tốt, bởi EU đang có kế hoạch đưa ra Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) vào năm 2023, theo đó sẽ đánh thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không có cơ chế định giá carbon. Giới phân tích cho rằng hành động trì hoãn về định giá carbon sẽ cản trở những nỗ lực hiện tại của Nhật Bản trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Cũng trong nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon, trong bài phát biểu chính sách đầu tiên hồi tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã kêu gọi đưa ra “cách tiếp cận tích cực đối với sự nóng lên toàn cầu”. Kể từ đó, khoảng 346 chính quyền địa phương, gồm Tokyo, Kyoto và Yokohama cam kết đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 và theo đuổi mô hình “thành phố không carbon”.

TRÍ VĂN(Theo Nikkei Asia,Tokyo Review)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/thach-thuc-doi-voi-tham-vong-carbon-trung-tinh-cua-nhat-a131891.html