Thách thức giãn vòng quay áp lực nội đô

Thủ đô Hà Nội đang được xây dựng, phát triển thêm hiện đại, bề thế, văn minh, tiện nghi, nâng cao điều kiện sống, mức sống… Nhưng cũng dễ nhận ra nhiều áp lực lớn về con người, phương tiện, vật chất, môi trường… vào khu vực nội thành, trung tâm thành phố. Áp lực này vừa chậm được giải tỏa, vừa có nguy cơ gia tăng, tái diễn.

Khu vực trung tâm nội thành (phố Mã Mây) đứng trước nhiều áp lực về xây dựng.

Sức nặng liên tiếp

Đang tồn tại một xu hướng rất đáng để băn khoăn cho Hà Nội. Đó là ngày thêm nhiều áp lực gia tăng lên khu vực nội đô. Thực trạng này, ngoài sự phát triển dân số tại chỗ, còn đặc biệt đến từ việc mọc lên dày đặc hơn các khu đô thị mới, chen chúc chung cư, nhà cao tầng. Hàng loạt các công trình bề thế này, dường như “nhất thiết” chọn trung tâm làm nơi tọa lạc? Từ đó dẫn đến hệ quả tất yếu là sự tăng lên và tập trung lượng dân cư đông đảo, cùng hàng loạt hoạt động sinh hoạt đời sống, tham gia giao thông, lao động sản xuất, học tập, khám chữa bệnh, tiêu dùng, giải trí… Và đương nhiên, không chỉ có con người, kéo theo đó phải là sự phát triển với quy mô khổng lồ của hệ thống các phương tiện, vật chất, các loại hình dịch vụ, cùng với hoạt động duy trì, vận hành các hệ thống đó.

Hàng loạt chung cư lớn vươn cao trên nhiều con phố, ngay cả những con đường nhỏ vốn đã thường xuyên chịu cảnh ùn tắc, là minh chứng cho thực trạng này. Đó là các phố: Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Tây Hồ), Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân), Chu Văn An (quận Hà Đông), Lê Văn Lương (đi qua các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông), Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng)…

Bên cạnh đó, trong một tương lai không xa, khi nhiều nhà máy, xí nghiệp nằm trong nội thành thực hiện việc di chuyển dần ra vùng ven hoặc ngoại thành theo chủ trương giảm ô nhiễm, tiếng ồn ảnh hưởng đến các khu dân cư, thì nguy cơ áp lực gia tăng lại tiếp tục đặt ra. Đó là khả năng thay vào những nhà máy, xí nghiệp đó, hoặc sẽ rất ít, hoặc không phải là các trường học mới, công viên, hồ nước, trung tâm văn hóa - thể thao, hay quảng trường mới, mà sẽ là việc đô thị hóa, chung cư hóa các khu “đất vàng”. Lại có thể tiếp tục hoạt động xây dựng nhà cao, tiếp tục dồn về lượng lớn dân cư, tiếp tục những vòng quay áp lực mới.

Còn phải kể đến nhiều khu căn hộ cũ ở khu vực: Giảng Võ, Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Thuốc lá Thăng Long, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, vốn được xây dựng và sử dụng nhiều năm qua, hiện đang xuống cấp, gây ảnh hưởng đến đời sống các hộ dân chung quanh. Thực tế đặt ra nhu cầu xây mới nhằm bảo đảm độ an toàn, ổn định đời sống cho người dân. Cũng chính ở những khu dân cư này, lại đặt ra bài toán hóc búa khi có thể sẽ mọc lên từ đây những tòa chung cư lớn, có thể giải quyết được việc ở cho cư dân cũ, đồng thời được thương mại hóa, tiếp nhận lượng dân cư đông hơn, gây thêm áp lực lên địa bàn.

Hơn nữa, là dự định xây dựng bến xe khách Yên Sở (trên địa bàn quận Hoàng Mai), ngay sát đường vành đai 3, khu vực không mấy thuận lợi do đông dân cư, lượng phương tiện giao thông đông đúc, dễ có khả năng gây thêm ùn tắc.

Yêu cầu tạo cân bằng

Tình trạng dồn tụ về trung tâm, tập trung vào khu vực nội thành như lượng người, phương tiện, dịch vụ và các hoạt động, một mặt, chính là xu hướng có chiều ngược lại sự phát triển lan tỏa, mở rộng, với mục tiêu tạo sự hài hòa, đồng đều, cân bằng giữa các khu vực của thành phố Hà Nội. Mà đây chính là định hướng lớn cho sự phát triển theo quy hoạch của thành phố Thủ đô với tầm nhìn trong tương lai. Điều này, có khả năng gây bất lợi cho khu vực “vùng đệm”, ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, là những địa bàn cần được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, trong đó có đô thị vệ tinh, các vùng nông thôn nơi còn gặp hạn chế về hạ tầng, phương tiện, dịch vụ, nơi dễ bị ảnh hưởng của mưa to, úng lụt…

Cần tranh thủ quỹ đất để tạo dựng thêm không gian xanh cho người dân và giúp điều hòa không khí cho thành phố.

Bài toán cảnh báo, nhận diện tương lai, nghiên cứu nhằm điều tiết, hạn chế, giảm áp lực nội thành, tạo điều kiện phát triển ra các khu vực chung quanh đang đặt ra gay gắt và thách thức. Vấn đề này không chỉ liên quan đến câu chuyện bảo tồn di sản, phát huy truyền thống, giữ gìn phong cách, nét đặc sắc Hà Nội - nếu chỉ thuần túy “hồi cố”, tôn vinh quá khứ và đề cao giá trị cổ truyền, thì hóa ra lại có vẻ ích kỷ! Mà đây chính là xu hướng thiết thực cho hiện tại và tương lai với câu chuyện phát triển văn minh, nhân văn; hài hòa giữa truyền thống - hiện đại, văn hóa - xã hội - kinh tế; giải quyết những vấn đề nóng bỏng hiện nay về quá tải dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, nguồn nước, âm thanh… kéo lại gần mức sống, điều kiện sống giữa các khu vực, địa bàn trong một địa phương lớn.

Mở sức hút ra bên ngoài

Như vậy, tạo sức hút, điều kiện cho người dân nội thành và cả ngoại tỉnh về vấn đề định cư, làm việc, học tập, vui chơi giải trí… ra các khu vực vùng ven ngoại thành, các đô thị vệ tinh là xu hướng cần nghiên cứu thúc đẩy tích cực. Việc này góp phần giữ ổn định, giảm bớt sự xáo trộn khu vực ngoại thành khi nhiều nhu cầu đời sống được đáp ứng tại chỗ thuận lợi hơn. Thí dụ, như sự di chuyển nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp ra ngoài nội đô với khả năng tạo công ăn việc làm cho người dân địa bàn sở tại; xây dựng, phát triển hệ thống trường học vốn đang trở nên ít ỏi trong hoàn cảnh hiện nay của Hà Nội nhằm giải quyết sự quá tải lượng học sinh; nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị y tế bệnh viện cơ sở nhằm góp phần giảm áp lực cho bệnh viện lớn ở nội thành; sự đầu tư phát triển, nâng cao các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần như nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm văn hóa - thể thao… nhằm thu hút công chúng “giãn ra”, góp phần giảm áp lực về người dân, phương tiện vào các khu vực sinh hoạt văn hóa, du lịch vui chơi giải trí ở trung tâm thành phố.

Bảo tồn không gian văn hóa, tạo dựng tốt hoạt động du lịch ngoại thành, sẽ góp phần “giãn bớt” lượng dân về nhu cầu vui chơi, giải trí.

Những hệ thống này đạt đến chất lượng tốt, hiệu quả phục vụ cao, sẽ đáp ứng tốt hơn cho đời sống người dân, hạn chế phần nào tình trạng dân từ khắp nơi trong và cả ngoài Hà Nội hướng về, tập trung khu vực trung tâm, nội thành để ở, làm việc, học tập, khám chữa bệnh… giãn bớt những áp lực về nhiều mặt vào trung tâm, kéo theo nhiều vấn đề xã hội phải giải quyết.

Tất nhiên, như trên đã đề cập, khi vừa có thể giảm được áp lực tại một khu vực, địa bàn nào đó ở nội thành, trung tâm thành phố, thì trước đó phải nghiên cứu và xác lập ngay giải pháp phù hợp để phòng, chống nguy cơ gia tăng áp lực trở lại. Đồng thời, việc “giãn áp” ra ngoài khu trung tâm, nội đô, cũng phải rút kinh nghiệm từ ngay những hạn chế, tồn tại đang có, tránh gây áp lực, tổn thất lên các vùng đệm, ngoại thành, như tình trạng ô nhiễm, xung đột liên quan đến đất đai, di tích, di sản văn hóa, bảo tồn truyền thống, phong tục tập quán, hay các vấn đề xã hội khác.

Giảm áp lực, giãn vòng quay áp lực nội đô, trung tâm thành phố, thật sự là vấn đề cấp bách của Hà Nội. Đặc biệt trong bối cảnh mà chính sự gia tăng áp lực lại đòi hỏi tăng cường thêm nhiều điều kiện, nhằm đáp ứng sự gia tăng đó, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực lên đời sống trong khu vực. Và người dân, vẫn thường trực vừa gồng gánh vừa bị cuốn vào những vòng quay áp lực đó.

Đáng lo ngại là khi chưa đạt được hiệu quả khả quan từ những giải pháp giảm tải khu vực nội đô về mật độ dân số, phương tiện giao thông, tình trạng ô nhiễm khói bụi, nguồn nước, tiếng ồn… thì lại tiếp tục xuất hiện nhiều hơn điểm tập trung mới của các công trình, hạng mục, với con người, phương tiện. Và như vậy, áp lực đô thị không những không giảm đi mà lại được gộp vào, tăng thêm, đẩy lên cao.

Đáng lo ngại là khi chưa đạt được hiệu quả khả quan từ những giải pháp giảm tải khu vực nội đô về mật độ dân số, phương tiện giao thông, tình trạng ô nhiễm khói bụi, nguồn nước, tiếng ồn… thì lại tiếp tục xuất hiện nhiều hơn điểm tập trung mới của các công trình, hạng mục, với con người, phương tiện. Và như vậy, áp lực đô thị không những không giảm đi mà lại được gộp vào, tăng thêm, đẩy lên cao.

NGUYỄN QUANG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/37475502-th%C3%A1ch-th%C3%BAc-gi%C3%A3n-v%C3%B2ng-quay-%C3%A1p-l%E1%BB%A5c-n%E1%BB%8Di-do.html