Thách thức hiện thực hóa VPA/FLEGT - Kỳ 3: Việt Nam nói 'không' với gỗ bất hợp pháp

Thời gian tới, khi triển khai Hiệp định Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), doanh nghiệp ngành gỗ sẽ quyết tâm nói không với gỗ bất hợp pháp. Ông Nguyễn Tôn Quyền –Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đã chia sẻ như vậy với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Thách thức hiện thực hóa VPA/FLEGT - Kỳ 2: Thách thức hiện thực hóa VPA/FLEGT Thách thức hiện thực hóa VPA/FLEGT - Kỳ 1: “Thần chú” VPA/FLEGT mở cửa các thị trường lớn

Hiện Việt Nam có 2 nguồn cung gỗ nguyên liệu đến từ châu Phi và Campuchia, ông nhận định như thế nào nguồn cung này?

Đối với Campuchia, vì cùng biên giới với Việt Nam, có đường mòn, lối mở, gỗ vào Việt Nam rất thuận lợi. Sau khi Chính phủ Lào cấm xuất khẩu (XK) gỗ tự nhiên và gỗ tròn sang Việt Nam thì gỗ tự nhiên Campuchia tràn sang Việt Nam, tạo ra rủi ro rất lớn, ảnh hưởng đến hình ảnh gỗ Việt.

Đảm bảo gỗ hợp pháp là yêu cầu quan trọng để DN đẩy mạnh XK gỗ vào EU

Trước tình hình này, Hiệp hội đã báo cáo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đồng thời cũng có những văn bản phản bác lại những cáo buộc của các tổ chức quốc tế về việc đưa ra số liệu không chuẩn xác, không khách quan đối với việc nhập khẩu (NK) gỗ Campuchia.

Châu Phi tiến bộ hơn Campuchia vì có 1 số nước đã làm VPA/FLEGT. Cạnh đó, rất nhiều nước ở châu Phi tham gia Công ước Quốc tế về quản lý động vật hoang gia (CITES). Những quốc gia này khi bán gỗ sẽ có 2 giấy phép CITES, FSC (Chứng nhận bảo vệ rừng bền vững). Do đó, Việt Nam NK gỗ từ những nước này vẫn đảm bảo và yên tâm về nguồn gốc gỗ.

Nguồn thứ 3 cũng đến từ châu Phi, nhưng là do doanh nghiệp (DN) Việt Nam mua qua trung gian, nguồn này rủi ro rất lớn do không kiểm chứng được tính hợp pháp. Hiệp hội đã đưa ra các khuyến nghị đối với các DN Việt Nam khi NK gỗ từ nguồn này.

Ông Nguyễn Tôn Quyền –Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh gỗ hợp pháp

Trong bối cảnh hiện tại, việc NK gỗ Campuchia có ảnh hưởng đến uy tín của ngành gỗ Việt không thưa ông?

Theo tôi là sẽ ảnh hưởng. Thông thường một sản phẩm gỗ, không phải 100% từ một cây gỗ mà nó từ nhiều loại gỗ khác nhau. DN chỉ cần đưa một chút ít gỗ tự nhiên vào sản phẩm XK đi EU thì sẽ chịu tác động rất lớn không chỉ riêng đối với DN này mà đối với toàn ngành.

Hiệp hội đã cảnh báo rất nhiều lần vấn đề này với các DN bằng nhiều hình thức. Tín hiệu tích cực là các DN chế biến gỗ lớn và vừa nhận thức rất tốt. Nhưng quan ngại nhất đó là các DN nhỏ và siêu nhỏ, các làng nghề, hộ gia đình lại chưa quan tâm đến vấn đề này.

Hiện, Hiệp hội đang phối hợp với một số tổ chức nghiên cứu xây dựng Đề án đánh giá tác động của các đối tác trong việc thực hiện VPA/FLEGT như như thế nào để từ đó báo cáo Chính phủ xây dựng văn bản hướng dẫn. Việc này sẽ phải làm trong năm nay và năm 2019.

Vậy, ông kiến nghị gì trong việc kiểm soát nguồn cung gỗ NK từ Campuchia?

Để kiểm soát gỗ Campuchia vào Việt Nam, nói không với nguồn cung gỗ bất hợp pháp, chúng tôi đã đưa ra 2 kiến nghị với Chính phủ. Thứ nhất là tăng thuế NK. Thứ hai là tạm dừng NK.

Rất mừng mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 44/2018/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019 quy định tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm nhập từ Lào và Campuchia để tái xuất sang nước thứ ba đối với gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên thuộc nhóm HS 44.03 và 44.07 theo Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính. Theo tôi, việc tạm dừng này sẽ có lợi cho cả hai quốc gia.

Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 10 tháng năm 2018, giá trị NK gỗ từ Campuchia giảm 53,2%. Nguyên nhân một phần do Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư trên.

Việc phê chuẩn Hiệp định VPA mới chỉ là bước đầu tiên của tiến trình này, việc thực thi Hiệp định là bước quan trọng thứ 2. Ông có thể chia sẻ về lộ trình thực hiện VPA/FLEGT.

Ngày 19/10/2018, VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU được ký kết. Sau đây, các nước EU phải trình Nghị viện của 28 quốc gia về Hiệp định này. Khi các nước trong EU phê duyệt thì mới có hiệu lực. Về phía Việt Nam cũng phải trình Chính phủ phê duyệt. Sau đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT.

Kỳ vọng, đến năm 2021, Hiệp định sẽ đi vào thực thi chính thức.

Việt Nam là quốc gia thứ 2 ở Đông Nam Á ký kết VPA/FLEGT. Bằng cách này, Việt Nam đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới các đối tác quốc tế rằng Việt Nam cam kết phát triển bền vững và bảo vệ môi trường rừng.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thach-thuc-hien-thuc-hoa-vpaflegt-ky-3-viet-nam-noi-khong-voi-go-bat-hop-phap-112957.html