Thách thức hoạt động sáng tạo nội dung số

Thời gian gần đây, sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của công nghệ số và không gian mạng đã đem đến nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là dành cho giới trẻ, với những vai trò như: YouTuber, TikToker, KOL… Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có các mục tiêu và chiến lược tổng thể phù hợp để hỗ trợ ngành nội dung số.

60% YouTuber dưới 25 tuổi

Nhận định về cơ hội cho các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam, ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam, cho rằng, sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới đã mở ra một thế giới phẳng, cho phép các nhà sáng tạo nội dung số tiếp cận công chúng một cách dễ dàng hơn.

Tính đến tháng 1-2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet, tương đương 79,1% tổng dân số, tăng 5,3 triệu so với năm 2022. Số người sử dụng mạng xã hội là 70 triệu người, tương ứng với 71% dân số Việt Nam, trong đó 68% trên 18 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tại Việt Nam, có 66,2 triệu người dùng mạng xã hội Facebook; 63 triệu người dùng YouTube; 10,3 triệu người dùng Instagram; 49,86 triệu người dùng TikTok; khoảng 2 triệu thuê bao Netflix... Theo thông kê, 60% YouTuber Việt Nam dưới 25 tuổi, trong đó 42% dưới 18 tuổi; 70% YouTuber bắt đầu sản xuất nội dung khi còn là học sinh - sinh viên.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam còn có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và tính sáng tạo cao. Chủ trương của Chính phủ là thúc đẩy kinh tế số thành ngành mũi nhọn. Nhà nước đang xây dựng một loạt chính sách, tạo các hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, nghiên cứu chính sách thuế, hoạt động kết nối xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là những cơ hội để ngành nội dung số ở Việt Nam phát triển.

Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho rằng, trong 5 năm gần đây, sự xuất hiện của đa dạng nền tảng số làm thay đổi thói quen, hành vi của khán giả. Để bắt kịp xu hướng này, các nhà sản xuất nội dung số buộc phải thay đổi tư duy, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm nội dung đa dạng ở nhiều lĩnh vực, từ tin tức, giải trí, tới thể thao, giáo dục... Đây là xu hướng và là quá trình số hóa, không thể đảo ngược. Trong sân chơi này, các cá nhân, tổ chức sẽ phải đối mặt với những rào cản, thách thức về nhiều vấn đề, đặc biệt là câu chuyện bản quyền và kinh doanh quảng cáo số.

Với nội dung số, không chỉ là ngành công nghiệp, đó còn là hoạt động sáng tạo, liên quan tới cả văn hóa - nghệ thuật nói chung trên không gian mạng, thông qua các nền tảng số.

Hoàn thiện thể chế và nâng cao nhận thức xã hội

Sự phổ biến của internet, sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số đã làm thay đổi thói quen, hành vi của khán giả khi tiếp cận và thụ hưởng nội dung từ các hình thức truyền thống như truyền hình, radio, báo in... dịch chuyển lên không gian số.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nội dung số cho rằng, những quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nội dung số còn những chỗ chưa rõ ràng, cùng với đó là sự nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ của người dân còn chưa cao. Chính những yếu tố này khiến các nhà sản xuất nội dung số gặp nhiều “lúng túng” trong hoạt động sáng tạo nội dung số. Cùng với đó, khó khăn lớn của các doanh nghiệp quảng cáo số đang gặp phải là vấn đề pháp lý.

“Chúng ta còn thiếu đi những hành lang pháp lý để bảo vệ và nâng cao vị thế của các doanh nghiệp trên trường quốc tế, chưa có các phương án bảo vệ trước tranh chấp có thể xảy ra”, ông Tạ Mạnh Hoàng cảnh báo.

Dẫn chứng là trường hợp một doanh nghiệp lớn ở Anh đã lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để tranh chấp bản quyền số bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo của Sconnect Việt Nam. Cùng với đó, một số doanh nghiệp game Việt Nam bị vướng vào kiện tụng sở hữu trí tuệ từ các công ty Trung Quốc, Nhật Bản. Từ đó, Việt Nam bị gán nhãn là nước có vi phạm bản quyền phổ biến…

Sáng tạo nội dung số là xu hướng thu hút sự tham gia của các bạn trẻ

Cùng với đó, ông Tạ Mạnh Hoàng cũng chỉ ra một số thách thức, khó khăn đối với sáng tạo nội dung số. Cụ thể như mô hình kiếm tiền nhanh phổ biến ở Việt Nam hiện nay, chủ yếu mang tính tự phát và rủi ro cao. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) nhiều nhưng quy mô nhỏ và thời gian tồn tại ngắn. Đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 3.800 start-up, đứng thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, nhưng chỉ 50% start-up tồn tại sau 5 năm hoạt động. Việt Nam đang thiếu các sản phẩm nổi bật trong nước cũng như trên thế giới để tạo ra sự nhận biết của khách hàng, đối tác, dẫn tới thiếu cơ hội kinh doanh và giá trị nguồn lao động chưa cao. Đặc biệt, nhận thức của người dùng sản phẩm nội dung số chưa cao, dễ bị lôi kéo vào các sản phẩm tiêu cực không mang nhiều giá trị, chưa tôn trọng bản quyền.

Để bắt kịp xu hướng trong sáng tạo nội dung số, chuyển đổi mô hình kiếm tiền (từ kiếm tiền nhanh sang phát triển bền vững), theo nhiều chuyên gia, giải pháp đặt ra vẫn là hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề này.

Luật sư NGUYỄN TIẾN HIỂU, Đoàn luật sư TPHCM: Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

Nếu nói quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ còn những chỗ chưa rõ ràng là chưa thực sự thuyết phục. Bởi, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2009 và 2019 đã bao quát được các nội dung bảo hộ trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số. Chúng ta cũng đã tham gia vào các công ước quốc tế, thỏa ước quốc tế như: Công ước Paris, Thỏa ước Madrid, Hiệp ước PCT. Vừa qua, một số doanh nghiệp của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phát triển, sáng tạo nội dung số bị một số pháp nhân nước ngoài khởi kiện liên quan đến bản quyền số. Khả năng sẽ còn nhiều vụ kiện liên quan nữa nếu ta không chịu nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ. Cụ thể, luật pháp trong nước cũng như hiệp ước quốc tế Việt Nam là thành viên sẽ bảo hộ quyền lợi của công dân và pháp nhân của các nước tham gia. Tuy nhiên, để được bảo hộ phải thực hiện đăng ký bảo hộ theo quy định pháp luật nước sở tại, cũng như quy định mà điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên.

Anh NGUYỄN THÀNH DÂN, đồng sáng lập kênh Trung thảo mai - Anh ba Dân: Mỗi nhà sáng tạo luôn phải tự ý thức

Hiện nay, các bạn trẻ có rất nhiều sáng tạo, biến hóa ở nhiều mảng nội dung khác nhau. Ở khía cạnh tích cực, nó mang đến nhiều “món ăn” giải trí đa dạng cho người xem. Tuy nhiên, cũng có không ít cá nhân bằng mọi cách nhằm đạt đến sự nổi tiếng nhanh nhất thông qua các sản phẩm giật gân, nội dung tiêu cực… Thậm chí, một số xu hướng (trend) còn phản tác dụng, tiếp tay cho cái xấu. Nguy hiểm hơn, nó ảnh hưởng rất lớn đến sự tiếp nhận, hành vi của chính người trẻ. Từ khi thành lập kênh, quan điểm của chúng tôi, mỗi video vừa phải mang tính thời sự, đồng thời kết hợp hài hòa tính giáo dục và hài hước.

Tôi cho rằng, để phát triển các nội dung lành mạnh, yếu tố cốt lõi vẫn nằm ở nhận thức và ý thức của chính người làm sáng tạo. Chúng ta không thể đổ trách nhiệm cho người dùng phải tự biết chọn lọc, hay bắt buộc phụ huynh phải quản lý mọi hoạt động của trẻ em. Hơn ai hết, những người tạo ra các nội dung này luôn cần xác định, mỗi sản phẩm của mình phải phù hợp với số đông khán giả, đặc biệt là đối tượng trẻ em.

Anh THIỆN ĐÀM, ngụ đường Hồng Hà, quận Tân Bình, TPHCM: Tự tạo bộ lọc cho chính mình

Tôi cho rằng, nội dung số đang ở giai đoạn rất phát triển bởi những lợi ích nó mang lại cho cả người dùng cũng như doanh nghiệp. Nếu như trước kia, chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để truyền tải một điều gì đó cho người khác, thì nay, nhờ nội dung số sẽ được truyền tải nhanh hơn và lan tỏa tới nhiều người hơn. Có rất nhiều bài viết, video hay trên mạng xã hội mang thông điệp giải trí và ý nghĩa. Hiển nhiên, tôi luôn mong muốn được tiếp nhận các nội dung theo hướng giải trí, hài hước, vui nhộn. Tôi cho rằng, các nội dung số có mặt tích cực và tiêu cực. Do đó, tôi tự tạo bộ lọc cho chính mình, gạn đục khơi trong, bằng cách theo dõi những người có nội dung phù hợp với mình ở chế độ ưu tiên hiển thị.

HẢI DUY ghi

TRẦN LƯU - MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thach-thuc-hoat-dong-sang-tao-noi-dung-so-post688590.html