Thách thức kép của châu Âu trong chuyển dịch năng lượng

Theo một cuộc khảo sát gần đây, hai phần ba người châu Âu cho rằng quá trình chuyển đổi sinh thái gắn liền với sự bất bình đẳng. Điều này làm phức tạp thêm những quan điểm về tương lai năng lượng bền vững của lục địa này.

Người biểu tình giơ tấm biển Cuộc chiến cho công bằng xã hội và khí hậu như nhau

Nghiên cứu do BVA thực hiện cho Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) cho thấy một thực tế đáng chú ý: 68% công dân Liên minh Châu Âu tin rằng, chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon phải đi kèm với cuộc chiến chống bất bình đẳng. Quan điểm này nêu bật mối liên hệ giữa các vấn đề môi trường và xã hội, đồng thời nêu bật tính phức tạp của những thách thức mà châu Âu đang phải đối mặt. Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 7/8 đến ngày 4/9, tập hợp ý kiến của 30.245 người tại 35 quốc gia, trong đó có 27 quốc gia ở EU.

Quan tâm nhiều, nhưng chi phí cũng nhiều

68% ý kiến của người châu Âu và 70% người Pháp cho thấy, chi phí là mối bận tâm lớn nhất của họ, vượt xa cả biến đổi khí hậu lẫn suy thoái môi trường. Những con số này phản ánh nỗi lo lắng về lạm phát và những hậu quả hàng ngày của nó, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc nhận thức về môi trường.

Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy, số lượng người bày tỏ lạc quan về lợi ích kinh tế gắn liền quá trình chuyển dịch năng lượng đã giảm đi. Vào năm 2021, 56% người châu Âu hy vọng quá trình chuyển dịch sẽ tạo ra việc làm, so với kết quả 51% của năm 2023. Xu hướng này thể hiện rõ ràng nhất ở các nước Bắc Âu, chẳng hạn như Hà Lan. Tại đây, tỷ lệ người mong đợi rằng chuyển dịch năng lượng sẽ cải thiện việc làm đã giảm từ 62% xuống 42%. Tại Đức, tỷ lệ lạc quan cũng giảm từ 54% xuống 41%.

Ngược lại, người Pháp là một trường hợp nổi bật. Mức độ lạc quan của họ đã cải thiện đôi chút. Vào năm 2023, 57% người Pháp xem các biện pháp chống biến đổi khí hậu là nguồn tạo việc làm tiềm năng, tăng nhẹ so với năm 2021 (55%).

Nhìn chung, cuộc khảo sát này cho thấy châu Âu đang rơi vào thế khó xử, bị giằng xé giữa những mối bận tâm trước mắt về mặt kinh tế và những vấn đề môi trường lâu dài. Do đó, xét đến tình trạng bất bình đẳng khi thực hiện chuyển đổi sinh thái phải là một điều bắt buộc nhằm đáp ứng mong đợi của người dân và tạo dựng một tương lai bền vững và công bằng.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/thach-thuc-kep-cua-chau-au-trong-chuyen-dich-nang-luong-700739.html