Thách thức lớn đối với nền nông nghiệp Canada

Việc Trung Quốc ngừng cấp phép nhập khẩu hạt cải dầu từ hai nhà sản xuất lớn của Canada đã phơi bày tình trạng 'dễ bị tổn thương' của Canada khi giao thương với Trung Quốc bị gián đoạn bất ngờ.

Dầu ăn được chế biến từ hạt cải dầu của Canada bày bán tại cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Dầu ăn được chế biến từ hạt cải dầu của Canada bày bán tại cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu hạt cải dầu của Canada hồi tháng 3/2019 được cho là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với ngành nông nghiệp của nước này. Theo Hội đồng Cải dầu Canada, trong năm 2018, khoảng 40% các sản phẩm cải dầu của Canada (hạt, dầu và bột) trị giá 4,4 tỷ CAD (3,34 tỷ USD) có điểm đến là thị trường Trung Quốc.
Ngành nông nghiệp Canada vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ và Trung Quốc. Ở thời điểm môi trường thương mại bấp bênh dưới sự chi phối của những nhân tố chính trị từ Mỹ cũng như Trung Quốc, sự phụ thuộc của Canada vào hai thị trường này ngày càng nhiều rủi ro. Tuy nhiên, cơ hội để đa dạng hóa thị trường đối với các nhà xuất khẩu nông sản Canada được đánh giá là khá nhiều nếu họ tiếp cận các thị trường mới một cách đúng đắn.
Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện giữa Canada và EU (CETA) nhằm loại bỏ thuế quan đối với hầu hết hoạt động thương mại song phương được đánh giá là cơ hội lớn để Canada bán nông sản cho 512 triệu người tiêu dùng châu Âu - một thị trường có giá trị khoảng 24.000 tỷ CAD. Trong năm đầu tiên CETA có hiệu lực tạm thời, giá trị trao đổi thương mại hai chiều giữa Canada và EU đã tăng gần 8% so với năm trước đó. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 13 trong tổng số 28 nước thành viên EU và Canada phê chuẩn hiệp định.
Pete Molenaar, một quan chức cao cấp của HSBC Bank Canada, nhận định Mỹ là điểm đến truyền thống đối với hàng xuất khẩu của Canada do vị trí địa lý gần gũi và hai nước có nhiều đặc điểm chung trong hoạt động kinh doanh. Còn Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với hàng nông sản của Canada.

Tại Canada, trong khi nhiều công ty chủ động tìm kiếm các thị trường thì một số doanh nghiệp lại có xu hướng chỉ đa dạng hóa thị trường khi bị ép buộc bởi các nhân tố bên ngoài và việc Trung Quốc hạn chế nhập hạt cải dầu của Canada là một nhân tố như vậy. CETA có thể hỗ trợ các nhà xuất khẩu Canada nhắm tới địa bàn châu Âu để thay thế Trung Quốc.
Hiện mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Canada với Trung Quốc được đánh giá là đang ở thời điểm tồi tệ nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Ngay sau khi bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei, bị Ottawa bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ hồi tháng 12/2018, Trung Quốc đã tiến hành giam giữ hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc hoạt động gián điệp, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với một số nông sản của Canada.
Canada là nước trồng hạt cải dầu lớn nhất thế giới. Loại hạt này được dùng để sản xuất dầu ăn, làm thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học. Mỗi năm Trung Quốc mua một lượng hạt cải dầu trị giá khoảng 2,7 tỷ CAD từ Canada. Hạt cải dầu của Canada được xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới, nhưng Trung Quốc là khách hàng lớn nhất.

Chính phủ Canada mới đây đã công bố bổ sung 150 triệu CAD (112 triệu USD) hỗ trợ bảo hiểm cho các nhà xuất khẩu hạt cải dầu của Canada, giúp họ quản lý rủi ro và ứng phó với những bất ổn khi thăm dò các thị trường mới. Chính phủ Canada thừa nhận những sức ép mà nông dân và các nhà xuất khẩu hạt cải dầu đang phải đối mặt và cam kết sẽ dành cho ngành này những hỗ trợ cần thiết.
Brian Innes, Chủ tịch Liên minh thương mại thực phẩm chế biến (CAFTA), cho biết, nhu cầu của EU đối với các sản phẩm cải dầu rất lớn và các nhà sản xuất Canada dự kiến sẽ tăng cường xuất khẩu vào EU trong những tháng tới.
Các quy định nghiêm ngặt của EU về thuốc trừ sâu cũng như các công nghệ bảo vệ cây trồng khác, đã khiến sản lượng cải dầu của EU sụt giảm mạnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp Canada còn được tiếp cận một thị trường EU nhiều ưu đãi. Đây là những cơ hội nhiều hứa hẹn cho cải dầu, cũng như những nông sản khác của Canada.

Một thống kê đáng chú ý, theo CAFTA, trong năm 2017, chỉ có 2,9 tỷ CAD trong tổng số 57,7 tỷ CAD xuất khẩu thực phẩm chế biến của Canada có điểm đến là châu Âu. Một số chuyên gia mặc dù nhất trí rằng CETA đem đến cơ hội mới cho các doanh nghiệp Canada song vẫn cảnh báo rằng châu Âu là một thị trường đã bão hòa, nơi hoạt động cạnh tranh rất khốc liệt.
Trong khi đó, các nước châu Á (ngoài Trung Quốc) được đánh giá là có cơ hội đang ngày càng lớn đối với các nhà xuất khẩu thực phẩm chế biến của Canada, khi quốc gia Bắc Mỹ này tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo ông Innes, các nước thành viên của CPTTP như Việt Nam và Nhật Bản là các thị trường đang phát triển mạnh.

Nhiều học giả Canada cũng chung nhận định Canada có cơ hội lớn tại các thị trường trên, cũng như tại Malaysia, Ấn Độ và Pakistan - nơi tầng lớp trung lưu ngày một đông đảo và có xu hướng chuộng các sản phẩm thực phẩm mang thương hiệu Canada. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Canada cần “học tập” Australia và New Zealand và phải tìm cách nâng cao giá trị gia cho sản phẩm.
Hầu hết các nhà xuất khẩu Canada đều thở phào nhẹ nhõm khi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản 2.0 được ba nước thành viên (Mỹ, Canada và Mexico) ký kết ngày 30/11/2018 sau một năm đàm phán căng thẳng. Hiệp định này nhằm bảo tồn mức thuế quan 0% đối với hầu hết các loại hàng hóa. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Mexico phê chuẩn nội dung của NAFTA 2.0, sau khi được Thượng viện bỏ phiếu thông qua, bất chấp những căng thẳng gần đây với Mỹ.
Quốc hội Canada dường như có ý muốn chờ động thái của Mỹ trước khi bỏ phiếu thông qua. Ước tính, giá trị trao đổi thương mại giữa ba nước thành viên NAFTA đạt gần 1.500 tỷ CAD trong năm 2018. Và quan trọng hơn cả là mối liên hệ giữa Mỹ và Canada, giữa bối cảnh gần 3/4 xuất khẩu của Canada có điểm đến là Mỹ, trong khi Canada cũng là khách hàng quan trọng nhất của 32 trong số 50 tiểu bang Mỹ.

Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Canada. Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Canada đã giúp kiến tạo gần 9 triệu việc làm tại Mỹ và hơn 2 triệu việc làm tại Canada. Nói tóm lại, việc giảm phụ thuộc vào kinh tế Mỹ là một bài toán hóc búa đối với cả chính phủ cũng như các doanh nghiệp Canada./.

Hương Giang (TTXVN tại Ottawa)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thach-thuc-lon-doi-voi-nen-nong-nghiep-canada/129735.html