Thách thức lớn nhất là nhân lực

Trong số các nội dung chủ yếu được rà soát, điều chỉnh, bổ sung của dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này có hai nội dung mới là quản lý thuế về thương mại điện tử và giao dịch liên kết.

Trong những năm vừa qua, thương mại điện tử ở Việt Nam là một trong những lĩnh vực kinh tế có tốc độ phát triển rất nhanh và nhiều tiềm năng. Hiện nay, quy mô của cả thị trường ước đạt khoảng 5 tỉ đô la Mỹ và dự báo sẽ đạt 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022. Cụ thể, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết tốc độ tăng trưởng năm 2017 là trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020.

Một số chỉ số khác cho thấy tốc độ và tiềm năng của thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ còn phát triển nhanh trong những năm tới đây. Chẳng hạn, thống kê trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, giao dịch trực tuyến thẻ nội địa cho thấy mức tăng trưởng hai con số không chỉ ở số lượng giao dịch mà còn ở giá trị giao dịch. Bên cạnh đó, số lượng người tiêu dùng trẻ tuổi nhiều cùng với hạ tầng kết nối Internet rộng và nhanh hơn là yếu tố thúc đẩy nhanh thương mại điện tử.

Đối với việc quản lý giao dịch liên kết, vấn đề trở nên cấp bách khi tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng thể nền kinh tế ngày càng lớn. Vấn đề xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận (Base erosion and profit shifting - BEPS) lại chủ yếu tồn tại trong khu vực FDI.

Hiện nay, xuất khẩu của khu vực FDI chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, với giá trị khoảng 150 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, nhập khẩu của khu vực kinh tế này cũng xấp xỉ 85% giá trị xuất khẩu (số liệu 2017).

Đối với các công ty đa quốc gia, việc sử dụng thủ thuật BEPS là rất phổ biến vì Chương trình BEPS do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đề xuất chỉ được nhiều nước và vùng lãnh thổ ký vào năm 2017, sẽ có hiệu lực dần từ 1-7-2018.

Tính đến ngày 23-7-2018, có 83 quốc gia và vùng lãnh thổ ký vào Công ước đa phương chống BEPS, và năm nước khác đã bày tỏ mong muốn ký công ước này. Tiếc là Việt Nam, mặc dù đã tham khảo các hướng dẫn BEPS của OECD trong việc xây dựng dự thảo Luật Quản lý thuế nhưng vẫn chưa có tên trong danh sách này.

Về nguyên tắc quản lý BEPS, Việt Nam cũng đã có Nghị định số 20/2017/NĐ-CP với nguyên tắc cơ bản là phải xác định giá giao dịch liên kết như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập cho mục đích kê khai, tính và nộp thuế. Tuy nhiên, nếu thiếu sự liên kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong công ước đa phương thì nguyên tắc sẽ mãi nằm ở quy định mà không thể đi vào thực tế.

Việc quản lý thuế trong thương mại điện tử và giao dịch liên kết không chỉ cần các nguyên tắc mà còn phải có các quy trình, hạ tầng và nhân lực đi kèm. Trong ba trụ cột này, quy trình và hạ tầng có thể cập nhật và hoàn thiện nhanh. Chẳng hạn phát triển hệ thống thanh toán điện tử, hệ thống khai và nộp thuế trực tuyến, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa một số cơ quan, tổ chức có liên quan thực sự không phải là thách thức quá lớn.

Thách thức lớn nhất là nhân lực ngành thuế, để làm sao có được đội ngũ công chức thuế liêm chính và có năng lực. Thực tế cho thấy, việc “cưa thuế” là rất phổ biến trong việc khoán doanh thu chịu thuế giữa người nộp thuế và đại diện cơ quan thuế. Do quy định thuế khoán và kiểm soát chứng từ, sử dụng hóa đơn chưa chặt chẽ, việc thỏa thuận doanh thu chịu thuế rất dễ bị lạm dụng và trục lợi ngân sách nhà nước.

Còn đối với vấn đề chuyển giá trong giao dịch liên kết, điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi có thỏa thuận riêng giữa công ty đa quốc gia và cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền, đặc biệt với người đại diện, như đã xảy ra ở Hà Lan và Luxembourg.

Võ Đình Trí

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277109/thach-thuc-lon-nhat-la-nhan-luc-.html