Thách thức Mỹ hướng về Iran: châu Âu chỉ đang cưỡi 'hổ giấy'?

Những nỗ lực của châu Âu trong việc thành lập một cơ chế đối phó với lệnh trừng phạt mới của Mỹ lên Iran tỏ ra chưa hiệu quả.

Tờ Financial Times nhận định, Pháp đã tỏ rõ quyết tâm triển khai những kế hoạch đối phó với lệnh trừng phạt mới của Mỹ lên Iran, cũng như thúc đẩy vai trò quốc tế của đồng euro. Động thái này cho thấy, Paris đang muốn dẫn đầu châu Âu trong những nỗ lực thách thức lại tham vọng của Washington trở thành "cảnh sát thương mại" cho thế giới.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire (ảnh: FT)

Chia sẻ với Financial Times, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết, các kế hoạch hướng tới một kênh tài chính đặc biệt, nhằm duy trì thương mại với Iran, là một phần trong "cú huých" từ cựu lục địa. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo "chủ quyền kinh tế" của Liên minh châu Âu, và đưa đồng euro thành một đồng tiền quốc tế với sức mạnh có thể đối chọi với đôla Mỹ.

Châu Âu từ chối để Mỹ trở thành cảnh sát thương mại của thế giới.

Bruno Le Maire

Những phát biểu của ông Le Maire đã hé hộ sự không hài lòng sâu sắc tại châu Âu trước quyết định của Tổng thống Donald Trump, rút Mỹ khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân 2015) với Tehran. Kể từ tháng 5/2018, Washington đã tái áp dụng trừng phạt đối với Iran, đặc biệt nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Cộng hòa Hồi giáo.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu, cùng với Trung Quốc và Nga vẫn thể hiện sự cam kết với thỏa thuận hạt nhân; cùng lúc tìm nhiều cách để đối phó lệnh trừng phạt từ Mỹ và tiếp tục trao đổi thương mại với Iran.

Giống như hầu hết các quốc gia châu Âu, cho tới thời điểm hiện tại, Pháp không nhận được miễn trừ từ Washington, sau khi các lệnh trừng phạt Iran chính thức có hiệu lực từ ngày 5/11 vừa qua. Các công ty hàng đầu của Pháp, bao gồm cả tập đoàn mẹ của thương hiệu Peugeot là PSA và tập đoàn dầu khí Total…, đều đã công bố kế hoạch dừng các hoạt động tại Iran.

Những khó khăn của châu Âu càng bộc lộ rõ ràng vào đầu tuần này, khi Swift – hệ thống thông tin tài chính toàn cầu đặt tại Bỉ, cho biết, họ sẽ tuân theo những hạn chế của Mỹ và cắt liên lạc với các ngân hàng của Iran.

Liên minh châu Âu muốn thiết lập một kênh riêng biệt để tiến hành giao thương với Iran, được gọi là "cơ chế mục đích đặc biệt" (SPV). Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị trì hoãn do các nước không thể thống nhất được một số chi tiết quan trọng, như nơi đặt trụ sở… Không ít nước châu Âu tỏ ra lo ngại về việc sẽ "gây thù chuốc oán" với Washington.

Theo Bộ trưởng Le Maire, động thái của Swift làm rõ sự cần thiết phải có những biện pháp giống SPV, nhằm giúp châu Âu có thêm năng lực tự quyết định công việc của mình. SPV cho phép các công ty làm ăn với Iran trong khi các hoạt động chi trả tài chính tập trung ở châu Âu.

Ông Le Maire cho biết, Pháp muốn phát triển SPV thành một "cơ chế liên chính phủ thực sự, có vai trò như một cơ chế tài chính đại diện cho sự độc lập của châu Âu". "Nó cho phép chúng ta có thể buôn bán bất kỳ sản phẩm nào, với bất kỳ quốc gia nào, miễn là nó phù hợp với luật lệ quốc tế và các cam kết với châu Âu".

Châu Âu đang tìm mọi cách để tiếp tục tiến hành thương mại với Iran (ảnh: FT)

SPV chỉ là một con hổ giấy?

Tuy nhiên, kế hoạch thành lập SPV – với thúc đẩy mạnh mẽ từ nhóm E3 (Pháp, Đức và Anh) đang phải đối mặt với không ít nghi ngờ. "Nếu họ thực sự nghiêm túc về điều đó, SPV đã thành sự thực và đang hoạt động rồi", một nhà ngoại giao đến từ một quốc gia ngoài E3 nhưng cũng ủng hộ cho việc giữ lại thỏa thuận hạt nhân, nhận định. "Một số người nghĩ rằng, đó chỉ là một cử chỉ chính trị".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Le Maire khẳng định, công việc vẫn đang được đẩy mạnh để SPV có thể ra đời dưới hình thức một công ty. Bước thứ hai sau đó là lấy được giấy phép hoạt động ngân hàng.

Mặc dù từ chối không nêu ra những cái tên có khả năng trở thành nước "chủ nhà" cho SPV, nhưng ông Le Maire tiết lộ, đã có một số ứng cử viên. Ưu tiên hiện nay là tìm được một thành phố đã có kinh nghiệm làm việc với các cơ chế quốc tế, đồng thời có khung pháp lý "ổn định và chuẩn xác" nhất có thể.

SVP chỉ là một con hổ giấy. Tôi sẽ tránh xa nó bằng mọi giá.

Gordon Sondland

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, các công ty sẽ không chấp nhận mạo hiểm đối đầu với Washington để duy trì hoạt động kinh doanh với Iran. Cũng trong ngày 5/11, Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu Gordon Sondland thậm chí đã gọi kế hoạch SPV là "một con hổ giấy". "Tôi sẽ tránh xa nó bằng mọi giá", ông Sondland khẳng định.

Paris coi SPV như một bước mở đầu cho một nỗ lực lớn hơn để thúc đẩy vai trò quốc tế cho đồng euro. Ủy ban châu Âu từng nói, tới cuối năm nay, họ sẽ đưa ra các kế hoạch nhằm hiện thực hóa tham vọng này. Các quan chức châu Âu tiết lộ, các động thái có thể bao gồm cả việc yêu cầu các hợp đồng cung cấp năng lượng phải được giao dịch bằng đồng euro.

Tuy nhiên, theo ông Le Maire, việc cải thiện khả năng hồi phục sau khủng hoảng của khu vực đồng euro thông qua tăng cường thị trường vốn, hay thiết lập một ngân sách đơn nhất… cũng rất cần thiết.

"Cần phải nhanh chóng thông qua các phương tiện này, nhằm giúp cho khu vực đồng tiền euro tăng sức mạnh và ổn định," Bộ trưởng Pháp chỉ ra. "Đây là bước đầu tiên trên con đường đưa đồng euro trở thành một đồng tiền tham khảo quốc tế".

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thach-thuc-my-huong-ve-iran-chau-au-chi-dang-cuoi-ho-giay-20181107174811025.htm