Thách thức ổn định chính trị tại Romania

Gần một tháng sau khi liên minh cầm quyền sụp đổ, thế bế tắc chính trị tại Romania vẫn chưa được tháo gỡ. Tình trạng này đặt ra cho Thủ tướng V.Dancila thách thức sớm ổn định chính phủ để tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại trong nước và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tổng thống Romania đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ thiểu số. Ảnh: GOV.RO

Liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Xã hội (PSD) và Liên minh Tự do và Dân chủ (ALDE) tại Romania sụp đổ cuối tháng 8 vừa qua, sau những bất đồng liên quan việc đề cử ứng cử viên ra tranh chức tổng thống trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Sự ra đi của ALDE gây khó khăn cho chính phủ của Thủ tướng V.Dancila. Với việc đối tác ALDE rút khỏi liên minh cầm quyền, PSD của Thủ tướng V.Dancila hiện chỉ còn 205 ghế trong Quốc hội, thấp hơn nhiều so với con số 233 ghế để đạt được thế đa số trong cơ quan lập pháp. Thủ tướng V.Dancila khẳng định sẽ huy động sự ủng hộ cần thiết tại Quốc hội để chính phủ của bà dẫn dắt đất nước tới cuối nhiệm kỳ vào tháng 12-2020.

Với nỗ lực này, Thủ tướng V.Dancila đang tìm kiếm sự ủng hộ của các đảng khác để chính phủ thiểu số của bà có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đây là một thách thức lớn khi các đảng có khả năng hợp tác đều từ chối tham gia liên minh với PSD. Mới đây, Thủ tướng V.Dancila cũng gửi lên Tổng thống K.Iohannis danh sách sáu đề cử mới trong chính phủ, trong đó có ba ghế dành cho các thành viên của ALDE mà bà đang thuyết phục tiếp tục ở lại liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, Tổng thống K.Iohannis đã bác bỏ đề xuất nêu trên, đồng thời tuyên bố, kế hoạch cải tổ chính phủ của Thủ tướng V.Dancila không có hiệu lực. Tổng thống cho rằng, đề xuất của bà V.Dancila là vi hiến vì liên minh cầm quyền đã sụp đổ sau sự ra đi của ALDE. Trước đó, Tổng thống K.Iohannis khẳng định, ông không chấp nhận chính phủ cơ cấu lại do PSD đứng đầu và cho rằng, chính phủ hiện tại cần được Quốc hội phê chuẩn. Theo ông K.Iohannis, nếu chính phủ không nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ trong Quốc hội thì cần tính đến giải pháp chuyển giao quyền lực.

Giới phân tích lo ngại, thế bế tắc chính trị hiện nay có thể gây cản trở những nỗ lực của Romania trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong nước, trong đó có tình trạng tham nhũng. Nhằm ổn định tình hình nội bộ, cũng như cải thiện quan hệ với Liên hiệp châu Âu (EU), vừa qua, Romania đã tuyên bố từ bỏ một số biện pháp cải cách tư pháp gây tranh cãi, mà theo EU có thể đe dọa sự độc lập của ngành tư pháp và khiến cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này càng thêm khó khăn. Trong khi đó, mới đây, hàng chục nghìn người dân Romania đã xuống đường tuần hành tại thủ đô Bucharest, nhằm phản đối nạn tham nhũng. Hoạt động biểu tình này diễn ra một năm sau làn sóng biểu tình biến thành bạo lực tại thủ đô Bucharest. Các chuyên gia cho rằng, Romania cần sớm ổn định tình hình chính trị để tiếp tục theo đuổi mục tiêu giải quyết nạn tham nhũng, vốn được xem là mối quan tâm hàng đầu của người dân.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng V.Dancila, Romania cần sự ổn định để duy trì những thành quả phát triển kinh tế mà nước này đã đạt được trong những năm qua. Theo số liệu mới được Viện Thống kê quốc gia (INS) của Romania công bố, trong quý I-2019, GDP của nước này tăng 5% so cùng kỳ năm 2018. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, nền kinh tế Romania có thể đạt mức tăng trưởng 3,1% trong năm nay, sau khi tăng trưởng lần lượt 7% và 4,1% vào các năm 2017 và 2018.

Sớm tháo gỡ thế bế tắc chính trị đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với chính giới Romania. Các nhà phân tích cho rằng, việc sớm ổn định tình hình chính trị góp phần quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho Bucharest hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

DUY KHANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/41646502-thach-thuc-on-dinh-chinh-tri-tai-ru-ma-ni.html