Thách thức tăng trưởng của LPB

Nợ xấu tăng mạnh, cộng với hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức dự kiến đã và đang khiến Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (UPCoM: LPB) gặp nhiều thách thức trong phát triển hoạt động kinh doanh.

LPB là ngân hàng khá đặc biệt trong top những ngân hàng có mạng lưới giao dịch lớn nhất hiện nay, hiện diện trên 63/63 tỉnh, thành toàn quốc với hơn 360 Chi nhánh, Phòng giao dịch, hơn 1.000 PGD Bưu điện...

Nợ xấu tăng mạnh

Theo báo cáo tài chính quý 3/2018, thu nhập lãi thuần giảm 7%, đạt 1.266 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng lại tiếp tục lỗ thuần hơn 21 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng, hoạt động khác lỗ hơn 57 tỷ đồng... Như vậy, LBP chỉ còn lãi hơn 280 tỷ đồng trong quý 3/2018, giảm 33% so cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, LBP báo lãi trước thuế hơn 1.014 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Nếu so với chỉ tiêu 1.200 tỷ đồng thì LBP đã thực hiện 85% kế hoạch cả năm. Còn so với chỉ tiêu ban đầu là 1.800 tỷ đồng lãi trước thuế thì LBP chỉ đạt 56%.

Tại thời điểm cuối quý 3/2018, cho vay khách hàng của LBP tăng 14% so với đầu năm, ở mức hơn 115.000 tỷ đồng. Song, tổng nợ xấu của LBP lại tăng 42% so với thời điểm đầu năm, lên mức 1.524 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 và 4 tăng đáng kể, nợ nhóm 5 thì giảm 19%.
Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của LBP tăng lên 1,32% từ con số 1,07% hồi đầu năm nay.

Giá cổ phiếu giảm sâu

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/10, giá cổ phiếu LPB ở mức 9.200 đồng/cp. Như vậy, giá cổ phiếu LPB đã về dưới giá trị sổ sách. Cổ phiếu LPB đã giảm 8,9% trong một tháng qua và giảm gần 22% từ khi niêm yết. Sở dĩ giá cổ phiếu của LPB liên tục lao dốc là do nợ xấu và nợ quá hạn của ngân hàng này tăng mạnh.

1.524 tỷ đồng là tổng nợ xấu của LPB tính đến 30/9/2018, tăng 42% so với thời điểm đầu năm.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chuyên viên phân tích Cty Kiểm toán Thẩm định giá, cho rằng nợ xấu và nợ quá hạn tiếp tục tăng về quy mô là điều bất lợi đối với LPB. Tổng nợ xấu đến cuối năm 2017 của LPB là 1.074 tỷ đồng, tăng 21%; tổng nợ quá hạn đạt 2.959 tỷ đồng, tăng đến 58%, nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của ngân hàng. Đặc biệt, giá trị trái phiếu VAMC của LPB tiếp tục tăng 162 tỷ đồng cho thấy, trong năm 2017 LPB vẫn tiếp tục phải bán nợ cho VAMC. Nếu điều này tiếp tục diễn ra, ngân hàng có thể phải tăng chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu, khiến lợi nhuận bị “bào mòn”.

Áp lực với LPB

Hạn mức tín dụng mà NHNN cấp cho LPB năm 2018 là 14%, thấp hơn mức dự kiến 20%. Do đó, LPB đã điều chỉnh giảm 33% kế hoạch lãi trước thuế xuống 1.200 tỷ đồng. Do đó, LPB phải cơ cấu lại danh mục cho vay, đẩy mạnh cho vay bán lẻ với lợi suất cao hơn để cải thiện thu nhập lãi...

LPB cũng đang xem xét khả năng tham gia tái cấu trúc một tổ chức tín dụng (TCTD), do ngân hàng hỗ trợ tái cấu trúc một TCTD khác sẽ được phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Điều này dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2019.

Các chuyên gia lưu ý rằng, việc phải tiết chế tăng trưởng tín dụng có thể bất lợi cho LPB khi có nhiều ngân hàng chuyển sang các phân khúc khách hàng bán lẻ có biên lợi nhuận cao, khiến cạnh tranh trong các phân khúc này tăng lên.

Bên cạnh đó, danh mục cho vay bất động sản (BĐS) và xây dựng của LPB chiếm tỷ trọng lớn (38%). LPB sở hữu 1.160 tỷ đồng tài sản có khác liên quan đến các doanh nghiệp BĐS. Do đó, chi phí dự phòng rủi ro có thể tăng trong thời gian tới.

Ngoài ra, lãi suất trái phiếu Chính phủ và lãi suất vay repo liên ngân hàng tăng làm giảm lợi nhuận các khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ và vay repo của LPB.

Hạn hẹp room tín dụng

Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, hầu hết các ngân hàng được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm khoảng 14-15%. Trong đó, đa số ngân hàng tăng trưởng vừa phải, phù hợp với hạn mức được giao, song cũng không ít ngân hàng đã đẩy tín dụng rất cao trên 10%, thậm chí chạm trần, khiến dư địa còn lại khá hạn hẹp và LBP là một ví dụ.

Nhóm ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao trong 6 tháng đầu năm có thể kể đến TPBank (15%) và HDBank (14,5%), LPB (13,3%) và OCB (12,2%). Trên thực tế, 4 ngân hàng này ngay đầu năm cũng đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng rất cao, thậm chí có ngân hàng lên tới 40%.

Trước đó vào đầu tháng 8/2018, NHNN đã ra Chỉ thị 04/2018/CT-NHNN khẳng định chủ trương sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến hết năm 2018 (trừ các trường hợp đặc biệt). Do đó, các TCTD phải tìm cách phân bổ hợp lý room tín dụng còn lại cho cuối năm.
Chỉ thị 04 quy định thêm các trường hợp đặc biệt có thể được nới "room" tín dụng như các ngân hàng tham gia tái cơ cấu đối với các TCTD yếu kém trong năm 2018. Theo đó, VCB hỗ trợ VNCB, CTG hỗ trợ Ocean Bank và GP Bank… có thể nằm trong diện này. Tuy nhiên, LPB không thuộc diện hỗ trợ nên nới room tín dụng là điều không thể xảy ra.

Trong số các ngân hàng nói trên, hiện mới chỉ có duy nhất LPB điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2018 với lý do không được NHNN nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng còn lại đang nỗ lực hoàn thành kế hoạch và lợi nhuận trước thuế khả quan hơn, trên dưới 50%, thậm chí như ACB, MBB và VCB xấp xỉ 60% nên các ngân hàng này có thể hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận ban đầu.

Phương Hà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thach-thuc-tang-truong-cua-lpb-138614.html