Thách thức thâm hụt thương mại sẽ còn tiếp diễn?

Sau khi thặng dư thương mại lớn trong năm 2018, 5 tháng đầu năm nay chứng kiến nền kinh tế nhập siêu trở lại, gây ra những lo ngại không nhỏ về cán cân thương mại cho giai đoạn tới, nhất là đặt trong bối cảnh chiến tranh thương mại và nhiều nước chủ động phá giá tiền tệ mạnh thời gian qua.

Cán cân thương mại đảo chiều

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong tháng 5 vừa qua Việt Nam nhập siêu ước lên đến 1,3 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 2/2017 cho đến nay, theo đó cán cân thương mại lũy kế 5 tháng bị thâm hụt 548 triệu USD, sau khi đã xuất siêu kỷ lục hơn 7,2 tỷ USD trong năm 2018.

Cán cân thương mại Việt Nam gặp nhiều thách thức.

Trong khi khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu gần 13,3 tỷ USD, tăng mạnh 27,8% so với cùng kỳ năm 2018, thì đáng lo ngại là khu vực kinh tế nước ngoài đã giảm xuất siêu 7,6% so với cùng kỳ, chỉ đạt 12,7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay. Việc khối doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam giảm xuất siêu đã không thể bù đắp cho việc nhập siêu của nhóm doanh nghiệp trong nước.

Đáng lưu ý là dù xuất khẩu đến thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh mẽ giúp Việt Nam nâng bậc xếp hạng trong danh sách các nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất tới Mỹ, thì việc nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay cũng bước lên một tầm cao mới.

Cụ thể, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, giúp xuất siêu sang nước này tăng mạnh 30,2% so với cùng kỳ, lên mức 16,8 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng 109,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 58,4%; hàng dệt may tăng 9,8%.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 29,6 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, theo đó nhập siêu từ Trung Quốc tăng vọt 55,8% lên 16,2 tỷ USD. Các mặt hàng tăng mạnh nhất là điện tử, máy tính và linh kiện tăng 82,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 27,8%; vải tăng 12,7%.

Có thể thấy thành quả từ việc tăng cường xuất khẩu sang Mỹ đã phần nào bị xóa bớt bởi việc nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, theo đó nếu chỉ cộng riêng 2 thị trường này lại thì Việt Nam ghi nhận xuất siêu vỏn vẹn 0,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, giảm mạnh so với con số xuất siêu 2,5 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.

Những dấu hiệu lo ngại

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dường như cũng đã bắt đầu ảnh hưởng lên hoạt động thương mại của một số nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Nếu như lợi ích mang lại có thể thấy được là Việt Nam tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu vào Mỹ, đặc biệt tại một số mặt hàng mà các sản phẩm Trung Quốc đang bị áp hàng rào thuế quan, thì thực tế hoạt động thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc lại càng tiêu cực hơn.

Cụ thể trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt, thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng qua chỉ còn 13,4 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2018. Khi hàng hóa Trung Quốc bị chặn đường, hạn chế vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đẩy mạnh tìm cách tiêu thục trên sân nhà, do đó sẽ hạn chế nhập khẩu từ các thị trường khác, vì vậy những nước như Việt Nam sẽ gặp cạnh tranh rất lớn khi xuất hàng vào Trung Quốc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc sẽ tích cực tìm các thị trường khác thay thế thị trường Mỹ, mà các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á có thể trở thành nạn nhân đón nhận lượng hàng hóa dư thừa của Trung Quốc ồ ạt đổ vào. Ngoài ra, không loại trừ khả năng những nước này sẽ bị biến thành quốc gia trung chuyển để Trung Quốc xuất hàng vào Mỹ nhằm tránh các hàng rào thuế quan. Điều này là rất nguy hiểm, vì nếu để Hoa Kỳ phát hiện thì có thể áp thuế lên các quốc gia trên, khiến các doanh nghiệp nội địa của những nước này sẽ là nạn nhân kế tiếp phải gánh lấy thiệt hại.

Ngoài ra, câu chuyện tỷ giá cũng có những tác động nhất định lên tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Để hạn chế bớt những thiệt hại từ hàng rào thuế quan của Mỹ, chính phủ Trung Quốc có thể chủ động phá giá đồng nhân dân tệ. Thống kê cho thấy chỉ riêng trong tháng 5, sau khi bị Mỹ áp hàng rào thuế quan mới, đồng nhân dân tệ đã mất 3% so với USD, trong khi tiền đồng mất giá chưa đến 0,5%.

Điều này vô hình chung làm tiền đồng tăng giá 2,5% so với nhân dân tệ, do đó khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn và càng khuyến khích hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ càng thêm mất lợi thế cạnh tranh và do đó càng gặp nhiều thách thức khi xuất hàng sang các thị trường khác, cũng như tìm được chỗ đứng ở thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay cũng đang thúc đẩy dòng vốn đầu tư quốc tế rút dần từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đầu năm nay của Việt Nam đạt gần 9,1 tỷ USD, tăng vọt 27,1% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam khi rót vốn 1,56 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Dòng vốn đầu tư mới đi kèm với việc dịch chuyển các nhà máy, cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam dù có thể mang lại những lợi ích trong dài hạn, nhưng trước mắt cũng gây áp lực lên cán cân thương mại, do FDI tăng sẽ kéo theo hoạt động nhập khẩu các máy móc, công cụ lao động nhiều hơn. Xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra, do đó cán cân thương mại sẽ còn gặp nhiều thách thức trong giai đoạn tới.

Có thể thấy thành quả từ việc tăng cường xuất khẩu sang Mỹ đã phần nào bị xóa bớt bởi việc nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, theo đó nếu chỉ cộng riêng 2 thị trường này lại thì Việt Nam ghi nhận xuất siêu vỏn vẹn 0,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, giảm mạnh so với con số xuất siêu 2,5 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/thach-thuc-tham-hut-thuong-mai-se-con-tiep-dien-165031.html