Thách thức trong bảo tồn di tích Cổ Loa

Thành Cổ Loa - kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III TCN), có tuổi đời 2.300 năm, từng được các nhà khảo cổ học đánh giá là 'tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ' đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Nhà văn hóa thôn Lan Trì xây dựng trên khu vực thành hào. Ảnh: Nguyễn Văn Huy

Xâm hại nghiêm trọng

Cổ Loa vẫn thường được du khách biết tới với đền Thượng thờ An Dương Vương, đình Ngự Triều, am thờ Mỵ Châu, Giếng Ngọc... nằm trong khu vực thành nội. Nhưng theo các nhà khoa học, dấu tích có giá trị cốt lõi còn tồn tại đến ngày nay, khẳng định dấu ấn của kinh đô nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương là ba vòng thành đất, hào nước và sông Hoàng Giang. Tuy nhiên, hiện nay, rất khó có thể nhận ra chỗ nào là thành, chỗ nào là hào, vì di tích đã và đang bị xâm hại nặng nề.

Theo chân cán bộ Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa, chúng tôi đi một vòng quanh khu di tích, tận mắt chứng kiến và không khỏi xót xa trước sự xâm hại di tích đang ngày càng nghiêm trọng.

Tại mặt thành và chân các vòng thành, gồm ba vòng thành nội, thành trung và thành ngoại, nhiều nơi đang bị “xẻ thịt”, chỗ thì làm đường, làm nhà, nơi thì người dân trồng cây lâu năm, canh tác nông nghiệp cả trên tường thành... Theo cán bộ Ban Quản lý Di tích Cổ Loa, tại mặt thành và chân các vòng thành hiện có tới trên 1.000 hộ dân đang sinh sống. Trước thời điểm Cổ Loa được công nhận di tích quốc gia năm 1962, khu vực này không có ai quản lý, người dân tự do xây dựng nhà cửa và sinh sống nhiều đời trong khu vực này. Đến năm 2006, các hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai. Trải qua nhiều năm, đến nay, một số đoạn trên mặt thành bị xẻ ra, san ủi để làm đường và xây dựng các công trình dân sinh. Hiện tại, vòng thành nội đã biến dạng, chỉ còn sót lại một vài ụ đất, vòng thành trung và thành ngoại đã bị thay đổi về độ cao (chiều cao gốc của thành từ 7-8m, có nơi lên tới 10m nhưng giờ đây chỉ còn lại 3m trở xuống, có nơi chưa đầy 1m. Khu vực cửa Trấn Nam, một điểm rất quan trọng của di tích đang bị che khuất hoàn toàn bởi các hàng quán mọc lên san sát hai bên.

Hào nước - một trong những giá trị cốt lõi làm nên giá trị nổi bật của thành Cổ Loa cũng đang bị lấn chiếm, sử dụng. Có đoạn hào bị san lấp để xây nhà, có khu vực bị người dân chia lô để canh tác trồng lúa, nuôi cá… một số nơi bị người dân đổ phế thải, thành bãi rác, lấp dần hào nước. Thậm chí, một đoạn hào qua thôn Lan Trì đã bị san lấp để xây dựng nhà văn hóa thôn. Một số đoạn khác bị người dân xây cổng sắt, tập kết gạch để chuẩn bị lấp hào, xây nhà… Di chỉ Đồng Vông trên doi đất bên sông Hoàng Giang vốn có tầm quan trọng đặc biệt, thể hiện các giai đoạn khảo cổ học phát triển liên tục từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn đều đang trên bờ vực xóa sổ vì các công trình dân sinh.

Một góc khu thành nội bị xâm hại. P.H

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đánh giá, mức độ xâm hại thành và hào ở di tích Cổ Loa hiện nay là vô cùng nghiêm trọng, nếu cơ quan quản lý không nhanh chóng có biện pháp hợp lý, thì thành và hào Cổ Loa sẽ hoàn toàn bị hủy hoại và xóa xổ trong một thời gian ngắn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Viết Dũng - Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích Cổ Loa thừa nhận, những vi phạm liên quan đến di tích ở Cổ Loa đang diễn ra hàng ngày, và đã tồn tại từ lâu, song Ban Quản lý chỉ có chức năng kiểm tra, phát hiện và báo cáo, chứ không được phép xử phạt. Vì vậy, dù phát hiện những vi phạm trong khu vực ba vòng thành đất, khu hào nước cũng như các di chỉ khảo cổ học khác, Ban Quản lý di tích Cổ Loa cũng chỉ biết làm văn bản đề nghị xã xử lý, mà không thể làm gì hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, việc thành và hào ở Cổ Loa liên tục bị xâm hại nghiêm trọng, đã cho thấy sự thiếu hụt trong nhận thức của công chúng và cả những bất cập trong tư duy quản lý và hoạch định về di sản trong gần 60 năm qua. Cụ thể, dù đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia lần đầu tiên từ năm 1962, nhưng hơn nửa thế kỷ qua, Cổ Loa vẫn không xác định được mốc giới di tích, không phân định rõ ai là chủ đích thực để quản lý, không biết phải quản lý những gì… đã dẫn đến tình trạng phức tạp, và khó vãn hồi như hiện nay. Đặc biệt, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, trong khoảng chục năm trở lại đây, mức độ bị xâm hại đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Cửa Trấn Nam bên Đông bị che khuất bởi hàng quán. Ảnh: P.H

Loay hoay lời giải

Thành Cổ Loa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia lần đầu tiên từ năm 1962. Năm 2012, được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) hướng tới xây dựng khu di tích trở thành công viên lịch sử, sinh thái, nhân văn của Hà Nội. Năm 2016, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 6597/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu di dân tái định cư giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án thành phần đầu tư bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Cổ Loa, với mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn tình trạng hiện nay của các công trình, phục hồi một số đoạn tường thành… Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hầu như chưa có hạng mục nào trong quy hoạch được thực hiện, và di tích vẫn tiếp tục bị xâm hại.

Theo ông Lê Viết Dũng, Phó Ban Quản lý di tích Cổ Loa, việc di tích bị xâm hại là một thực tế rõ ràng, và cần nhanh chóng có những giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận, để tìm được một giải pháp hài hòa cho bảo tồn Di tích Cổ Loa trong bối cảnh hiện nay là vô cùng khó khăn. Bởi lẽ, toàn bộ Khu di tích Cổ Loa bao gồm khu vực thành nội, thành trung, thành ngoại và hào nước, với diện tích gần 900ha, nhưng Ban Quản lý di tích chỉ được phép phụ trách “vùng lõi” thuộc khu vực thành nội, với các địa điểm như: Đền Thượng thờ An Dương Vương, Giếng Ngọc, đình Ngự Triều, am thờ Mỵ Châu,... cùng vài khu đất gần trụ sở làm việc, với tổng diện tích khoảng 4 ha. Trong khi đó, toàn bộ Khu di tích Cổ Loa rộng gần 900 ha và ba vòng thành đất lại do chính quyền địa phương và người dân quản lý, với quan điểm như đất đai thông thường, không phải đất di tích. Nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân đã sinh sống ở đó, thậm chí có những thế hệ gia đình đã ở đây hàng trăm năm, trên mảnh đất được chính quyền cấp sổ đỏ theo đúng Luật Đất đai.

Về phía chính quyền, bà Nguyễn Thị Lương, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cũng thừa nhận, dù lãnh đạo, nhân dân Cổ Loa rất tự hào, và có ý thức trong bảo tồn và phát huy di tích, nhưng do người dân đã sinh sống trên những vị trí gần thành, sát thành, trên mặt thành từ nhiều đời nay, nên việc xây dựng nhà cửa, công trình là điều khó tránh khỏi. Chính quyền xã cũng chỉ biết tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn di sản, còn việc xử lý là rất khó.

Theo ý kiến của các nhà khoa học, hiện nay, muốn tránh tình trạng xâm hại di tích, cần phải nhanh chóng thực hiện việc cắm mốc di tích, xác định những khu vực quan trọng trong di tích cần được bảo vệ, nghiêm cấm không được xâm hại di tích. Nhưng để làm cắm mốc di tích, trước hết cần sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 cho Khu di tích Cổ Loa theo Quyết định số 6597/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội năm 2016. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, ngay cả khi đã có quy hoạch chi tiết 1/500, thì việc xác định được các tiêu chí cho toàn bộ hoạt động phân giới, cắm mốc cũng không dễ dàng, mà cần có sự vào cuộc của nhiều ban, ngành, gồm ý kiến chuyên môn của các nhà sử học, nhà văn hóa học, nhà quản lý văn hóa… để cùng bàn bạc và xác định quy hoạch chi tiết các ranh giới của di tích. Sau đó, là sự vào cuộc quyết liệt của thành phố Hà Nội, sự điều tiết của Chính phủ…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, khi chưa hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500, thì bài toán xâm hại di tích Cổ Loa vẫn còn loay hoay, chưa tìm ra lời giải. “Nếu Hà Nội không nhanh chóng và quyết liệt vào cuộc, thì với tốc độ xâm hại như hiện nay, chỉ khoảng chục năm nữa, di tích 2.300 năm có nguy cơ sẽ bị xóa sổ”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cảnh báo.

Phương Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/thach-thuc-trong-bao-ton-di-tich-co-loa-20181015032701883.htm