Thách thức trong tiếp cận vốn

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), DN sẽ tăng trưởng nhanh nếu kịp thời chuyển đổi, hướng đến nền sản xuất hiện đại, thông minh. Tuy nhiên, việc đầu tư cho các dây chuyền tự động, công nghệ mới cần nguồn vốn rất lớn, là thách thức không nhỏ.

Đầu tư lớn

Ông Hồ Song Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á - cho biết: Tôn Đông Á từ một nhà máy sản xuất nhỏ đã trở thành DN sản xuất lớn ở Việt Nam. Để có được thành quả này, ban lãnh đạo công ty đã quyết tâm cao, đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại, tiên tiến nhất thế giới, theo nhiều phân kỳ. Gần đây, Tôn Đông Á đã đầu tư hơn 150 triệu USD đổi mới toàn bộ thiết bị công nghệ. "Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì đầu tư công nghệ trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ nhằm sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu" - ông Hồ Song Ngọc khẳng định.

Đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại cần nguồn vốn lớn

Đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại cần nguồn vốn lớn

Theo ông Đỗ Thu Phong - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Hanel Xốp nhựa, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh là xu thế tất yếu, mang đến một nền sản xuất công nghiệp hiện đại, DN không thể đứng ngoài cuộc. Để thích ứng với CMCN 4.0, DN đã đầu tư hệ thống phần mềm và phần cứng, như: Các thiết bị tự động hóa, "cánh tay" robot, phần mềm quản trị DN… Tuy nhiên, DN mong muốn nhà nước sẽ tăng cường hỗ trợ về nguồn vốn để có thể đầu tư mạnh mẽ hơn về máy móc, thiết bị, giúp tận dụng được cơ hội từ CMCN 4.0.

Trước vấn đề này, ông Phạm Hoàng Hải - Phụ trách quan hệ đối tác của Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VCCI) - cho biết, CMCN hội tụ nhiều công nghệ mới, hiện đại, dự báo sẽ tạo ra hàng loạt thay đổi mang tính bước ngoặt như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối Internet (IoT)… Cập nhật xu hướng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản trị là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của DN Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0. Tuy nhiên, hiện tại, vẫn còn không ít DN chưa đủ nguồn lực đầu tư để bắt kịp cuộc cách mạng này.

Nhiều hoạt động hỗ trợ

Ông Phạm Hoàng Hải cho biết thêm, với vai trò là đại diện cộng đồng DN Việt Nam, ngay từ những ngày đầu tiên, khi cuộc CMCN 4.0 bùng nổ trên thế giới, VCCI đã cùng một số đối tác thực hiện cuộc khảo sát nhanh, đánh giá tác động, ảnh hưởng của CMCN 4.0 đến DN. Trên cơ sở cuộc khảo sát, VCCI đã kiến nghị với Chính phủ về việc xây dựng khuôn khổ luật pháp, hệ thống chính sách hỗ trợ cho việc phát triển hạ tầng cho công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.

Đặc biệt, sau nghiên cứu của VCCI, Bộ Công Thương cũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện tác động và tính sẵn sàng của các DN ngành Công Thương trong tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 với phương pháp đưa ra rất xác thực. "Những kết quả là thước đo về mức độ sẵn sàng của DN, phần nào phản ánh đúng thực trạng quốc gia. Qua đó, sẽ có những định hướng, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ DN" - ông Phạm Hoàng Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện, các DN Việt Nam còn khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế tài chính, quỹ đầu tư, giúp DN phát triển công nghệ và đầu tư tốt hơn về quản trị, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thời đại 4.0 nếu muốn tồn tại trên thị trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, bổ sung DN đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của CMCN 4.0 vào nhóm DN ứng dụng công nghệ cao, thuộc một trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong các hoạt động tín dụng.

Quỳnh Nga - Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thach-thuc-trong-tiep-can-von-117258.html