Thách thức từ quản lý quy hoạch, dân cư

Tại tọa đàm trực tuyến 'Hà Nội: Nghị quyết 15 và chặng đường tiếp theo' do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, đã ghi nhận những thành tựu và cả những thách thức đặt ra đối với Thủ đô trong suốt chặng đường 10 năm.

Một trong hai đầu tàu kinh tế lớn của đất nước

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, những ngày đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, có rất nhiều băn khoăn, lo lắng đặt ra khi Ðảng bộ, chính quyền Thủ đô Hà Nội. Trong đó, phải kể đến quy mô diện tích, dân số, đơn vị hành chính tăng nhiều; điều kiện địa lý, dân cư, thói quen khác nhau; tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo lớn, vùng núi còn khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội chưa phát triển, khoảng cách giàu nghèo còn lớn; hầu hết các đơn vị hợp nhất về Hà Nội kinh tế - xã hội còn khó khăn… Có thể nói khối lượng công việc phải thực hiện sau hợp nhất rất lớn.

“Nhưng với tinh thần và trách nhiệm, ngay từ những ngày đầu triển khai Nghị quyết 15, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã xác định quyết tâm thực hiện Nghị quyết với phương châm “Ðoàn kết - Hợp tác - Trách nhiệm” và tinh thần: Tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô”, ông Hùng nêu.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, bình quân đạt 7,41% /năm, là một trong hai đầu tàu kinh tế lớn của đất nước. Quy mô của GDP năm 2017 đã tăng 2 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người tăng, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 so với năm 2008.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng rất tích cực. Tỷ trọng các ngành về dịch vụ, công nghiệp, xây dựng tăng. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đẩy mạnh. Tổng đầu tư xã hội giai đoạn 2008 - 2017 đạt 2 triệu tỷ đồng. Năm 2017, tổng mức đầu tư tăng gấp 2,85 lần so với năm 2008 và tăng bình quân 15,2%/năm. Ðầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 3.227 dự án với tổng vốn đăng ký là 19,1 tỷ USD…

Ghi nhận những thành công Hà Nội đã đạt được trong 10 năm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ðức Kiên chỉ ra 3 điểm nhấn đưa Hà Nội trở thành đầu tàu trong khu vực kinh tế khu vực Bắc bộ. Con số sau 10 năm, tăng trưởng GDP của khu vực Hà Nội đã tăng gấp đôi là một minh chứng; Vấn đề thứ 2, về cơ sở hạ tầng đã đạt được cơ sở hạ tầng rất đột phá. Về cơ bản những công trình giao thông trọng điểm trong thời gian vừa qua, Hà Nội đều có những dự án đóng góp vào; Thứ 3 là đoàn kết, bởi vì chúng ta đều biết rằng, tách ra chia ghế, chia chức vụ thì đơn giản. “Nhưng nếu nhập vào, giảm ghế, nhiều người, có thể nảy sinh vấn đề “quyền anh quyền tôi”, song Ðảng bộ Hà Nội đã làm tốt việc này”, ông Kiên nhận định.

Nâng cao chất lượng quy hoạch

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ðức Kiên cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội chưa thực sự như mong muốn. “Chúng tôi kỳ vọng Hà Nội sẽ là một trung tâm khoa học công nghệ của cả nước. Từ đó đưa ra những doanh nghiệp khởi nghiệp trên khoa học công nghệ, với tri thức, với nguồn vốn của nhân dân Hà Nội thì Hà Nội phải trở thành trung tâm tài chính của khu vực chứ chưa nói đến cả nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các thành phần kinh tế khác phát triển”, ông Kiên nhấn mạnh.

Ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, trong 10 năm qua, Hà Nội giải quyết được vấn đề nội tại của quá trình mở rộng là một thành công. Phân tích những mặt hạn chế của Hà Nội những năm sau mở rộng, ông Hiếu cho rằng cơ cấu sản lượng ngành nghề đóng góp cho thành phố gần như không thay đổi; chưa nhìn thấy tiềm năng của ngành nghề rất mới là nghiên cứu ứng dụng khoa học và các trung tâm sáng chế. Hành lang khu vực kinh tế vùng Thủ đô đã hình thành, nhưng chưa phát huy được.

Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng chỉ ra 3 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung tạo đột phá trong việc nâng cao chất lượng. Ðó là công tác quản lý quy hoạch, trong đó quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, phát triển không gian đạt chất lượng tốt nhất vì nó là xương sống để chúng ta triển khai tất cả các chương trình, các đề án tiếp theo. Thứ hai, trong vấn đề đầu tư phát triển cần phải lựa chọn đầu tư, phải đầu tư hiện đại hóa toàn bộ kết cấu hạ tầng đô thị để phục vụ cho việc phát triển kinh tế vừa đáp ứng được áp lực gia tăng dân số. Thứ ba, nâng cao chất lượng quản lý như quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai, quản lý an toàn giao thông, quản lý y tế, quản lý giáo dục,...

Trần Hoàng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/dia-oc/thach-thuc-tu-quan-ly-quy-hoach-dan-cu-1308236.tpo