Thách thức và cơ hội

Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đang được thực hiện. Ban đầu, xã hội vui mừng cho rằng sẽ là thông thoáng, cởi mở tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà giáo tâm huyết với giáo dục (GD) nỗ lực biên soạn sách tốt nhất cho giáo viên (GV), học sinh (HS) lựa chọn để giảng dạy, học tập đạt kết quả cao nhất theo mục tiêu chương trình GD quốc gia.

Nhưng do nhiều vấn đề về cách phát hành, quyền lựa chọn, giá cả, lợi nhuận làm cho xã hội lo lắng, cha mẹ HS băn khoăn hoài nghi và Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) biên soạn một bộ sách giáo khoa coi như là của nhà nước - phải bảo đảm sự chuẩn mực, khoa học, sư phạm và cả kinh tế để HS được hưởng thụ và xã hội tin tưởng về GD nước nhà.

Vậy thì Bộ GD-ĐT chấp hành và tiến hành để chuẩn bị cho bộ sách do cơ quan quản lý cao nhất của GD biên soạn. Đây phải coi như là một thách thức cho các nhà quản lý mà cũng là cơ hội cho Bộ GD-ĐT chứng tỏ ở tầm vĩ mô thể hiện trí tuệ, học thuật trong thời đại khoa học tiến bộ nhanh từng ngày.

Công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi cuộc sống vật chất và tinh thần nhân loại. Chính GD có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành văn hóa cho con người Việt Nam.

Việc Bộ GD-ĐT biên soạn sách giáo khoa, tôi xin được góp ý:

1. Các chuyên gia ở Vụ GD Tiểu học, Vụ GD Trung học cần xem xét, đọc và nghiên cứu, phân tích các bộ sách đã được phát hành. Biên soạn sách mới không phải là chuyện thay đổi ngữ liệu. Một mục tiêu phải có nhiều con đường đi đến một cách tốt nhất và hiệu quả cao nhất để giáo dục HS khi tốt nghiệp phổ thông trở thành công dân hiện đại.

2. Bộ cần nghiên cứu thật khoa học về sách giáo khoa các nước có nền giáo dục tiên tiến. Từ hình thức, nội dung, giáo học pháp, biên soạn, thẩm định và phát hành.

3. Bộ GD-ĐT thông báo đề cương, cơ cấu, hình thức bộ sách mới. Mời các nhà giáo, những học giả có tâm huyết với giáo dục soạn sách và gửi về bộ để chọn lọc. Sách không được chọn nhưng cũng được trả tiền thù lao. Sách được chọn công bố mức nhuận bút công khai. Tất cả phải thật minh bạch.

4. Bộ GD-ĐT phải coi đây là trách nhiệm và là công trình trọng điểm mang tính lịch sử của GD, như bộ sách của ông Trần Trọng Kim trong bước đầu của GD Việt Nam. Bộ sách được bộ biên soạn phải đổi mới căn bản, toàn diện từ hình thức, nội dung, phương pháp giảng dạy, thật đặc sắc trên nền tảng kinh nghiệm, uy tín học thuật mà các bộ sách trước đây chưa đạt được và thừa hưởng kinh nghiệm của các nền GD tiên tiến trên thế giới. Tuyệt đối không làm cho có bộ sách là hoàn thành nghị quyết Quốc hội giao cho.

5. Từ bộ sách này, thay đổi triệt để về phương pháp dạy học, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện. Nên coi sản phẩm học sinh đạt được là trí tuệ của chính các em làm ra từ nền GD mà các em được học tập trong thời đại công nghệ.

Giáo dục Việt Nam, nhân dân Việt Nam mong chờ, hy vọng Bộ GD-ĐT đem lại làn gió tràn đầy năng lượng cho thời đại.

LÊ NGỌC ĐIỆP (nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/thach-thuc-va-co-hoi-2023092421400093.htm