Thách thức với diễn viên phim truyền hình

Trong bối cảnh số lượng phim truyền hình sụt giảm đáng kể, một thực tế đặt ra với rất nhiều diễn viên, đó là làm sao có được vai diễn ổn định. Giải bài toán đó có lẽ chỉ gói gọn trong hai chữ: chất lượng.

Nhiều diễn viên tên tuổi đến tham gia casting dự án Vua bánh mì phiên bản Việt

Nhiều diễn viên tên tuổi đến tham gia casting dự án Vua bánh mì phiên bản Việt

Cạnh tranh cao

Buổi casting (thử vai) của bộ phim Vua bánh mì phiên bản Việt vừa được tổ chức trong 3 ngày và thu hút sự chú ý của rất nhiều các diễn viên tên tuổi cũng như các bạn trẻ. Có thể kể đến: Quang Tuấn, Hà Trí Quang, Liên Bỉnh Phát, Thùy Anh, B Trần, Ngọc Thanh Tâm, Hạ Anh, Bạch Công Khanh, Khắc Minh… Có thể nói, đây là đợt thử vai rầm rộ. Mong muốn của đạo diễn Nguyễn Phương Điền là chọn được gương mặt phù hợp cho tác phẩm mới của mình. Dĩ nhiên, khi đến thử vai không chỉ các gương mặt trẻ mà ngay cả những diễn viên đã có tên tuổi đều mong có được các vai diễn quan trọng trong phim.

Chia sẻ tại buổi casting, diễn viên trẻ Hạ Anh, cho biết: “Để có được vai diễn cần sự cố gắng rất lớn. Thậm chí, có những dự án phải thử vai nhiều lần để đạo diễn tin tưởng và trao cho mình vai diễn đó. Tính cạnh tranh cao khiến tôi lo lắng vì không biết bản thân có được bao nhiêu phần trăm cơ hội nhận vai. Điều đó càng thúc đẩy tôi phải cố gắng hơn nữa và không được phép lơ là”.

Thực tế cho thấy, phim truyền hình đang ở giai đoạn co cụm về mặt số lượng. Đại diện Mega GS, đơn vị vẫn đang trụ vững ở lĩnh vực sản xuất phim truyền hình, cho biết: “So với thời hoàng kim, đơn vị chúng tôi từng sản xuất hàng ngàn tập phim, năm nay số lượng giảm đi đáng kể, chỉ còn trên dưới 200 tập. Không thể không thừa nhận phim truyền hình đang ở giai đoạn khó khăn. Vì giờ phát sóng phim Việt, ngoài các khung giờ quen thuộc trên sóng VTV, HTV, Truyền hình Vĩnh Long…, đã ít đi rất nhiều”. Nhiều đơn vị đình đám trước đây như: MT Pictutes, Vietcomfilm, Senafilm… cũng đã cắt giảm và chuyển hướng sang làm gameshow, truyền hình thực tế.

Khi số lượng phim giảm, một điều tất yếu là số lượng vai diễn của các diễn viên cũng giảm đi. Những diễn viên có cơ hội thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, đặc biệt trong các dự án giờ vàng cũng không phải quá nhiều. Và cảnh diễn viên cùng lúc tham gia vài dự án khác nhau như giai đoạn trước đây, giờ không còn phổ biến. Thậm chí, nhiều người phải làm thêm các công việc khác: Tham gia web drama, làm phim sitcom, kinh doanh, thậm chí cả buôn bán hàng trên mạng.

Tại buổi ra mắt bộ phim truyền hình Trà táo đỏ, diễn viên Quỳnh Lam phải thừa nhận: “Phim truyền hình khó khăn, không ít diễn viên lâm vào cảnh thất nghiệp”.

Hai thái cực song song

Đạo diễn Nhâm Minh Hiền khẳng định một thực tế tưởng chừng như trái ngược: “Nếu có tay nghề tốt, những người làm truyền hình vẫn đắt show. Điều đó đặt ra một vấn đề: Khi lượng không nhiều, chất lượng phải tốt”. Đồng quan điểm đó, theo đạo diễn Nguyễn Phương Điền: “Ai cũng nói thị trường đi xuống, co cụm, YouTube lên ngôi. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi việc co cụm ở đây là vì sản xuất không có lời nên buộc các hãng phải giảm về mặt số lượng, thậm chí là đóng cửa. Hãng phim nào làm ra những sản phẩm không chất lượng, buộc lòng phải rời cuộc chơi, không được các nhà đài tin tưởng. Trong khi đó, với các diễn viên, nếu bảo chứng được lượng người xem (rating), tay nghề không bị mai một vẫn có vai diễn ổn định. Trên thực tế, còn nhiều nghệ sĩ vẫn trụ được với nghề. Quan điểm của tôi là khán giả không bao giờ bỏ mình, chỉ có mình tự bỏ khán giả”.

Luận điểm này tưởng chừng phi lý nhưng thực tế đã chứng minh, nó vẫn tồn tại trên thị trường phim truyền hình hiện nay. Có thể kể đến các gương mặt diễn viên: Mạnh Trường, Hồng Đăng, Bảo Thanh, Phương Oanh, Thanh Hương, Bình An, Huỳnh Anh… vẫn xuất hiện thường xuyên trong các phim giờ vàng của VTV. Ở phía Nam: Hà Trí Quang, Thân Thúy Hà, Thúy Diễm, Lương Thế Thành, Quang Tuấn, Quốc Trường, Hải Băng, Thanh Trúc, Ngân Quỳnh, Lê Phương, Xuân Văn… vẫn được các đạo diễn tên tuổi tin tưởng lựa chọn.

Nhưng để được các đơn vị sản xuất, nhà đài, khán giả tin tưởng, chất lượng vai diễn chính là yếu tố tiên quyết. Bản thân các đạo diễn buộc lòng có sự chọn lọc khắt khe. Do đó, các diễn viên luôn phải tự ý thức hết mình cho mỗi vai diễn, thậm chí không ngại đổ nước mắt, máu trên phim trường. Diễn viên Hạ Anh tự đặt ra cho mình câu hỏi: “Ít phim không phải quá khủng hoảng, vì quan trọng mình sẽ chăm chút, đầu tư cho bộ phim như thế nào”. Huỳnh Trường Thịnh, người đảm nhận vai nam chính trong Mùa cúc Susi, tâm sự: “Ở ngoài đời, em có học võ nhưng khi vào vai, thực hiện những cảnh hành động phải tập đi, tập lại rất nhiều lần. Vai diễn này cũng có rất nhiều chuyển biến về mặt tâm lý, thách thức đặt ra là làm sao phải diễn vừa không quá lố nhưng cũng không được hời hợt”.

Kể về những câu chuyện trên phim trường, nhiều diễn viên có những kỷ niệm nhớ đời. Tại lễ ra mắt phim Trà táo đỏ, ê kíp diễn viên không ngại “kể khổ”. Diễn viên Thủy Cúc bị bạn diễn xô ngã, bầm tím mất vài ngày. Diễn viên Kim Lợi trải qua cảm giác bị chôn sống dưới lòng đất. Diễn viên Công Danh hay Quỳnh Lam khi diễn cảnh lăn trên đồi chè, cơ thể bị không ít bầm dập. Trước đó, khi tham gia phim Hoa cúc vàng trong bão, phần lớn thời gian trên phim trường, diễn viên Khánh Hiền phải đeo lớp hóa trang dày trên mặt vì nhân vật của cô bị tạt axit. Sam từng tiết lộ, cảnh nhảy sông trong Nếu còn có ngày mai từng khiến cô phải uống không biết bao nhiêu nước. Diễn viên Lan Ngọc khi tham gia Mối tình đầu của tôi, mái tóc gần như bị rụng hết vì vai diễn yêu cầu nhân vật thay đổi kiểu tóc thường xuyên. “Suốt 3 tháng, mỗi ngày đều làm xoăn tóc, rồi làm thẳng ra bằng máy làm nóng, khiến tóc tổn thương toàn bộ. Tóc tôi hư đến 80% và rụng gần hết cả đầu, đến bây giờ, sau 2 năm rồi vẫn chưa hoàn toàn hồi phục”, nữ diễn viên tâm sự.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thach-thuc-voi-dien-vien-phim-truyen-hinh-579855.html