Thái Bình: Chú trọng, đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian qua, bình quân mỗi năm tỉnh Thái Bình đã tạo việc làm mới cho hơn 30 nghìn người lao động làm việc tại địa phương. Cùng với đó là việc phân bổ hợp lý nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, do vậy nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình đã và đang phát triển sản xuất, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống về cả vật chất lẫn tinh thần của người dân trong toàn tỉnh.

Với đặc thù là tỉnh có diện tích hẹp nhưng mật độ dân cư đông đúc đem lại nguồn nhân lực tương đối dồi dào với hơn 33 nghìn lao động/năm. Do đó, nhu cầu về việc làm của người lao động trên địa bàn là tương đối lớn, đây là một bài toán khó đối với tỉnh Thái Bình. Chính vì thế trong nhiều năm trở lại đây, công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã và đang được các cấp, các ngành và tỉnh Thái Bình đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Nhiều giải pháp đồng bộ đã được tỉnh Thái Bình đưa ra như: Đẩy mạnh việc kết nối với nhiều tỉnh thành lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh…vv trong việc thu hút lao động vào các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổ chức nhiều hội nghị giới thiệu Luật lao động, chính sách việc làm; các phiên giao dịch giới thiệu việc làm được tổ chức ngày một nhiều và hiệu quả, góp phần tạo nên một lượng lớn việc làm cho người lao động.

Trong vai trò là đơn vị chủ lực trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, những năm qua Sở Lao động Thương binh- Xã hội tỉnh Thái Bình đã làm tốt vai trò cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp. Người lao động mỗi khi tìm tới đây đều được đội ngũ cán bộ, nhân viên đơn vị nhiệt tình hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn các thủ tục một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Ngoài ra nguồn việc làm được tạo ra từ vốn vay Quỹ về việc làm tại Thái Bình là rất lớn. Thời gian qua, hoạt động cho vay của Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm, nay gọi là Quỹ quốc gia về việc làm góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế mới, hoạt động cho vay vốn tạo việc làm từ nguồn quỹ này cần có sự đổi mới để phù hợp với thực trạng xã hội. Quỹ quốc gia về việc làm được sử dụng cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Với nguồn vốn bổ sung và thu hồi hằng năm, các ngành chức năng của tỉnh: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các địa phương phối hợp với các hội đoàn thể (Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên Cộng sản HCM, Hội Cựu chiến binh, Liên minh Hợp tác xã) xây dựng kế hoạch, triển khai, giám sát việc sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng quy định và mục tiêu của Chương trình; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút và tạo việc làm cho người lao động.

/**/ Nhiều lao động tỉnh Thái Bình đã được tạo việc làm tại chỗ trong các khu công nghiệp của tỉnh.

/**/ Nhiều lao động tỉnh Thái Bình đã được tạo việc làm tại chỗ trong các khu công nghiệp của tỉnh.

Hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các ngành, đơn vị liên quan đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia việc làm, xác định trách nhiệm của các bên và đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm nhằm đảm bảo mục tiêu của chương trình, đảm bảo an toàn vốn theo quy định. Năm 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức tuyên truyền hướng dẫn chính sách hỗ trợ việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm đến 2.500 cán bộ cấp huyện, cấp xã và trưởng thôn (tổ trưởng dân phố) để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ cơ sở trong việc bình xét, cho vay và quản lý nguồn vốn.

Hiện nay, tổng nguồn vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm tỉnh Thái Bình đang quản lý là 67,855 tỷ đồng; số dự án vay vốn là 3.396 dự án (trong đó 02 dự án của cơ sở sản xuất kinh doanh, 3.394 dự án của người lao động). 8 tháng đầu năm 2020 đã thẩm định 298 dự án cho vay 16,37 tỷ đồng (bình quân gần 55 triệu đồng/dự án), hỗ trợ việc làm mới cho 353 người.

Hiệu quả từ thực tế thực hiện chương trình đã được khẳng định, trong đó các dự án nổi bật, trở thành mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu tại địa phương như: Hợp tác xã thủy tinh Hồng Quang của bà Nguyễn Thị Hòa vay vốn với số tiền 1 tỷ đồng đã tạo việc làm cho 20 lao động; cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi của bà Phạm Thị Hồng Oanh vay vốn với số tiền là 195 triệu đồng đã tạo việc làm cho 02 lao động. Công tác thu hồi nợ được quan tâm và chú trọng thực hiện tương đối hiệu quả. Tỷ lệ nợ quá hạn hiện nay là 0,57%.

Lao động ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh H.NAM

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm còn một số khó khăn là: Nguồn vốn cho vay hạn chế trong khi nhu cầu vay vốn của cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động nhiều. Cơ cấu cho vay chưa đồng đều, chủ yếu là các dự án của người lao động vay vốn để duy trì và mở rộng việc làm tại hộ gia đình, chưa có nhiều dự án của người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chưa có nhiều dự án vay vốn của cơ sở sản xuất kinh doanh. Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, thiên tai, dự báo phát sinh thêm một số dự án chăm nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản thuộc diện khó thu hồi vốn. Công tác phối hợp quản lý cho vay giữa phòng chuyên môn, đoàn thể và hệ thống ngân hàng ở một số huyện và cơ sở chưa chặt chẽ, chất lượng chưa cao. Công tác thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm chưa thường xuyên...

Thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục kiến nghị với Trung ương phân bổ thêm nguồn vốn cho địa phương, đề nghị tỉnh dành một phần ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hành Chính sách xã hội để cho cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Tham mưu cho tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp cùng các tổ chức, đoàn thể, địa phương cơ sở bám sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các huyện, thành phố để định hướng cho vay đối với những dự án thu hút nhiều việc làm, dự án của người lao động thuộc hộ chính sách, hộ có đất thu hồi. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tại cơ sở, tháo gỡ khó khăn, không để nợ quá hạn tăng thêm.

Minh Giang

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/thai-binh-chu-trong-day-manh-cong-tac-giai-quyet-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-tu-nguon-quy-quoc-gia-ve-viec-lam-a340066.html