Thái Bình: Công nghiệp sẽ tăng trưởng 25% năm 2009

(VEN) - Thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nhưng Thái Bình vẫn là một trong số những địa phương có mức tăng trưởng kinh tế khá. Phó giám đốc Sở Công Thương Thái Bình Vũ Quang Tuấn đã có trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế Việt Nam về tình hình phát triển công nghiệp của tỉnh trong thời gian qua và hướng phát triển trong thời gian tới.

Ông Vũ Quang Tuấn Xin ông cho biết tình hình phát triển kinh tế những tháng đầu năm của tỉnh Thái Bình? Những tháng đầu năm, Thái Bình chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế. Đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu. Năm 2009, kế hoạch xuất khẩu đề ra là sẽ đạt mức 270 triệu USD nhưng 6tháng đầu năm chỉ đạt 110 triệu USD. Tuy nhiên, những tháng tiếp theo, tình hình kinh tế đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.443 tỷ đồng, tăng 16,44% so với cùng kỳ năm 2008. Giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm đạt mức 219,164 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã bắt đầu tìm kiếm được hợp đồng, tăng cường sản xuất, đẩy giá trị xuất khẩu tăng lên. Đến cuối năm dự kiến kim ngạch xuất khẩu có thể đạt mức 296 triệu USD, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Để đạt được những kết quả ấy, tỉnh đã có những biện pháp cụ thể gì, thưa ông? Đầu tiên, phải khẳng định rằng nguồn vốn kích cầu của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng đối với sự phát triển kinh tế của toàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp Thái Bình được vay vốn đã khắc phục được khó khăn và đẩy mạnh sản xuất. Bên cạnh đó, những giải pháp tháo gỡ khó khăn của tỉnh cũng đã có tác dụng rõ rệt. Trong những tháng đầu năm, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngân hàng, thuế, tài chính... Như Sở Công Thương đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu như dệt (141 doanh nghiệp), may (51 doanh nghiệp), sành sứ, thủy tinh, cơ khí, các doanh nghiệp dịch vụ… Nhiều doanh nghiệp Thái Bình hiện vẫn gặp khó khăn trong xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vì đòi hỏi phải có kiến thức về thị trường cũng như có điều kiện tham gia hội chợ. Do đó, tỉnh đã mở những lớp đào tạo kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, mời các chuyên gia kinh tế về bồi dưỡng cho chủ doanh nghiệp về môi trường kinh doanh, thị trường, đào tạo nghiệp vụ cho kế toán… Tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Thái Bình trong xúc tiến thương mại như: tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia hội chợ, có điều kiện tiếp xúc với nhiều bạn hàng để tìm kiếm hợp đồng, tháo gỡ khó khăn… Trong thời gian tới, để tăng cường hơn nữa những thành quả đã đạt được, mục tiêu cụ thể đặt ra cho phát triển công nghiệp toàn tỉnh là gì, thưa ông? Đối với phát triển công nghiệp Thái Bình, tỉnh đã đề ra hai mục tiêu chính trong thời gian tới là thúc đẩy phát triển công nghiệp tập trung và phát triển công nghiệp làng nghề. Các kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ của tỉnh đều được gắn với quy hoạch phát triển nông thôn mới. Trong đề án phát triển thương mại đến năm 2010, tỉnh đề ra mục tiêu là đẩy mạnh phát triển hệ thống chợ, siêu thị. Đến năm 2020 cơ bản mỗi xã phải có 1 chợ. Hiện nay, tỉnh đã có 280 chợ loại 1,2,3, chợ đầu mối. Chính sách phát triển chợ đầu mối cung cấp và tiêu thụ hàng nông sản thực phẩm là ưu tiên của tỉnh. Tỉnh đã đề ra những biện pháp cụ thể gì để hoàn thành mục tiêu ấy, thưa ông? Để đạt được những mục tiêu đặt ra, hướng thứ nhất là Thái Bình sẽ đẩy mạnh công nghiệp tập trung, tích cực thu hút các dự án đầu tư, chú trọng đến các dự án có suất đầu tư và giá trị sản xuất lớn. Các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm như sản xuất tôm đông lạnh xuất khẩu thời gian tới dự kiến vẫn sẽ cho tăng trưởng ở mức cao. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ, đẩy mạnh phát triển các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm để tiêu thụ sản phẩm cho người dân và phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, những dự án mới, có suất đầu tư lớn cũng đang được triển khai. Như dự án nhà máy 50 triệu lít bia…khi đi vào triển khai hoạt động dự kiến sẽ cho giá trị cao. Nhà máy thép Shengly năm nay đã cho sản lượng 200 ngàn tấn, đạt giá trị khoảng 1500 tỷ đồng.. Dự kiến, năm 2009, công nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng 25%. Hướng thứ hai là Thái Bình cũng sẽ tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp làng nghề. Hiện Thái Bình có 219 làng nghề được tỉnh cấp bằng công nhận, trong đó có khoảng 270 doanh nghiệp làng nghề. Nhiều doanh nghiệp trong số đó là những doanh nghiệp đầu tàu cho xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh việc phát triển những nghề truyền thống là thế mạnh của tỉnh như: thêu, dệt, mây tre đan…,tỉnh cũng đã và đang có kế hoạch đưa một số nghề mới vào phát triển như chế tác đá mỹ nghệ, sản xuất mi mắt giả. Để tăng sức cạnh tranh, Thái Bình đang tích cực xây dựng những thương hiệu sản phẩm làng nghề như chiếu Tân Lễ … Một trong những khó khăn lớn của Thái Bình là các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tuy phát triển nhưng lại chưa có vùng nguyên liệu. Do vậy, trong kế hoạch từ năm 2015 đến 2020, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các khu nguyên phụ liệu công nghiệp. Hiện nay Thái Bình đã có 7 khu công nghiệp (KCN), 18 cụm công nghiệp (CCN), 20 điểm công nghiệp (ĐCN) làng nghề. Trong đó, đã có 351 dự án đầu tư vào các KCN, ĐCN, CCN này với số vốn khoảng 80.000 tỷ đồng và đã có 258 dự án đã được triển khai. Để tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa, một số dự án về giao thông đã và đang được triển khai như dự án đường 39 từ thành phố xuống Tiền Hải, đường vành đai phía Nam, đường từ đập Hồ Quỳnh nối ra Hải Phòng, đường nối giữa Thái Bình – Hà Nam … Trong đó, dự án kè cảng Diêm Điền khi hoàn thành có thể tạo ra một quỹ đất khoảng 23 000 ha, tương đương với một huyện của Thái Bình. Khu đất này sẽ được dành cho phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mà không liên quan gì đến đất nông nghiệp của bà con. Xin cảm ơn ông! Phương Lan

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/news/detail/tabid/77/newsid/10012/language/vi-vn/default.aspx?seo=thai-binh-cong-nghiep-se-tang-truong-25%25-nam-2009