Thái Bình: Đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý các bến bãi VLXD không phép

Hoạt động kinh doanh bến bãi trái phép, vi phạm luật đê điều, gây bụi bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường làm đảo lộn cuộc sống người dân...nhưng chính quyền lại đẩy trách nhiệm cho nhau trong vấn đề xử lý các bến bãi này.

Hoạt động kinh doanh bến bãi trái phép, vi phạm luật đê điều, gây bụi bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường làm đảo lộn cuộc sống người dân... tưởng rằng sau khi PhapluatNet đăng tải bài về các đơn vị, hộ kinh doanh bến bãi, tập kết VLXD không phép, gây ảnh hưởng môi trường dọc bờ sông Trà Lý, TP. Thái Bình phải vào cuộc kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm các đơn vi vi phạm này. Tuy nhiên đến nay, các đơn vị tập kết VLXD không bị xử lý, mà hoạt động ngày nhộn nhịp hơn.

Được biết hiện nay trên địa bàn TP Thái Bình có 49 điểm kinh doanh bến bãi thì có tới 35 điểm kinh doanh tập kết vật liệu xây dựng không có giấy phép hoạt động. Điều đáng chú ý là các bến bãi này nằm ngay trong khu vực an toàn hành lang đê điều, phòng chống lụt bão. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đến nay không nghiêm túc thực hiện chỉ thị số 30 của UBND tỉnh Thái Bình kí ngày 01/12/2017 về việc tăng cường công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tình trạng xe chở cát sỏi, đá không được che chắn hoặc che chắn mang hình thức đối phó vẫn diễn ra giữa ban ngày. Tình trạng cát, đá, sỏi rơi vãi đầy đường, bụi phủ kín nhà dân khiến dọc bờ sông Trà Lý trên địa bàn TP. Thái Bình trông giống như một đại công trường gây mất mỹ quan khu vực.

Một tuyến đường bị cày nát và gây bụi bẩn nghiêm trọng do các xe chở VLXD gây ra.

Dân than khổ, chính quyền kêu khó

Gánh hệ lụy nối dài của các bến bãi tập kết, kinh doanh VLXD có lẽ là các hộ dân sống dọc tuyến đê sông Trà Lý đoạn thuộc địa bàn TP Thái Bình vì nhiều xe tải cỡ lớn ra, vào bụi bay mù mịt. Chị N.V.A thuộc xã Vũ Lạc cho biết, ngày nào chị cũng đi làm qua tuyến đê này, dù có khẩu trang cẩn thận nhưng bụi vẫn bám đen sì. Thời gian gần đây, xe chở cát, sỏi hoạt động nhiều so với 1-2 năm trước, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Điều đáng nói, những xe chở VLXD hoạt động không kể ngày hay đêm.

Làm việc với UBND xã Vũ Lạc, ông chủ tịch xã cho biết: "Về thủ tục pháp lý để được hoạt động bến bãi theo pháp luật thì đều… không đầy đủ, trong quá trình hoạt động có nhiều vi phạm. Biết là thế nhưng việc xử lý vi phạm rất khó khăn vì nhiều khi không thuộc thẩm quyền của xã. Do vậy, xã kiến nghị UBND TP Thái Bình sớm đưa ra các giải pháp đồng bộ để chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến bến bãi hoạt động không phép".

Cùng quan điểm nói trên, ông Vũ Đức Huyền, Chủ tịch UBND xã Vũ Đông thông tin, trên địa bàn xã có 6 hộ cùng đứng ra làm bãi tập kết, trung chuyển VLXD được UBND tỉnh cấp phép. Tuy xã là cơ quan trực tiếp quản lý về mặt hành chính nhưng thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm thì lại không có.

Khi có đoàn thanh tra, kiểm tra về làm việc, hầu như xã chỉ tham gia với tư cách là đại diện chính quyền cơ sở. Mặc dù vậy, thời gian qua để đảm bảo công tác giữ gìn ANTT, bảo vệ môi trường, cán bộ xã cũng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình. Khi phát hiện vi phạm, phường đều có kiến nghị, đồng thời tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định pháp luật.

Dọc bờ sông Trà Lý trên địa bàn TP Thái Bình trông giống như một đại công trường.

Xác định rõ trách nhiệm của cấp cơ sở

Làm việc với UBND TP Thái Bình, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó trưởng phòng Kinh tế TP Thái Bình cho biết: "Theo quyết định số 1983 của UBND tỉnh Thái Bình về phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch bến bãi trung chuyển, kinh doanh cát và vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020. Chúng tôi cũng nhiều lần ra các văn bản chỉ thị các xã phường thực hiện đúng theo chủ trương của tỉnh. Nhưng hiện nay trên địa bàn TP Thái Bình nhu cầu xây dựng nhiều nên tình trạng bến bãi hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường là điều không tránh khỏi. Chúng tôi đang đề xuất dồn tất cả các bến bãi về phía xã Vũ Đông, bây giờ dừng hết các bến bãi rất là khó. Nhiều lần chúng tôi đã cắt điện, nước tại các điểm kinh doanh không phép nhưng vẫn không thực hiện được. Còn vấn đề cưỡng chế thì chúng tôi vượt thẩm quyền, bây giờ không thể giải quyết được trong một vài ngày. Chúng tôi đã dùng các biện pháp tuyên truyền và yêu cầu công an xử phạt thật nghiêm với các trường hợp vi phạm. Bây giờ thẩm quyền xử phạt chúng tôi sẽ làm rõ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm rõ trách nhiệm thẩm quyền. Chúng tôi sẽ kiến nghị với Sở Nông nghiệp và chi cục Thủy lợi sẽ dẹp bỏ từng bến bãi".

Làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo chi cục quản lý Đê điều Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho rằng: "Việc xử lý các trường hợp vi phạm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Đồng thời phải xử lý nghiêm tình trạng cá nhân, xã, phường ký kết cho thuê đất không đúng thẩm quyền; phải thanh lý, hủy bỏ ngay các hợp đồng cho thuê đất làm bến bãi kinh doanh. Đã nhiều lần Sở Nông nghiệp gửi công văn yêu cầu các ban ngành vào cuộc ngăn chặn xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi ngoài bãi sông, ven biển, phạm vi bảo vệ công trình đê điều thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Quan điểm của chúng tôi là sẽ làm hết sức tham mưu cho các cấp có thẩm quyền phối hợp chặt chẽ để xử lý. Chúng tôi đã ra nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể từng địa phương đặc biệt trong mùa mưa lũ, hướng sắp tới chúng tôi sẽ làm quyết liệt. Liên tục UBND tỉnh đã ra nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này.

Hoạt động bến bãi trái phép không chỉ gây thất thoát nguồn thu thuế lớn mà còn kéo theo những hệ lụy về môi trường, hư hỏng đường giao thông trong khu vực".

Khi đi khảo sát dọc bờ sông trà lý, PV PhapluatNet thấy nhiều nhà hàng được xây dựng ngay trong hành lang bảo vệ đê. Trong khi đó Trạm CSGT Đường thủy TP. Thái Bình nằm ngay sát bên cạnh cho thấy sự thiếu trách nhiệm giám sát và xử lý của các cơ quan chức năng.

Nhiều nhà hàng được xây dựng ngay trong hành lang bảo vệ đê ngay sát trạm CSGT Đường thủy TP. Thái Bình.

Thiết nghĩ, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an sinh xã hội, về tài nguyên khoáng sản, bảo vệ an toàn cho các tuyến đê trước mùa mưa bão, chính quyền tỉnh Thái Bình cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát, kinh doanh vật liệu xây dựng ở các bến bãi ven sông Trà Lý.

Sương Sương

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.vn/ban-doc-bao-tin/thai-binh:-dun-day-trach-nhiem-trong-xu-ly-cac-ben-bai-vlxd-khong-phep-45628.html