Thái Bình: Giải quyết thấu đáo vấn đề đất đai tại huyện Vũ Thư

Đa số người dân tham gia dựng lán trại, chặn cổng ra vào Công ty muốn đòi hỏi quyền lợi liên quan đến đất bị thu hồi, chuyển cho Công ty cổ phần gốm xây dựng Đại Thắng.

Người dân dựng lán trại ở cổng ra vào Công ty cổ phần gốm xây dựng Đại Thắng. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Người dân dựng lán trại ở cổng ra vào Công ty cổ phần gốm xây dựng Đại Thắng. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Nhiều ngày qua, hàng chục hộ dân thuộc thôn Nẽ Châu và Ngũ Lão của xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, đã dựng lán trại, chặn cổng ra vào của Công ty cổ phần gốm xây dựng Đại Thắng để gây sức ép, đòi quyền lợi về đất đai.

Việc làm này không chỉ gây mất an ninh trật tự tại địa phương mà còn khiến sản xuất của Công ty bị đình trệ.

Ông Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc Công ty cổ phần gốm xây dựng Đại Thắng, cho biết người dân chặn cổng ra vào Công ty hơn 10 ngày nay khiến sản xuất bị đình trệ vì không xuất được hàng.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty chưa chậm lương công nhân nhưng trước sự việc này Công ty có thể sẽ phải chậm trả lương cho công nhân.

Đa số người dân tham gia dựng lán trại, chặn cổng ra vào Công ty muốn đòi hỏi quyền lợi liên quan đến đất bị thu hồi, chuyển cho Công ty cổ phần gốm xây dựng Đại Thắng. Người dân cho rằng họ chỉ cho Công ty thuê quyền sử dụng đất đến hết năm 2013.

Sau năm 2013 nếu Công ty muốn tiếp tục sử dụng thì phải thỏa thuận lại với các hộ dân để thuê tiếp hoặc Ủy ban Nhân dân xã phải chia lại ruộng cho các hộ dân.

Là một trong số những người dân này, ông Nguyễn Văn Thiểm, thôn Nẽ Châu, xã Hòa Bình, cho biết năm 2005 để phục vụ công tác thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất gốm tại địa phương, thôn Nẽ Châu đã họp để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân cũng như các phương án đền bù.

Cuộc họp có sự tham gia của Ủy ban Nhân dân xã, đại diện Công ty và nhân dân trong thôn. Sau đó, gia đình ông và các hộ dân trong thôn đã nhận tiền đền bù với mức giá 10,5 triệu đồng/sào và số tiền này chỉ là thuê quyền sử dụng đất đến năm 2013.

Cùng chung nỗi niềm như ông Thiểm, ông Nguyễn Văn Cần thôn Nẽ Châu, xã Hòa Bình, cho biết sau khi thống nhất các phương án đền bù, hỗ trợ, người dân tại địa phương đã lên Ủy ban Nhân dân xã Hòa Bình để ký nhận tiền, không làm đơn xin trả lại ruộng.

Gần đây, khi làm việc với các cơ quan chức năng, ông Cần và người dân trong thôn mới tiếp cận được những tờ đơn xin trả lại ruộng nhưng những tờ đơn này có dấu hiệu giả mạo.

Các xe tải không thể vào trong Công ty cổ phần gốm xây dựng Đại Thắng để lấy hàng do người dân dựng lán trại ở cổng ra vào. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Những người dân nơi đây cũng đã cung cấp cho phóng viên biên bản họp thôn Ngũ Lão ngày 20/9/2005, có nội dung ông Nguyễn Quang Thấu, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hòa Bình, trả lời các ý kiến của nhân dân trong thôn rằng: “Công ty mua quyền sử dụng đất đến năm 2013, sau năm 2013 do Nhà nước quyết định.”

Còn tại biên bản họp thôn Nẽ Châu, trong phần ý kiến của người dân trong thôn có nội dung: 91 hộ dân thống nhất hoàn toàn theo dự án mà Công ty đã thông qua, 91 hộ dân thống nhất với mức giá 10,5 triệu đồng/sào trong 8 năm (cho đến hết năm 2013).

Ông Nguyễn Văn Cần cũng cung cấp cho phóng viên một số tờ đơn của người dân xin trả lại ruộng, trong đơn không ghi ngày tháng và nhiều tờ đơn được đóng dấu của Ủy ban Nhân dân xã trước rồi mới ký đè lên.

Thông tin về vấn đề này, lãnh đạo Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện và ông Đặng Hồng Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vũ Thư, cho biết từ năm 2005, Công ty cổ phần gốm xây dựng Đại Thắng triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch lát và ngói cao cấp.

Dự án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình phê duyệt và giao cho Ủy ban Nhân dân huyện Vũ Thư lập phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Thực hiện dự án, Ủy ban Nhân dân huyện Vũ Thư đã tiến hành thu hồi diện tích đất nông nghiệp của 144 hộ dân gồm 93 hộ dân thôn Nẽ Châu và 51 hộ dân thôn Ngũ Lão.

Ngày 2/3/2006, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình có quyết định số 381/QĐ-UBND về việc thu hồi 54.555m2 đất (trong đó có 49.788m2 của các hộ gia đình còn lại là đất của xã Hòa Bình).

Ngày 20/3/2006, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình có quyết định số 464/QĐ-UBND cho Công ty Cổ phần gốm xây dựng Đại Thắng thuê 49.706m2 để xây dựng nhà máy sản xuất gạch lát và ngói cao cấp, thời gian thuê đất đến hết ngày 31/12/2035.

Ông Đặng Hồng Kỳ cho biết trước việc người dân tập trung, dựng lán trại, chặn cổng ra vào Công ty Cổ phần gốm xây dựng Đại Thắng những ngày gần đây, lãnh đạo huyện Vũ Thư và các ban, ngành liên quan đã trực tiếp xuống cơ sở tổ chức đối thoại với người dân để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Thực hiện theo đề nghị của người dân được tiếp cận, đối chiếu với các tài liệu gốc trong công tác thu hồi, đền bù đất và đối thoại trực tiếp với nguyên lãnh đạo của xã, thôn công tác ở thời điểm thu hồi đất, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vũ Thư đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan cho người dân được xem trực tiếp, chụp ảnh, ghi hình đầy đủ giấy tờ gốc.

Đồng thời, người dân cũng đã được đối thoại trực tiếp với nguyên lãnh đạo xã, thôn, nhưng vẫn chưa đồng thuận.

Về vấn đề người dân cho rằng chỉ cho doanh nghiệp thuê đến năm 2013, sau năm 2013 nếu Công ty muốn tiếp tục sử dụng thì phải thỏa thuận với các hộ dân để thuê tiếp hoặc Ủy ban Nhân dân xã phải chia lại ruộng cho các hộ dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vũ Thư khẳng định điều này là không có cơ sở.

Bởi theo ông Đặng Hồng Kỳ, quy định tại Khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai năm 2013 quy định Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Luật Đất đai năm 2013 không quy định việc chia lại đất, tại Điểm a Khoản 2 Điều 131 quy định “Hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này.”

Còn tại biên bản họp các thôn có đề cập đến nội dung cho thuê đến năm 2013 nhưng đó chỉ là nội dung phát biểu ý kiến của nhân dân trong thôn tại cuộc họp, không phải là ý kiến của doanh nghiệp hay ý kiến kết luận của cuộc họp. Và với mức hỗ trợ, đền bù 10,5 triệu đồng/sào theo quy định ở thời điểm đó đồng nghĩa với việc người dân sẽ không còn quyền lợi gì về đất từ thời điểm bị thu hồi về sau, ông Đặng Hồng Kỳ cho biết thêm.

Về nội dung người dân cho rằng các đơn xin trả lại ruộng đất là giả, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vũ Thư cho biết một số tờ đơn không có ngày tháng và chữ ký đè lên dấu, nhưng đó chỉ là lỗi của văn bản hành chính.

Ông Đặng Hồng Kỳ khẳng định nếu gia đình nào cho rằng đơn xin trả lại ruộng của mình là giả thì làm đơn gửi cơ quan công an để vào cuộc điều tra làm rõ. Đồng thời, ông cũng đã giao nhiệm vụ cho cơ quan công an có trách nhiệm tiếp nhận, điều tra, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vũ Thư khẳng định chính quyền địa phương mong muốn giải quyết sự việc này một cách công tâm, thấu đáo. Trong quá trình giải quyết sự việc, Ủy ban Nhân dân huyện luôn lắng nghe nhân dân để tìm cách tháo gỡ và không bao che cho những sai phạm, ai sai người đó phải chịu trách nhiệm kể cả lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện, xã.

Như vậy, giải quyết vấn đề đất đai tại xã Hòa Bình là mong muốn của người dân cũng là mong muốn của chính quyền và doanh nghiệp nơi đây. Việc người dân dựng lán trại, chặn cổng ra vào Công ty cổ phần gốm xây dựng Đại Thắng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn khiến sản xuất của doanh nghiệp này bị đình trệ. Trong hoàn cảnh này, người dân cần bình tĩnh cùng doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước tháo gỡ các “nút thắt” để sự việc sớm được giải quyết thấu đáo./.

Thế Duyệt (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thai-binh-giai-quyet-thau-dao-van-de-dat-dai-tai-huyen-vu-thu/604836.vnp