Thái Bình sắp có khu công nghiệp VSIP quy mô 300 ha, được đầu tư gần 5.000 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 1004/QĐ-TTg ngày 29/8/2023 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Thái Bình (Dự án). Dự án có quy mô sử dụng đất là 333,4 ha; Tổng vốn đầu tư của dự án là 4.932,364 tỷ đồng.

Theo đó, nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Thái Bình (Dự án) là Công ty cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore. Dự án được triển khai ở xã An Tân, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình với quy mô sử dụng đất là 333,4 ha, không bao gồm phần diện tích đê cửa sông Hữu Hóa, đê biển 8 (7,86 ha) và tuyến kênh hoàn trả (3,41 ha).

Tổng vốn đầu tư của dự án là 4.932,364 tỷ đồng (tương đương 211,872 triệu đô la Mỹ), trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 739,855 tỷ đồng (tương đương 31,781 triệu đô la Mỹ).

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại quyết định nêu trên, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp của Dự án vào phương án bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025 cho tỉnh Thái Bình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn Nhà đầu tư phân kỳ đầu tư Dự án đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp trong kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Thái Bình tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2023 (Quyết định 326/TTg) và các quyết định điều chỉnh (nếu có), phù hợp với quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt, trong đó lưu ý việc khai thác, sử dụng hành lang đê tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều.

UBND tỉnh Thái Bình đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; sự phù hợp của Dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành; bảo đảm điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án...

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình và các cơ quan có liên quan: Rà soát, đảm bảo khu vực thực hiện Dự án phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt, đảm bảo vị trí, quy mô diện tích của Dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó lưu ý đảm bảo thiết kế xây dựng dự án không chồng lấn với các quy hoạch khác, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, pháp luật về đê điều và quy định khác của pháp luật có liên quan; có phương án đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai; cơ cấu sử dụng đất của dự án và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác có liên quan.

Đối với Công ty cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore (nhà đầu tư) phải đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu theo đúng cam kết để thực hiện Dự án và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai; đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP và Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP khi thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN. Việc thành lập tổ chức kinh tế thực hiện Dự án như đề xuất của Nhà đầu tư trong hồ sơ dự án thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư chỉ được thực hiện Dự án sau khi: Tỉnh Thái Bình được cấp có thẩm quyền bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật; Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 134 Luật Đất đai, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và các Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; và số 62/2019/NĐ- CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP.

Trong chương trình chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long, sáng 29/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long dự Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam-Singapore.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ công bố các văn kiện ghi nhớ hợp tác đầu tư Việt Nam-Singapore, trong đó có biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại các địa phương của Việt Nam (Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi, Thái Bình).

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thai-binh-sap-co-khu-cong-nghiep-vsip-quy-mo-300-ha-duoc-dau-tu-gan-5000-ty-dong-post262552.html