Thái Bình: Triển khai nhiều mô hình sáng tạo, áp dụng hiệu quả, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy, thời gian qua, Công an tỉnh Thái Bình đã triển khai, phát hiện nhiều mô hình sáng tạo.

Đẩy mạnh tuyên truyền theo phương châm sâu, rộng sát từng lĩnh vực

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng cháy chữa cháy đóng vai trò quan trọng hàng đầu, thời gian qua, Công an tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) chủ động, phối hợp với Công an huyện, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng đổi mới các nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC và phát động phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH vừa có chiều rộng, vừa chuyên sâu theo từng lĩnh vực, từng ngành và các đặc thù hoạt động của cơ sở; qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân về công tác đảm bảo an toàn PCCC và CNCH, góp phần đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Thượng tá Phạm Huy Đảm, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an tỉnh Thái Bình cho biết: Để đảm bảo an toàn PCCC, giảm thiểu số vụ cháy, thiệt hại do cháy, nổ gây ra cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tại các thôn, khu dân cư trên địa bàn thì việc làm cần thiết là ý thức của người lao động cần phải nâng cao trong công tác PCCC, duy trì tốt hoạt động đội PCCC cơ sở và lực lượng dân phòng. Cùng với đó đầu tư trang thiết bị PCCC, lắp đặt hệ thống PCCC, mở lớp tập huấn, phổ biến kiến thức PCCC cho người lao động.

Thượng tá Phạm Huy Đảm, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh Thái Bình

Chính vì vậy, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Công an tỉnh Thái Bình đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH để tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác PCCC với sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; triển khai đồng bộ các biện pháp, vận dụng nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC đến từng cơ sở, hộ gia đình; xây dựng và nhân rộng mô hình về tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH như: Thành lập tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, mô hình “điểm chữa cháy công cộng”, mô hình “Tổ phòng cháy, chữa cháy lưu động”, mô hình “Tự quản về an ninh trật tự - an toàn PCCC”…

Thực hiện tốt công tác đăng ký, xây dựng, xét duyệt, công nhận Điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC và CNCH. Hiện tại, toàn tỉnh có 61 đơn vị được công nhận, giữ vững danh hiệu là Điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC và CNCH... Qua đó lan tỏa, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức về PCCC của người đứng đầu cơ sở, chủ gia đình và người dân.

Chỉ trong quý I năm 2024, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp Công an huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn cho 25.152 người, tổ chức 2007 lượt tuyên truyền lưu động. Cùng với đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn UBND cấp xã phát 55.648 lượt khuyến cáo, tuyên truyền an toàn PCCC và CNCH trong mùa hanh khô, lễ, Tết trên loa phát thanh phường, xã. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức ký 8.084 lượt cam kết đảm bảo an toàn PCCC đối với cơ sở; tuyên truyền vận động 44.887 lượt cơ sở, hộ gia đình ký cam kết chấp hành quy định về an toàn PCCC; phát 13.890 tờ rơi, 36.492 cẩm nang an toàn PCCC hộ gia đình.

Song song với đó, Công an tỉnh Thái Bình đã chủ động tham mưu chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh phát động phong trào tháo, dỡ chuồng cọp, mở lối thoát thứ 2, trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đến nay, 100% hộ gia đình có nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ 2 tầng trở lên mở lối thoát nạn thứ 2; tuyên truyền, vận động 18.364 hộ gia đình tự trang bị dụng cụ phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm tự đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo và các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức 9 lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng thoát nạn cho 2.830 người là lãnh đạo, giáo viên các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung triển khai đưa kiến thức phòng cháy, chữa cháy vào nội dung chương trình giảng dạy, nội quy ở các trường học để các cán bộ giáo viên, học sinh nắm, hiểu rõ và nâng cao ý thức phòng chống cháy, nổ và phòng chống tai nạn, thương tích đối với trẻ em.

Cán bộ, chiến sĩ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, UBND tỉnh và của Bộ Công an trong việc thực hiện Công điện 220/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tỉnh, PC07 đã phối hợp Phòng Tham mưu (PV01) tham mưu Công an tỉnh trình UBND tỉnh ban hành Công văn 1142/UBND-NCKS ngày 13/4/2023 về triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, trong đó chỉ đạo cụ thể đối với các sở, ban, ngành UBND huyện, thành phố và Sở Xây dựng rà soát và báo cáo kết quả theo quy định.

Thực hiện công văn này, PC07 Công an tỉnh Thái Bình đã tập trung rà soát, phân loại cụ thể khó khăn vướng mắc trong công tác PCCC, đồng thời thành lập các Tổ công tác hướng dẫn giải đáp các khó khăn vướng mắc trên toàn tỉnh. Đến nay, về cơ bản đã khắc phục giải quyết xong các vấn đề tồn tại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các cơ sở kinh doanh karaoke; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ khắc phục tồn tại đối với dự án, công trình tồn tại vi phạm; hướng dẫn và thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với một số công trình có vướng mắc về PCCC…

Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền

Đáng chú ý, bắt kịp xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy, thời gian vừa qua, PC07 Công an tỉnh Thái Bình đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào thực tiễn công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH. Theo đó, Công an tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo PC07 xây dựng Bảng danh mục mã QR code để phục vụ công tác tuyên truyền, tra cứu, học tập các kỹ năng về PCCC và thoát nạn tại hộ gia đình và doanh nghiệp...

Trong bảng mã QR Code, Công an tỉnh Thái Bình xây dựng, hướng dẫn chi tiết kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn đối với từng loại hình nhà ở. Trong đó, đối với từng loại hình nhà, công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh, Công an tỉnh Thái Bình đều trang bị các kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn; Kỹ năng xử lý thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra và kỹ năng sử dụng phương tiện PCCC ban đầu.

Khi xây dựng xong các bảng mã QR Code, Công an tỉnh Thái Bình khuyến khích người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn niêm yết Bảng danh mục mã QR code kỹ năng PCCC và CNCH, thoát nạn tại cơ sở, nơi làm việc, nơi ở và nơi tập trung đông người để mọi người dân có thể truy cập và tìm hiểu nâng cao kiến thức PCCC, kỹ năng PCCC và thoát nạn để bảo vệ bản thân, gia đình góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Bảng niêm yết danh mục mã QR Code hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn của Công an tỉnh Thái Bình

Đánh giá về hiệu quả trong xây dựng bảng mã QR Code, Thượng tá Phạm Huy Đảm cho rằng: Thực hiện chỉ đạo của C07/BCA về việc tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về PCCC thông qua mã QR Code, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh ban hành văn bản triển khai, chỉ đạo 8/8 huyện, thành phố, 260/260 xã phường, thị trấn triển khai tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về PCCC, thoát nạn thông qua nhiều hình thức và trực tiếp đến người dân.

Cùng với đó, đơn vị đã hướng dẫn 260 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tập trung tuyên truyền qua hệ thống mã QR Code, niêm yết mã Code tại các khu vực tập trung đông người, nơi dễ thấy theo từng loại hình cơ sở, hộ gia đình để người dân truy cập, tìm hiểu nhằm nâng kiến thức, kỹ năng về PCCC, thoát nạn tại nơi sinh sống và làm việc.

Đây là cách làm hết sức thiết thực, góp phần đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời kỳ Cách mạng công nghệ 4.0. Khi xây dựng các mã QR Code, chúng tôi đã xây dựng thành “cẩm nang hướng dẫn chi tiết” cho từng loại nhà ở. Từ đó, người dân khi tiếp cận các bảng mã sẽ có được trang bị đầy đủ, đa dạng các kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy để có thể sử dụng trong từng tình huống cụ thể” - Thượng tá Phạm Huy Đảm chia sẻ.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Thái Bình còn đa dạng các sản phẩm tuyên truyền bằng việc xây dựng, lan tỏa trên nền tảng kỹ thuật số như các clip hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn; tổ chức các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội; triển khai App 114 phục vụ báo cháy, sự cố tai nạn và thông tin về PCCC và CNCH; trang thông tin Chi hội phụ nữ phòng Cảnh sát PCCC và CNCH;…

Các mô hình tuyên truyền này đã nhận được sự đồng tình, lan tỏa rộng rãi của các cơ quan báo chí, truyền thông và đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, PC07 đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình thu âm 01 bài khuyến cáo, tổ chức ghi hình, đưa 08 tin bài về hoạt động trải nghiệm tuyên truyền chữa cháy và CNCH tại 05 điểm; tổ chức chương trình trải nghiệm, thực hành kỹ năng chữa cháy và CNCH tại 13 địa điểm với tổng số 9.738 người tham gia.

Trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng đã phối hợp các nhà mạng di động gửi 21.153 tin nhắn khuyến cáo về PCCC và CNCH, phát 28 lượt khuyến cáo PCCC trên FM 97Hz. Kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp trong công tác kiểm tra an toàn PCCC và CNCH với 98 buổi cho 3.351 người là lãnh đạo cơ sở, chủ hộ gia đình kết hợp SXKD, Đội PCCC cơ sở, tổ liên gia. Tổ chức 65 buổi tuyên truyền kiến thức PCCC và CNCHvới 7.609 người tham gia.

Trong thời gian tới, để phấn đấu đạt các mục tiêu Bộ Công an đặt ra trong kế hoạch trung hạn và dài hạn cho công tác tuyên truyền PCCC và CNCH trong thời đại 4.0, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Thái Bình cho biết sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện, sâu sắc, từ tư duy đến phương thức làm công tác tuyên truyền, đầu tư nguồn lực con người và nguồn lực kinh phí cho công tác này.

Trong đó, đơn vị chú trọng tuyên truyền trên các nền tảng kỹ thuật số với các giải pháp, biện pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH.

Vận dụng tốt những ưu thế của công nghệ thông tin, nền tảng kỹ thuật số phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH phù hợp chủ thể, đối tượng thông qua hình thức hỏi đáp, tư vấn pháp luật với các chuyên gia.

Ứng dụng các mạng xã hội, xây dựng các trang thông tin điện tử và các ứng dụng di động riêng của ngành Công an hoặc của các đơn vị địa phương để tổ chức các hình thức tuyên truyền trực tuyến và phát hành các sản phẩm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, người nổi tiếng xây dựng các sản phẩm có nội dung, thời lượng phù hợp để tuyên truyền trên không gian mạng.

Thái Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thai-binh-trien-khai-nhieu-mo-hinh-sang-tao-ap-dung-hieu-qua-dam-bao-an-toan-phong-chay-chua-chay-310103.html