Thái độ nào trước những phê bình?

LTS: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Người khẳng định: 'Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém' và chỉ rõ: 'Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng'. Và, trong giai đoạn chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII này, công tác chỉnh đốn Đảng lại được đặt làm trọng tâm. Trong trọng tâm ấy, thái độ tiếp nhận phê bình là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

Lắng nghe phê bình

Tháng 4-2018, có một sự kiện thoạt nhìn có vẻ bình thường nhưng khiến thế giới chấn động: Giáo hoàng Francis nói lời xin lỗi công khai về việc xử lý sai lầm trong vụ bê bối linh mục ấu dâm ở Chile.

Trang tin Công giáo Crux nhận xét rằng đấy là hành động “thể chế hóa truyền thông xin lỗi cá nhân của Giáo hoàng”. Câu chuyện này là một bước ngoặt lớn, bởi trong hàng trăm năm, giáo hội vận hành dựa trên một ý niệm có tên “bất khả sai lầm” (Papa Infallibility), tức Giáo hoàng không thể sai được.

Nhưng, lời xin lỗi của Giáo hoàng Francis đã thay đổi tất cả. Vào đầu năm nay, ông lại xin lỗi một lần nữa, vì đã giận dữ đập tay một nữ tín đồ cố tiếp cận mình: “Chúng ta nhiều lần mất kiên nhẫn. Tôi cũng thế. Tôi xin lỗi vì hành động hôm trước”.

Trước đó, ông đã phải nhận những chỉ trích từ dư luận. Giáo hoàng Francis hoàn toàn có thể phớt lờ để giữ lấy truyền thống “bất khả sai lầm”, một vị thế được tạo ra từ lịch sử và không ai đòi hỏi ông từ bỏ nó cả. Nhưng, ông đã chọn cách hành động dựa trên cơ sở rằng mình cũng có thể đã và sẽ sai lầm.

Hành động với cơ sở niềm tin rằng mình có thể sai lầm là một việc không dễ. Đầu tháng này, tôi tiếp một chị nông dân ở Long An thông báo một vụ khiếu kiện về đất đai. Chị đã đi từ huyện lên tỉnh, vượt hàng trăm cây số, để khiếu nại rằng mình cảm thấy bất bình vì cách hành xử của chính quyền xã. Chị nói như khóc: “Tôi đi cả mấy trăm cây số lên tỉnh mà người ta không cho tôi nói”. Cơ quan chức năng đã kết luận rằng khiếu nại của chị không có cơ sở và chỉ thế. Không giải thích gì thêm.

Tôi xem hồ sơ vụ việc của chị, không dám khẳng định là chị đúng và chính quyền cũng không hẳn không có sai. Nhưng, vấn đề đáng lưu tâm nhất là chị cảm thấy mình thiếu tiếng nói. Rằng cơ quan chức năng phớt lờ các khiếu nại nhờ xem xét lại của chị, không cắt nghĩa và chỉ trả lại chị những biên bản kết luận: “Tôi thậm chí không cần đòi lại đất nhưng tôi muốn có người xem lại sự việc giúp tôi”. Rằng nếu có ai đó lắng nghe, chị đã không cần phải cậy nhờ đến nhà báo, thậm chí bỏ qua luôn việc khiếu nại dai dẳng, vốn hết sức phiền phức. Chị biết là mình cũng có thể sai.

Nhưng, tiếp nhận những khiếu nại kiểu này thế nào là một câu chuyện dài từ phía công quyền. 3 năm trước, có một bác sĩ ở Huế chê Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trên mạng xã hội Facebook, khuyên bà nên từ chức. Bộ Y tế sau đó cho rằng đây là nội dung có tính chất bôi nhọ, đã yêu cầu Sở Y tế Thừa Thiên-Huế và công an tỉnh xác minh thông tin chủ tài khoản Facebook. Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng, còn Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, nơi bác sĩ này công tác, đã kỷ luật ông.

Sau khi báo chí vào cuộc, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông khi ấy đã chỉ đạo xem xét lại sự việc và các quyết định phạt đã được rút lại với lý do “không đủ căn cứ”. Nhưng, trước đó, cả một bộ máy đã chuyển động với ý chí rất chủ quan rằng đây là một người đang bôi nhọ, chứ không phải một bác sĩ đang góp ý cho hệ thống, dù có thể bằng lời lẽ có phần gay gắt. Và họ làm thế với một sự dứt khoát như thể rằng mình không thể sai được.

3 năm sau, những thành tựu y tế dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã được ghi nhận. Tạm bỏ qua việc nhận xét của bác sĩ ở Huế có thể đã sai thì có một điều nữa cần suy nghĩ: cơ chế phản ứng quá nhạy cảm trước mỗi chỉ trích nhắm vào công việc của quan chức nhà nước. Các cơ quan chức năng đã khái quát quá nhanh sự chỉ trích này thành một hành vi bôi nhọ và phá hoại. Cho đến khi xem xét lại quy trình và các quy định pháp luật thì họ đã nhận ra rằng mình sai khi dùng đến biện pháp quá mạnh trước một lời phê bình.

Cơ chế nhạy cảm này chi phối không ít trong đời sống và sinh hoạt xã hội của chúng ta: một đôi lần tôi nhìn thấy bạn bè viết vài lời phàn nàn về hoạt động của các Bộ trưởng, hay quan chức, thậm chí là phản biện chính sách trên mạng xã hội, thì ở dưới bài đăng, đã có các bình luận (comment) dạng “tự kiểm duyệt”, rằng “không nên viết như thế này”, “viết thế này lại bị gọi lên giờ”...

Tức là có một sự thiếu niềm tin xuất hiện ở đây. Họ thiếu niềm tin vào việc chúng ta nên có nhiều tiếng nói phản biện hơn, từ nhiều kênh khác nhau, để có thể tự hoàn thiện và luôn tiến về phía trước. Nếu người phản biện phải huy động quá nhiều dũng khí để nói lên những sai sót thì nhà nước sẽ mất cơ hội lắng nghe những ý kiến đa kênh quý báu.

Cũng có thể có ý kiến cho rằng đa số người dân không hiểu sâu về hoạt động của nhà nước và khó tránh khỏi những đánh giá thiếu sót. Nhưng, hãy nghĩ sâu một chút về sự cần thiết của khả năng lắng nghe, từ ví dụ về một nghề nghiệp rất đặc thù: kiểm soát viên không lưu.

Đây là một công việc không hề đơn giản, dựa trên khả năng nhận thức tình huống kết hợp với kiến thức sâu về an toàn hàng không để đưa ra quyết định, với một lượng thông tin khổng lồ phải xử lý dưới áp lực rất lớn. Các quyết định mang tính sinh tử được đưa ra liên tục trong 24 giờ luân phiên. Vì vậy, đây là một nghề có tuổi thọ thấp. Ở Mỹ, họ phải nghỉ hưu ở tuổi 56 và không có ngoại lệ.

Nhưng, vào những năm 1960, người ta đã tiến hành một loạt thí nghiệm để kiểm tra năng lực tinh thần của kiểm soát viên không lưu. Các nhà nghiên cứu muốn khám phá xem liệu họ có khả năng xử lý các lĩnh vực khác với sự chính xác hoàn hảo như xử lý công việc chuyên môn của mình hay không.

Họ giao cho các kiểm soát viên không lưu một tổ hợp các nhiệm vụ khá cơ bản với hình dạng và màu sắc khác nhau và nhận ra rằng khi thực hiện các kỹ năng ngoài chuyên môn của mình, dù là các công việc đơn giản nhất, các kiểm soát viên không lưu cũng không giỏi hơn ai, thậm chí thường xuyên mắc sai lầm. Năng lực nhận thức đặc biệt của họ đã không vượt ra ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ.

Các công việc của nhà nước, ngoài việc là tổ hợp của những ngành hẹp, còn là một tập hợp phức tạp của đời sống, với lượng kiến thức khổng lồ và đa dạng về đủ mọi lĩnh vực. Trong quá trình tháo gỡ các sự việc lớn nhỏ liên quan đến nó, chúng ta cần lắng nghe, không chỉ để thỏa mãn nhu cầu được lắng nghe của người dân mà còn để hành xử với một sự thận trọng rằng ta không thể biết tất cả và rất có thể là sẽ mắc sai lầm.

Trong quá trình nghe chị nông dân Long An đi khiếu nại nói về vụ việc của mình, tôi biết rằng chị không có kiến thức về luật pháp hay hành chính nhưng kinh nghiệm với đất đai, đồng ruộng và tâm huyết của chị là những điều mới tôi thu nhận được.

Tôi nghĩ rằng, nếu các cán bộ có thể nghe chị nói, họ có thể ít nhất là cho người xuống tận nơi để xem lại các khiếu nại và chỉ trích của chị. Có thể chẳng thay đổi được gì, chính quyền vẫn sẽ đúng nhưng hành động dựa trên niềm tin rằng mình có thể sai là một cơ chế bền vững không chỉ trong một vụ việc cụ thể.

Còn không thì, chúng ta vẫn có thể bỏ qua kinh nghiệm lẫn chỉ trích của bất kỳ ai, chỉ bằng cách xếp tất cả những phê bình vào một giỏ “bôi nhọ, phá hoại”. Nhưng, đúng một cách kiên quyết như thế cũng có thể là một điều sai.

(Phạm An)

Trò chuyện với tiến sĩ Lê Kiên Thành: Làm sao khuyến khích phê bình

- Thưa tiến sĩ Lê Kiên Thành! Phản biện xã hội đang là một nhu cầu cấp thiết để hướng tới văn minh và phát triển. Tuy nhiên, vẫn có không ít nghi ngại về việc các ý kiến góp ý bị “lợi dụng” cho những mục đích tiêu cực. Ông có suy nghĩ gì xung quanh vấn đề phê bình và thái độ tiếp nhận phê bình?

Tiến sĩ Lê Kiên Thành.

Tiến sĩ Lê Kiên Thành.

- Theo tôi, phê bình có 2 góc độ. Thứ nhất, quần chúng phê bình mình. Thứ hai, đồng chí phê bình mình. Muốn cho tổ chức mạnh lên thì thứ vũ khí duy nhất là phê bình và tự phê bình. Thế nhưng, khi tổ chức để lọt vào những phần tử tha hóa và cơ hội thì thứ vũ khí này cũng mất dần tác dụng.

Trước đây, trong chiến tranh gian khổ, sự phê bình rất chân thành vì giữa ranh giới sống chết thì việc góp ý cho đồng chí tốt hơn cũng là giúp cho mình tốt hơn. Đó là một sự thanh lọc vô cùng hiệu quả mà không cần bên ngoài phản biện.

Bây giờ, không còn trong hoàn cảnh như Tố Hữu viết “Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu. Dấn thân vô là phải chịu tù đày. Là gươm kề cận cổ, súng kề tai. Là thân sống chỉ coi còn một nửa” thì sự góp ý của những người cùng tổ chức cũng bị chi phối bởi yếu tố lợi ích cá nhân, gia đình, phe nhóm.

Hiện thực đó, càng ngày càng rõ. Vì vậy, chưa bao giờ mà người đứng đầu Đảng phải thốt lên “chúng ta đang đứng trước nguy cơ tồn vong”. Ngày xưa Đảng cũng từng đứng trước nguy cơ tồn vong vì bị đàn áp, còn hôm nay phải âu lo vì sự thoái hóa, biến chất. Vì vậy, theo tôi, chúng ta cần mở rộng biên độ “phê bình và tự phê bình”.

- Nghĩa là tiếng nói của mọi tầng lớp nhân dân cũng đều có ý nghĩa quan trọng cho sự vững mạnh của tổ chức Đảng?

- Đúng! Theo tôi, thì chân lý “người khen ta đúng là bạn ta, người chê ta đúng là thầy ta” chưa bao giờ lỗi thời. Tại sao chúng ta không nghe được tiếng nói của nhân dân? Những ý kiến đóng góp từ quần chúng được lắng nghe một cách hời hợt, một cách hình thức. Sự lúng túng diễn ra trong việc tiếp nhận ý kiến quần chúng khiến tôi hiểu rằng chúng ta đang sợ, chúng ta không tin vào sự sáng suốt của nhân dân. Chúng ta cứ lo ngại quần chúng dễ bị kích động theo hướng lầm lạc.

Tôi rất băn khoăn. Ngày xưa, chúng ta kêu gọi quần chúng đồng hành chúng ta thì chúng ta chỉ dám nói thầm và dúi vài tờ truyền đơn. Hôm nay chúng ta có gần 1.000 tờ báo và gần 100 kênh truyền hình, một bộ máy tuyên truyền hùng hậu. Phải đặt câu hỏi, chúng ta nói thế nào để quần chúng không hiểu mình mà quần chúng phải đi nghe những gì không chính thống?

Quần chúng từng đi theo và ủng hộ Đảng khi Đảng cực kỳ gian khó, họ gửi chồng, gửi con, gửi cháu cho chúng ta để ra trận, để hy sinh chứ không mưu cầu gì... thì không có nguyên nhân nào khiến họ quay lưng với chúng ta, nếu chúng ta công khai và minh bạch.

- Thái độ cầu thị sẽ giúp người dân trở thành tai mắt của Đảng trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng?

- Chúng ta đã thấy một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất trong Đảng thì chúng ta có thể dùng một bộ phận rất lớn từ quần chúng để giúp Đảng phát hiện và trấn áp. Sức mạnh của ý chí người dân sẽ củng cố tinh thần chiến đấu của những Đảng viên tốt.

- Quần chúng luôn đứng về phía cái thiện, cái tốt...

- Không có tổ chức nào lại tự cảm thấy mình không đại diện cho chính nghĩa. Thế nhưng, một tổ chức cầm quyền thì càng cần phải tin vào quần chúng có khả năng chỉ mặt gọi tên những kẻ cơ hội đang lén lút xâm hại miếng bánh lợi ích của xã hội. Nếu chúng ta không dám nghe những lời phê bình từ quần chúng thì những thành phần tiến bộ hết lòng vì Đảng, vì dân sẽ bị cô lập và bị suy yếu.

- Theo anh, làm sao để khuyến khích những ý kiến phê bình tích cực?

- Bác Hồ từng nhắc nhở “dân chủ là làm cho người dân được mở miệng”. Trước hết, phải có thiện chí lắng nghe người dân, bởi lẽ những ngôn từ gay gắt nhất cũng chứng minh tình cảm gắn bó giữa dân với Đảng. Nghe được thì sẽ hiểu được. Hãy để tai mình nghe được những điều cay đắng nhất, hãy để óc mình hiểu được những điều trắc ẩn nhất thì chúng ta sẽ nhận ra phải hành động gì để cải thiện tình hình cho tương lai đất nước. Cho nên, đừng vội vàng quy chụp các ý kiến đóng góp mà mình khó chịu. Xưa nay, thuốc đắng giã tật vẫn là bài học khắc cốt ghi tâm.

(Lê Thiếu Nhơn - Thực hiện)

Không có phê bình, làm sao chỉnh đốn!

Những ngày đầu tháng 10, sự kiện gây ồn ào dư luận nhất chính là bộ Sách giáo khoa (SGK) tiểu học Cánh Diều. Không cần phải nhắc lại những tranh cãi xoay quanh bộ SGK ấy nữa và cũng càng không cần nói tới những cá nhân liên quan tới sự vụ. Chỉ cần nhắc về một ví dụ khác, cũng liên quan đến SGK và mới xảy ra hồi đầu năm 2020 là đủ.

Chắc nhiều người đã quên, hồi tháng 2, khi đợt dịch COVID-19 lên đến đỉnh điểm, học sinh các cấp đều được nghỉ học. Ở Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, có một giáo viên đã đăng tải trên Facebook cá nhân của mình ý kiến về SGK mới, đại ý phê phán chương trình thay SGK với nhận định “phải bỏ ra một khoản kinh phí quá lớn”. Lập tức, cô giáo này bị đưa ra hội đồng kỷ luật của nhà trường xử lý kỷ luật, với đánh giá cụ thể là "Nội dung mà cô T. viết là trái với đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và của ngành giáo dục”.

Ngay sau án kỷ luật của nhà trường, Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn cũng ra công văn đề nghị UBND huyện điều chuyển cô giáo kia tới một trường khác đồng thời phê bình nhắc nhở hiệu trưởng của trường vì đã để giáo viên trong trường vi phạm.

Bây giờ, khi vụ SGK đã ồn ào đến mức này, với hàng loạt ý kiến phê phán từ khắp nơi, chúng ta hãy lật lại những nhận định của cô giáo kể trên cũng như các động thái xử lý của lãnh đạo trực tiếp nơi cô giảng dạy và của Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn để nhìn thấy sự phi lý trong đó. Nhận định của cô giáo ấy còn quá nhẹ nhàng so với đầy rẫy những phản biện xã hội xoay quanh SGK mới. Vậy thì tại sao cô lại bị xử lý?

Ở đây, chắc chắn có một sự sợ hãi vô hình lơ lửng trên đầu ông hiệu trưởng, ông trưởng phòng GD-ĐT huyện và thậm chí cả cấp trên trực tiếp của họ nữa. Họ sợ ai? Họ sợ cái gì? Chúng ta không dám quả quyết. Nhưng, họ dồn hướng giải quyết nỗi sợ vô hình nọ bằng một quy chụp lên một giáo viên, người thấp cổ bé họng nhất.

Và ý kiến của giáo viên kia là gì? Một ý kiến chống phá ngành giáo dục? Một ý kiến phản động chống chính quyền? Một ý kiến bôi nhọ danh dự và lý tưởng của Đảng? Hoàn toàn không. Phải khẳng định rõ: Đó là một ý kiến phê bình.

Thời đại truyền thông cá nhân trên mạng xã hội đã và đang cho phép mỗi người được cất lên quan điểm một cách dễ dàng hơn. Chúng ta không thể phủ nhận rằng trong số vô vàn quan điểm đầy rẫy trên mạng xã hội hôm nay, có rất nhiều nội dung xuyên tạc, đả phá nhằm gây tổn thương cho thể chế và gây mất an ninh xã hội. Song, cũng có những ý kiến là phê bình đúng nghĩa, phê bình đơn thuần.

Phê bình cơ bản sẽ có 2 trọng tâm. Thứ nhất là phê bình bộ máy. Nếu bộ máy có vấn đề, ý kiến phê bình sẽ được đưa ra để hoàn thiện bộ máy ấy. Thứ hai là phê bình con người trong bộ máy. Nếu con người trong bộ máy gây tổn hại đến tập thể, đến danh dự chung của bộ máy, con người đó cũng sẽ bị phê bình. Nói nôm na, nó là một cách “chỉnh đốn” bằng dư luận.

Không một thể chế nào dám cam đoan rằng nó hoàn thiện cả. Không một cá nhân nào dám cam đoan rằng mình hoàn thiện hết. Bởi thế mới tồn tại phê bình. Nhưng cái đáng ngại của tâm lý chung con người là không một ai muốn nghe lời chê bai, nhất là khi vây quanh họ là những lời nịnh nọt, đường mật đã quen tai. Và rồi điều tất yếu phải xảy ra là một ý kiến phê bình theo kiểu “thuốc đắng” có thể sẽ khiến một cá nhân cảm thấy bực bội. Khi đó, họ rất dễ lạm dụng quyền lực trong tay để chụp mũ phê bình trở thành phản động hay chống phá.

Quay trở lại với tôn chỉ chúng ta vẫn thường nói đến bao nhiêu năm qua là “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, chúng ta sẽ nhận thấy trong cái “biết, bàn, và kiểm tra” kia sẽ tồn tại phê bình đúng nghĩa. Xác định rõ bản chất phê bình do đó là điều vô cùng quan trọng. Bởi một khi không xác định rõ, sẽ dễ lạm dụng quyền để nhập nhèm chụp mũ phê bình thành những thứ méo mó khác khiến cho lòng dân bất an, niềm tin của dân bị sụp đổ.

Đừng để phê bình trở thành câu chuyện tiếu lâm đường phố, như cái cách mà người ta vẫn đàm tiếu đại ý rằng “Trong cuộc họp, ý kiến phê bình duy nhất là: Tôi phê bình thủ trưởng. Vì thủ trưởng làm việc nhiều quá, không chịu lo lắng cho sức khỏe của mình. Thế thì nguy cho cơ quan lắm”. Để tồn tại tiếu lâm kiểu ấy, chứng tỏ rằng đã rất nhiều nơi, nhiều lần rồi, cán bộ quay lưng lại với phê bình và bản thân người thấy cái khuyết để phê bình cũng không dám cất lên tiếng nói phê bình.

Không có phê bình, sẽ không thể tồn tại việc chỉnh đốn trong mỗi tổ chức, cơ quan và mỗi con người.

(Hà Quang Minh)

Phạm An - Lê Thiếu Nhơn - Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/thai-do-nao-truoc-nhung-phe-binh-617251/