Thái Lan cân nhắc biện pháp cứng rắn đối phó nạn khói mù xuyên biên giới

Thủ tướng Srettha Thavisin hôm qua (16/3) cho biết Thái Lan có thể sẽ thực hiện hành động cứng rắn và cấm nhập khẩu ngô từ các nước láng giềng vào năm tới nếu những nước này từ chối kiểm soát hoạt động đốt rác thải nông nghiệp và đốt rừng gây khói mù, làm trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm không khí xuyên biên giới hiện nay.

Thủ tướng Srettha Thavisin cho biết Chính phủ Thái Lan đã từng cảnh báo sẽ áp thuế nhập khẩu ngô từ các nước láng giềng nếu những nước này không kiểm soát các hoạt động góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, những cảnh báo này đã bị phớt lờ và Thái Lan sẽ phải cân nhắc hành động cứng rắn hơn như cấm hoàn toàn hoạt động nhập khẩu ngô từ các quốc gia nói trên.

Ông Srettha cho biết Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực giải quyết các nguyên nhân gây ra tình trạng bụi mịn PM 2.5 ở Thái Lan, chủ yếu do tình trạng khói mù xuyên biên giới, cháy rừng trong nước và hoạt động đốt rác thải nông nghiệp.

Ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 ở Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: The Nation

Theo Thủ tướng Srettha, bụi mịn PM 2.5 là một vấn đề kinh tế và cần được giải quyết bằng những giải pháp mới, nhấn mạnh Thái Lan không thể buộc các nước láng giềng chấm dứt việc đốt rác thải nông nghiệp, nhưng có thể gây sức ép hạn chế tình trạng khói mù xuyên biên giới.

Hôm 16/3, Trung tâm Giảm thiểu ô nhiễm không khí Thái Lan cho biết tình trạng ô nhiễm không khí ở 15 tỉnh phía Bắc đã đạt mức Đỏ, với lượng bụi PM 2.5 trong khí quyển ở mức từ 50,1µg/m³ đến 182µg/m³, cao hơn rất nhiều so với ngưỡng an toàn là 37,5µg/m³. Một số tỉnh Đông Bắc và miền Trung Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi nồng độ bụi mịn PM 2.5 quá cao so với tiêu chuẩn quy định.

Theo đánh giá của trang web giám sát không khí IQAir, kể từ ngày 15/3 tới nay, thành phố lịch sử Chiang Mai, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan, vẫn là nơi có chất lượng không khí tệ nhất thế giới.

Dữ liệu của IQAir cho thấy chỉ số mức độ ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 (đủ nhỏ để có thể đi vào máu thông qua phổi) tại Chiang Mai ở mức 224 - cao gấp 20 lần so với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Số liệu thống kê của Chính phủ Thái Lan cho thấy trong năm 2023, hơn 10 triệu người ở nước này đã phải tới bệnh viện để điều trị các bệnh liên quan ô nhiễm không khí.

PV/VOV-Bangkok

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thai-lan-can-nhac-bien-phap-cung-ran-doi-pho-nan-khoi-mu-xuyen-bien-gioi-post1083135.vov