Thái Lan có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động

Thái Lan có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng gia tăng thiếu hụt lao động trong thời gian tới, đặc biệt trong các ngành sử dụng nhiều nhân lực như kinh doanh nông sản và chế biến thực phẩm.

Lao động làm việc tại trang trại nuôi gà ở tỉnh Supanburi, tây bắc thủ đô Bangkok, Thái Lan. AFP/TTXVN

Lao động làm việc tại trang trại nuôi gà ở tỉnh Supanburi, tây bắc thủ đô Bangkok, Thái Lan. AFP/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban Phát triển Lao động và Kỹ năng kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thái Lan Poj Aramwattananont cho biết khu vực kinh doanh lo ngại về tình trạng thiếu hụt lao động trong thời gian dài sau khi hàng trăm nghìn lao động nước ngoài trở về nước do bùng phát dịch COVID-19.
Hầu hết người lao động về nước vẫn chưa quay trở lại Thái Lan, trong khi các ca mắc mới đang gia tăng ở các nước láng giềng, khiến Chính phủ Thái Lan phải duy trì các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt dọc biên giới.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, có khoảng 3 triệu lao động nước ngoài đăng ký làm việc hợp pháp. Lao động nước ngoài chiếm tới 50-60% lao động trong một số ngành sử dụng nhiều nhân công như kinh doanh nông sản và thực phẩm. Ngoài ra, ông Poj cho biết thêm rằng Thái Lan cũng vẫn thiếu nhân công trong các lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi và giúp việc gia đình.
Theo ông Poj, mặc dù người lao động Thái Lan được khuyến khích làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, nhưng nhiều người Thái Lan thất nghiệp không hứng thú làm việc trong các nhà máy liên quan đến chế biến thực phẩm, găng tay cao su, thực phẩm và nông sản.

Truyền thông sở tại dẫn lời ông Poj nói rằng khu vực tư nhân đang kêu gọi tất cả các bên đưa ra những biện pháp để kích thích hoặc thu hút lao động thất nghiệp Thái Lan làm việc trong các ngành như nông nghiệp và thực phẩm, những nơi ước tính cần 200.000-300.000 lao động.

Ông Poj tỏ ý lo ngại rằng sau khi đại dịch chấm dứt, các chủ doanh nghiệp không tìm được nhân công có thể chuyển sang sử dụng nhiều hệ thống và máy móc tự động hơn, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong nước.

Ông Poj nói rằng số liệu về lao động thất nghiệp sau khi dịch bùng phát vẫn còn không rõ ràng. Số liệu từ Văn phòng An sinh Xã hội ước tính số lao động thất nghiệp là 600.000 người sau khi dịch COVID-19 bùng phát, trong khi thông thường tỷ lệ thất nghiệp ở Thái Lan trung bình là 300.000 người một năm.

Trong quý đầu tiên của năm 2021, bức tranh sẽ trở nên rõ ràng hơn về việc có bao nhiêu lao động Thái Lan sẽ thất nghiệp và các lĩnh vực đáng quan tâm bao gồm khách sạn và du lịch.
Ông Poj cho rằng về dài hạn, các hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương như FTA Thái Lan-Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều đòi hỏi các tiêu chuẩn cao hơn về bảo hộ lao động và quyền lao động. Điều bắt buộc là tất cả các bên phải cùng nhau nghiên cứu tác động của các thỏa thuận này.
Tháng Tám vừa qua, cơ quan lập kế hoạch nhà nước đã cảnh báo rằng sẽ có tới 1,76 triệu lao động có nguy cơ mất việc làm nếu các nhà máy vận dụng Điều 75 của Luật Bảo hộ Lao động nhưng không khởi động lại hoạt động của họ. Quy định trong điều luật này cho phép các nhà máy tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động do khó khăn về tài chính, nhưng họ phải trả cho người lao động 75% tiền lương hàng ngày thông thường của họ trong thời gian đó.
Theo một báo cáo của Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC), 1,76 triệu lao động đã nhận được tiền bồi thường theo điều luật nói trên. NESDC nói rằng tổng số người thất nghiệp trong quý II/2020 là 750.000 người, chiếm 1,95% lực lượng lao động và là con số cao nhất kể từ quý II/2009./.

Ngọc Quang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thai-lan-co-nguy-co-doi-mat-voi-tinh-trang-thieu-hut-lao-dong/176448.html