Thái Lan: Diễn biến mới trước kỳ bầu cử

Ủy ban Bầu cử Thái Lan hôm 13/2 đã đề nghị Tòa án Hiến pháp nước này giải tán một chính đảng từng trao tư cách ứng viên tranh cử Thủ tướng cho Công chúa. Đây được xem là đòn giáng mạnh đối với gia tộc Shinawatra vốn có tầm ảnh hưởng về mặt chính trị ở nước này.

Công chúa Ubolratana Rajakanya bị tước tư cách ứng viên tranh cử. (Nguồn: AP).

Công chúa Ubolratana Rajakanya bị tước tư cách ứng viên tranh cử. (Nguồn: AP).

Quyết định bỏ ngỏ

Đất nước Thái Lan đã rơi vào cơn địa chấn chính trị kể từ hôm thứ Sáu tuần trước, khi Công chúa Ubolratana được đề cử làm ứng viên đại diện cho đảng Thai Raksa Chart- một đảng đồng minh với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Động thái chưa từng có tiền lệ của bà Ubolratana khi can dự vào chính trị đã bị Nhà vua Maha Vajiralongkorn - em trai của bà Ubolratana - bác bỏ chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Hoàng gia quyền lực và giàu có của Thái Lan luôn được xem là đứng trên chính trị, dù trước đây một số thành viên hoàng tộc từng can dự trong bối cảnh khủng hoảng chính trị. Về phần Công chúa Ubolratana, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã lập tức chấm dứt sự nghiệp của bà bằng cách tước bỏ tư cách ứng viên tranh chức Thủ tướng.

Trong hôm 13/2, Ủy ban này đã gửi đề nghị tới Tòa án Hiến pháp yêu cầu giải tán đảng Thai Raksa Chart vì đã vi phạm luật về đảng chính trị bằng cách đưa một thành viên hoàng tộc can dự vào chính trường. “Hành động này được xem là thù địch đối với Hoàng gia”- Ủy ban trên tuyên bố.

Hiện chưa rõ liệu Tòa án Hiến pháp có ra quyết định giải tán đảng Thai Raksa Chart trước kỳ bầu cử ngày 24/3 tới hay không. Nếu bị giải tán, các lãnh đạo đảng này - bao gồm một số thành viên của gia tộc Shinawatra - có thể đối mặt với lệnh cấm hoạt động chính trị, trong khi các ứng viên của đảng này sẽ không thể tham dự vào kỳ bầu cử.

Trước thông tin trên, đảng Thai Raksa Chart nói rằng họ sẽ phản đối lại đề nghị của Ủy ban Bầu cử.

“Đảng của chúng tôi sẽ tiếp tục vận động tranh cử, chúng tôi là hy vọng của người dân”- lãnh đạo đảng Thai Raksa Chart Preechapol Pongpanit nói, thêm rằng ông bị sốc bởi các sự kiện diễn ra trong vài ngày qua.

Tin xấu với gia tộc Shinawatra

Đất nước Thái Lan hiện vẫn đang bị chia rẽ sâu sắc. Các đảng phái liên quan tới cựu Thủ tướng Thaksin đã giành chiến thắng trong mọi kỳ bầu cử kể từ năm 2001, nhưng các Chính phủ của họ đã phải hứng chịu 2 cuộc đảo chính. Ông Thaksin và em gái là bà Yingluck đều phải lánh nạn sang nước ngoài để tránh các cáo buộc mà họ cho là có động cơ chính trị.

Trong khi đó, để tăng cường sức mạnh trong kỳ bầu cử, chính quyền quân đội hiện tại đã áp dụng Hiến pháp mới, trong đó các ghế trong Thượng viện hoàn toàn được họ chỉ định, cùng lúc hạn chế số lượng ghế tranh cử trong kỳ bầu cử sắp tới - kỳ bầu cử đầu tiên ở nước này kể từ năm 2011.

Nếu đảng Thai Raksa Chart bị cấm tranh cử, họ sẽ làm “giảm cơ hội giành số ghế áp đảo trong Quốc hội của đảng của gia tộc Shinawatra” - ông Titipol Phakdeewanich, chuyên gia khoa học chính trị thuộc Trường ĐH Ubon Ratchathani, nhận định. Và điều này sẽ mang lại thế có lợi cho đảng Phalang Pracharat của quân đội và tăng khả năng đắc cử của đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.

Đến thời điểm này, người dân Thái Lan vẫn tỏ ra hết sức khó hiểu về việc Công chúa Ubolratana bất ngờ can dự vào chính trị, trong khi giới phân tích cũng tỏ ra bất ngờ không kém.

Trong một đoạn chia sẻ trên mạng xã hội Instagram hôm 12/2, Công chúa Ubolratana đã đưa ra lời xin lỗi vì gây ra sự việc vừa qua: “Tôi xin lỗi, chỉ vì ý định nhằm giúp đỡ đất nước và người dân của tôi đã gây ra một vấn đề mà đáng lẽ ra không nên xảy ra”.

Công chúa Ubolratana là con gái đầu lòng của cố vương Bhumibol Adulyadej, nhưng đã từ bỏ tước hiệu của mình khi kết hôn một công dân Mỹ vào năm 1972. Sau khi ly hôn, bà trở về Thái Lan và vẫn được dân chúng xem là một thành viên của gia đình Hoàng gia.

Dù lúc nhận tư cách ứng viên tranh cử, bà nói rằng bà đang thực hiện quyền của một thường dân, nhưng tuyên bố của Cung điện Hoàng gia nói rằng bà “vẫn là một thành viên của triều đại Chakri”. Hoàng gia Thái Lan được xem là thiêng liêng đối với người dân nước này, và lời nói của Nhà vua chính là phán quyết cuối cùng.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/thai-lan-dien-bien-moi-truoc-ky-bau-cu-tintuc429649