Thái Lan lo lắng sau khi Việt Nam và EU ký EVFTA

Thái Lan lo lắng hoạt động sản xuất và xuất khẩu ở nhiều mặt hàng từ ô tô, máy tính đến đến dệt may, hải sản chế biến... có thể sẽ bị ảnh hưởng sau khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA).

Ô tô do Thái Lan sản xuất chờ đưa lên tàu ở cảnh Laem Chabang ở tỉnh Chon Buri, Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post

Tờ Bangkok Post hôm 6-7 đưa tin Vụ Chiến lược và Chính sách thương mại (TPSO) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết xuất khẩu ô tô, máy tính của nước này đang gặp rủi ro sau khi Việt Nam và EU ký các hiệp định thương mại và đầu tư với Việt Nam.

Trong khi đó, Thái Lan không có hiệp định thương mại tự do nào với EU sau khi khối kinh tế này gạt Thái Lan ra khỏi hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) vào năm 2015. Do vậy, tất cả hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan sang EU hiện nay đều bị áp thuế.

“EVFTA là một thỏa thuận tham vọng và toàn diện nhất mà EU đạt được với một nước đang phát triển. Vậy nên, Việt Nam có thể được hưởng nhiều lợi thế và lợi ích hơn Thái Lan từ EVFTA và EVIPA”, Giám đốc Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại (TPSO) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, Pimchanok Vonkorpon, nhận định.

Theo EVFTA, trong giai đoạn đầu sau khi có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế cho 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu từ EU. Các dòng thuế còn lại sẽ được dỡ bỏ dần trong 10 năm tới, tiến đến mục tiêu 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía sẽ được xóa bỏ.

Ngược lại, ở thời điểm đầu sau khi EVFTA có hiệu lực, 71% thuế quan hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được xóa bỏ và các dòng thuế còn lại sẽ được dỡ bỏ trong vòng 7 năm.

Bà Pimchanok Vonkorpon nói: “EVFTA tác động đến 99% hàng hóa xuất khẩu từ hai bên”.

Bà nhấn mạnh các nhà cung ứng trong ngành công nghiệp ô tô ở Thái Lan phải chuẩn bị cho viễn cảnh nhiều hãng xe di dời các cơ sở sản xuất đến Việt Nam. Theo bà, ngành công nghiệp ô tô Thái Lan cần cải thiện tính hiệu quả và đẩy nhanh sản xuất các dòng xe thế hệ mới. Các chuỗi cung ứng máy tính, linh kiện máy tính và các bo mạch điện tử cũng đối mặt với nguy cơ di dời vì Việt Nam giờ đây có đủ sức mạnh cạnh tranh để phát triển ngành công nghiệp điện tử riêng.

EVFTA cũng có thể tác động đến các ngành khác của Thái Lan bao gồm dệt may, nữ trang và phụ kiện, gạo, hải sản chế biến. Pimchanok cho biết TPSO sẽ giám sát các tác động của EVFTA.

“Thái Lan cần phát triển đội ngũ lao động có kỹ năng và áp dụng các công nghệ tân tiến hơn cũng như các đổi mới để gia tăng giá trị cho các sản phẩm và duy trì sức mạnh cạnh tranh”, bà cho biết thêm.

TPSO lạc quan về khả năng EU sẽ thương lượng một hiệp định thương mại tự do tương tự với Thái Lan vì khối kinh tế này muốn tiếp cận thị trường dược phẩm, ô tô và bia rượu của Thái Lan.

Trong khi đó, hôm 4-7, các nhà kinh tế ở Nhóm Chiến lược và Phát triển kinh doanh toàn cầu (GBDSG) của Ngân hàng Krungthai (Thái Lan) dự báo xuất khẩu của Thái Lan chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm nay, giảm mạnh so với mức 7,7% vào năm ngoái, chủ yếu do các tác động của chiến tranh thương mại. Họ cũng cho rằng xuất khẩu Thái Lan suy yếu một phần là do các tác động EVFTA, giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa Thái Lan.

Mana Nimitvanich, Phó Chủ tịch thứ nhất của GBDSG, nói: “Xuất khẩu hàng hóa Thái Lan sang EU chiếm đến 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước”. Tuy nhiên, ông lưu ý xuất khẩu của Thái Lan sang EU đã bị Việt Nam vượt mặt trong những năm gần đây. Theo ông, nếu EVFTA có hiệu lực vào cuối năm nay, hàng hóa Việt Nam thậm chí sẽ còn cạnh tranh hơn so với hàng hóa Thái Lan.

Ông Mana Nimitvanich dự báo EVFTA sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu Thái Lan mất mát 1% trong năm 2019. Ông giải thích rằng cả Thái Lan và Việt Nam chủ yếu xuất khẩu máy móc, linh kiện, đồ điện gia dụng và áo quần sang EU. Với các mức thuế thấp hơn và giá bán rẻ hơn sau khi EVFTA có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể lấn vào các thị trường xuất khẩu của Thái Lan tại EU.

Mana Nimitvanich cảnh báo rằng các nhà xuất khẩu của Thái Lan có thể cân nhắc di dời căn cứ sản xuất của họ sang Việt Nam để tận dụng các lợi thế xuất khẩu của Việt Nam cũng như tận dụng chi phí nhân công rẻ hơn ở nước này.

Theo Bangkok Post, The Nation

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291144/thai-lan-lo-lang-sau-khi-viet-nam-va-eu-ky-evfta.html