Thái Lan: Nhiều tội phạm đội lốt nhà sư sa lưới

Khoảng 90% trong số 69 triệu người dân Thái Lan theo đạo Phật và các tu viện ở Thái Lan nhận được tiền dâng cúng lên đến 3-4 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, hình ảnh các tăng lữ Phật giáo đã phần nào bị ảnh hưởng khi liên tục vỡ lở các vụ bê bối dính líu chính trị, buôn bán ma túy, tình, tiền, các hợp đồng tài chính và thương vụ phạm pháp.

Cảnh sát Thái Lan cảnh cáo sẽ mạnh tay với bất cứ ai chứa chấp các nhà sư đang bị truy bắt vì cáo buộc biển thủ ngân quỹ.

Đủ kiểu phạm pháp

Người đứng đầu Đơn vị trấn áp tội phạm (CSD), thiếu tướng Maitree Chimcherd cho biết họ đang truy lùng sư trụ trì Sitthi của chùa Wat Sa Ket (chùa Núi Vàng) nổi tiếng ở thủ đô Bangkok và sư trụ trì Prom Methee của chùa Wat Samphanthawong.

Ông cảnh báo bất cứ ai dung chứa các nhà sư trên sẽ bị truy tố theo Luật Hình sự. Trước đó, cảnh sát hoàng gia Thái Lan đã đột kích nhiều ngôi chùa trên khắp nước gồm Wat Sam Phraya, Wat Sa Ket và Wat Samphanthawong ở thủ đô Bangkok, Wat Onoi ở tỉnh Nakhon Pathom và Wat Kudeethong ở tỉnh Sing Buri.

Trong số người bị bắt có các thành viên thuộc Hội đồng Tối cao tăng già, cơ quan quản lý giới tu sĩ Phật giáo ở Thái Lan.

Nhà sư tại tỉnh Kalasin Thái Lan bị bắt cùng siêu xe

Các nhà sư này đối mặt với cáo buộc rửa tiền liên quan đến biển thủ công quỹ và một số còn bị phát hiện có hành vi tình dục sai trái. Ông Chimcherd khẳng định hầu hết ngân khoản phân bổ cho các chùa Wat Sa Ket, Wat Sam Phraya và Wat Samphanthawong đều bị lén lút chuyển cho người ngoài.

Tại chùa Wat Sa Ket, chính quyền cho rằng các tăng lữ chùa này đã biển thủ tiền từ 2 dự án liên quan đến Phật giáo trị giá 69 triệu baht (2,2 triệu USD) và chuyển cho những đồng lõa ở ngoài chùa.

Cảnh sát xác nhận khoảng 130 triệu baht (4,1 triệu USD) đã được chuyển vào 10 tài khoản ngân hàng của sư trụ trì chùa Wat Sa Ket. Cảnh sát còn phát hiện một lối đi bí mật từ chùa Wat Sa Ket dẫn ra đường Bamrung Muang.

Tại chùa Wat Onoi, cảnh sát bắt nhà sư trụ trì Buddha Isara, người từng ủng hộ phong trào "Đóng cửa Bangkok" hồi năm 2013-2014, với cáo buộc ủng hộ hành vi cướp bóc trong lúc diễn ra các cuộc biểu tình do nhóm Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) đứng đầu.

Trùm ma túy đội lốt nhà sư bị sa lưới

Mới đây, Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ một trùm buôn bán ma túy với lối sống xa hoa đội lốt nhà sư tại một ngôi đền nổi tiếng ở tỉnh Kalasin phía đông bắc nước này.

Theo Bangkok Post, một nghi phạm là nhà sư đã bị cảnh sát bắt giữ khi đang hút ma túy cùng các nhà sư khác tại một ngôi đền nổi tiếng ở quận Yang Talat, tỉnh Kalasin, đông bắc Thái Lan.

Cảnh sát đã thu giữ 8.400 viên ma túy được đóng thành từng túi với giá trị lên tới 1,6 triệu baht (khoảng 51.000 USD), 33 gram ma túy đá trị giá khoảng 66.000 baht (khoảng 2.100 USD) và 110 gram cần sa.

Ngoài ra, cảnh sát cũng thu giữ 3 khẩu súng lục, các dụng cụ để hút ma túy cùng một siêu xe BMW đăng ký biển ở thủ đô Bangkok trong đợt đột kích bất ngờ này.

Cảnh sát cho biết nhà sư bị bắt giữ đã sử dụng chiếc BMW để chuyển ma túy tới những tay chơi tiệc tùng trong thành phố và là một nhân vật có tiếng tăm trong giới buôn ma túy từ khu vực đông bắc tới thủ đô Bangkok.

Ngoài nhà sư này, cảnh sát cũng đã truy lùng và bắt giữ 8 đồng bọn trong đường dây ma túy. Cảnh sát Thái Lan cho biết nghi phạm đã gia nhập đội ngũ tăng lữ và khoác áo nhà sư tại tỉnh Kalasin, cũng là quê nhà của hắn, để che đậy cuộc sống của một tên trùm ma túy. Hoạt động buôn bán ma túy trái phép đã mang lại cho nhà sư này một cuộc sống xa hoa với tài khoản ngân hàng lên tới hơn 10 triệu bath (318.000 USD).

Vì đâu nhiều sư sa ngã?

Chính phủ Thái Lan giờ đây đã ban hành một đạo luật yêu cầu các chùa chiền, nơi tích lũy được 3-4 tỷ USD từ khoản quyên góp mỗi năm, phải công khai hồ sơ tài chính. Cũng có các thảo luận về một loại thẻ kỹ thuật số cho các nhà sư để đảm bảo những sư tăng sa đọa không thể được tấn phong lại.

Tuy nhiên, gốc rễ vấn đề lại là cách thức Phật giáo phát triển ở Thái Lan. Trong 150 năm qua, đã có hai hệ phái Phật giáo khác nhau. Truyền thống Thammayut khổ hạnh ở Bangkok tuân thủ nghiêm ngặt giới luật về sự tách biệt khỏi thế giới vật chất.

Trong khi đó, truyền thống Mahanikai lại lỏng lẻo của các tỉnh, nơi nhà sư là một phần của cộng đồng, tham gia vào các hoạt động làng xã và đôi lúc phạm giới luật một cách vô tình hay cố ý.

Tại các ngôi làng ở Thái Lan, chùa chiền đóng vai trò như các trường học, trung tâm y học cổ truyền hay địa điểm tổ chức lễ hội địa phương. Người dân đến chùa để xin lời khuyên trong mọi vấn đề thế tục.

Và trong hoàn cảnh đó, ranh giới giữa hành vi được và không được phép thực hiện có thể bị lẫn lộn. Một nguyên nhân khác dẫn tới cuộc khủng hoảng tôn giáo tại Thái Lan là sự mê tín của nhiều người dân Thái Lan, và sự mê tín này đã bị thương mại hóa.

Các nhà sư ngày nay thậm chí còn làm lễ cầu may cho những chiếc xe hơi hoặc căn nhà mới xây. Thậm chí, ngay cả việc bán vé số trong chùa cũng không phải là điều gì bất thường ở Thái Lan.

Nguyễn Hưng-L.T

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/thai-lan-nhieu-toi-pham-doi-lot-nha-su-sa-luoi-493744/