Thái Lan và tham vọng trở thành trung tâm giao nhận của khu vực

Việc gia tăng thương mại qua biên giới cùng sự phát triển nhanh của ngành thương mại điện tử đang thúc đẩy tăng trưởng của lĩnh vực hậu cần (logistics) của Thái Lan.

Khách du lịch dạo chơi trên một tuyến phố thương mại ở thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP/TTXVN

Khách du lịch dạo chơi trên một tuyến phố thương mại ở thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP/TTXVN

Nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á này muốn tận dụng vị trí địa lý và sự bùng nổ của thương mại điện tử để trở thành trung tâm giao nhận của khu vực. Từ năm 2016 đến 2018, thứ bậc của Thái Lan trong bản xếp hạng logistics của Ngân hàng Thế giới đã tăng từ 45 lên 32, khiến cho quốc gia này chỉ đứng sau Singapore về thứ bậc tại ASEAN và đứng thứ bảy ở châu Á.

Theo tờ Bangkok Post, dựa trên sự thuận tiện về địa lý, Thái Lan đã thu hút được sự quan tâm của Trung Quốc, với việc một số công ty thương mại điện tử của Trung Quốc coi quốc gia này là cửa ngõ vào ASEAN và tiểu vùng Mekong mở rộng.

Sự quan tâm này, cùng với sự gia tăng tài trợ của Chính phủ vào Sáng kiến Thái Lan 4.0 và dự án Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC), đã mang lại những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt và hàng không, góp phần hỗ trợ sự tăng trưởng nhanh chóng của khu vực logistics.

Điều này dẫn đến sự cạnh tranh đáng kể trong các tập đoàn đang tìm cách thu lời từ khu vực logistics đang tăng trưởng. Trong khi Kerry Express vẫn là công ty địa phương dẫn đầu về giao nhận bưu phẩm, các công ty do Trung Quốc hậu thuẫn đang nổi lên và những tập đoàn logistics toàn cầu khổng lồ như DHL đã hướng tới sự cạnh tranh gay gắt.

Khu vực thương mại điện tử của Thái Lan dự kiến sẽ tăng trưởng tới 13 tỷ USD về mặt giá trị vào năm 2025, so với con số 3 tỷ USD năm 2018. Theo nghiên cứu của CBRE, Thái Lan hầu như sẽ chứng kiến một sự gia tăng về nhu cầu, với việc cần 4.000 m2 cho không gian logistics thương mại điện tử đối với mỗi 1 tỷ baht (32,96 triệu USD) trong doanh số thương mại điện tử.

Charlie Tansiri, cố vấn cao cấp tại Flash Express, nhận xét rằng tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) muốn thiết lập Thái Lan như là một trung tâm cho Đông Nam Á, do nước này có một lợi thế lớn so với những quốc gia khác trong vùng.

Alibaba cho rằng có những cơ hội to lớn ở Thái Lan và muốn hỗ trợ khu vực giao nhận. Flash Express là một công ty logistics mới, được thành lập năm 2017 với một đối tác Trung Quốc và tài trợ từ Alibaba cũng như một vài công ty Trung Quốc khác.

Trong khi còn tương đối mới mẻ trong cuộc chơi, Flash Express đã nhanh chóng mở rộng để bao phủ Bangkok và tất cả 76 tỉnh ở Thái Lan, đồng thời tăng số lượng nhân viên từ 1.100 lên 12.000, số lượng phương tiện từ 400 chiếc xe lên 8.000 chiếc và các trung tâm phân phối từ 25 lên 2.000 trong giai đoạn 2018-19.

Công ty này xử lý 250.000 bưu kiện mỗi ngày và có kế hoạch tăng lên 400.000-500.000 bưu kiện vào cuối năm nay. “Cạnh tranh vẫn rất cao, vì Thái Lan là một phần lớn của cộng đồng kinh tế châu Á và nhu cầu vẫn đang tăng”, ông Charlie được dẫn lời cho biết.

Best Inc hoặc Best Express theo cách gọi ở Thái Lan là một công ty logistics của Trung Quốc cũng mới bắt đầu hoạt động ở Thái Lan gần đây. Công ty này, được thành lập ở Hangzhou năm 2007 và do Alibaba tài trợ, bắt đầu hoạt động giao nhận ở Thái Lan cuối năm ngoái.

Best Express có quan hệ trực tiếp với Lazada, địa chỉ thương mại trực tuyến phổ thông nhất ở Thái Lan và cũng là một chi nhánh của Alibaba. Best Express hiện đang có các kế hoạch mở rộng ra khắp Đông Nam Á trong vòng 3 năm tới bằng việc sử dụng Thái Lan như một bàn đạp. Thị trường Lào và Campuchia đang được nhìn nhận như là những đích đến tiếp theo của Best Express.

Ngay cả khi các công ty mới và đầu tư nước ngoài tiến vào Thái Lan, Kerry Express vẫn là công ty đứng đầu thị trường xét trên việc giao nhận bưu kiện. Công ty này bắt đầu hoạt động ở Thái Lan năm 2006 và có 23.000 nhân viên làm việc toàn thời gian cùng với một đội ngũ nhân viên đông đảo làm việc bán thời gian và theo hợp đồng. Công ty đang vận hành 1.300 trung tâm phân phối cùng với 10 “đại trung tâm” và có hơn 10.000 điểm dịch vụ để khách hàng có thể gửi bưu kiện.

Trong khi Kerry Express ngự trị lĩnh vực giao nhận bưu kiện, DHL có trụ sở ở Đức lại là công ty đứng đầu trong lĩnh vực logistics toàn cầu. DHL đến Thái Lan năm 1973 và hiện đang vận hành 670.000 m2 nhà kho cùng với 14.220 nhân viên, 1.288 điểm dịch vụ, 6.088 phương tiện, 191 cơ sở và 14 trung tâm dịch vụ và 285 chuyến bay mỗi tuần.

DHL coi Thái Lan là một thị trường chủ chốt ở châu Á và đặt nước này ở vị trí 25 trong 169 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong bảng xếp hạng GCI của họ về kết nối toàn cầu và thứ sáu về kết nối thương mại.

Trong khi đó, UPS của Mỹ nhìn thấy những cơ hội lớn trong các dự án phát triển chính phủ và công nghiệp ở vùng ven biển phía Đông của Thái Lan, nhất là trong lĩnh vực hàng không. Russell Reed, Giám đốc điều hành của UPS Thái Lan và Việt Nam, nhận định Hành lang Kinh tế phía Đông là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Thái Lan hiện nay và trong tương lai.

Chiến lược Thái Lan 4.0 về đầu tư vào các khu vực công nghệ như robot và hàng không sẽ giúp củng cố vị trí của Thái Lan như là một trung tâm toàn cầu trong khu vực. Chiến lược của UPS là tập trung vào vận chuyển xuyên biên giới, nhất là vận chuyển hàng không. Công ty cũng đang để mắt tới thị trường thương mại điện tử B2B (kinh doanh giữa các doanh nghiệp), hiện đã tăng gấp đôi so với thương mại điện tử B2C (giữa doanh nghiệp và khách hàng) ở Thái Lan.

Theo ông Adam Bell, trưởng bộ phận cố vấn và các dịch vụ giao dịch công nghiệp và logistics của CBRE Thái Lan, như những khu vực khác đã trải qua, sự tiếp tục mở rộng của thị trường thương mại điện tử sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực logistics ở Thái Lan.

Khi nhìn vào số liệu về khu vực bán lẻ trực tuyến của Thái Lan so với những thị trường phát triển hơn ở phương Tây thì vẫn còn có chỗ cho sự tăng trưởng đáng kể. Ngành kinh doanh logistics của Thái Lan trong tương lai sẽ cần cải thiện hơn về tự động hóa và tính hiệu quả.

Với tốc độ tiến bộ công nghệ đầy ấn tượng như đã thấy trên thế giới, khó có thể dự báo công nghệ nào có thể được ứng dụng trong các cơ sở logistics, nhưng Thái Lan sẽ cần theo kịp các xu hướng để cạnh tranh trong khu vực./.

Ngọc Quang (TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thai-lan-va-tham-vong-tro-thanh-trung-tam-giao-nhan-cua-khu-vuc/138094.html