Thái Nguyên: Chống tham nhũng ngay tại cơ quan, đơn vị

Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, nhiều đơn vị, cá nhân được UBND tỉnh trao tặng bằng khen. Ảnh: TH

Sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống ban, ngành

Chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên Đỗ Đức Công cho biết, trong 9 tháng qua, công tác PCTN được triển khai thực hiện đồng bộ ngay tại các cơ quan, đơn vị; việc tổ chức thực hiện các kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát được triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động giải quyết công việc của cơ quan gắn với cải cách thủ tục hành chính, tập trung ở một số lĩnh vực như tài chính ngân sách, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng...

Các sở, ngành, địa phương cũng thường xuyên rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chế độ, chính sách về tài chính, ngân sách, giá cả; bổ sung, hoàn thiện các quy định về giao dịch thanh toán qua ngân hàng, thuế thu nhập cá nhân và các quy định kiểm soát chi tiêu của người có chức vụ, quyền hạn nhằm phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, khắc phục những sơ hở về cơ chế chính sách.

Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức các quy định về công khai, minh bạch và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các cuộc họp của cơ quan, đơn vị mình.

Các huyện, thành phố, thị xã đã triển khai và thực hiện công khai kế hoạch ngân sách năm 2018, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay; quản lý chặt chẽ hoạt động chi ngân sách Nhà nước; thực hiện triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thật sự cần thiết...

Phát huy vai trò, thông tin tố cáo của người dân

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay chưa có cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng.

Ông Công khẳng định, công tác PCTN là một trong những lĩnh vực phức tạp, do đó đòi hỏi trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và các địa phương là luôn thể hiện với tinh thần trách nhiệm cao trong việc kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ở đơn vị mình quản lý, phụ trách.

Tuy nhiên, công tác PCTN tại các đơn vị được thanh tra vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, nhiều quy định về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng vẫn còn chưa được thực hiện đầy đủ; công khai số liệu điều chỉnh, bổ sung ngân sách, công khai đầu tư, mua sắm công, công khai công tác cán bộ; công tác kê khai tài sản, thu nhập đã được triển khai trên diện rộng nhưng vẫn còn biểu hiện hình thức; tác dụng phòng ngừa tham nhũng hạn chế, hiệu quả thấp.

Công tác chỉ đạo, lãnh đạo, giám sát việc thực hiện đối với công tác PCTN ở một số cơ quan, đơn vị còn bị xem nhẹ, ý thức trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn chưa cao. Một số đơn vị thực hiện chưa kịp thời chế độ báo cáo về kết quả công tác PCTN. Hoạt động về công tác PCTN chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa chặt chẽ. Hơn nữa, một bộ phận lãnh đạo cấp xã chưa coi trọng đúng mức công tác đấu tranh PCTN, việc triển khai hoạt động đối với công tác này còn hạn chế, dẫn đến đầu mối tổng hợp số liệu về PCTN ở cấp huyện gặp nhiều khó khăn.

Để công tác PCTN đạt kết quả, khắc phục được những hạn chế, theo ông Công, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục tăng cường thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh về công tác PCTN, lãng phí. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, xây dựng văn hóa PCTN trong xã hội, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch công tác PCTN phù hợp tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với nội dung kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo Đề án số 07-ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong đó, xác định công tác PCTN, lãng phí là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên các lĩnh vực theo quy định của pháp luật; thực hiện hiệu quả kiểm soát tài sản thu nhập và các quy định về kê khai, công khai tài sản, thu nhập, xử lý nghiêm minh người kê khai tài sản không trung thực.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về PCTN gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể trong công tác đấu tranh PCTN, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong công tác PCTN.

"Một số lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, xây dựng, tài chính... thường có thể xảy ra tham nhũng. Công tác PCTN cần được tiếp tục tăng cường, chú trọng hơn nữa; đặc biệt phát huy vai trò, thông tin tố cáo của người dân, nhằm phát hiện những cán bộ có hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật...", ông Công nói.

Bảo Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/thai-nguyen-chong-tham-nhung-ngay-tai-co-quan-don-vi_t114c1059n141527