Thái Nguyên gặp khó trong việc chặt, tỉa cây mục

Cây xanh trên nhiều tuyến phố ở TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) được trồng từ nhiều năm trước, góp phần làm cho thành phố xanh, đẹp hơn, đặc biệt hữu ích trong đợt nắng nóng gay gắp hiện nay. Tuy nhiên, nhiều cây đã trở nên già cỗi, sâu bệnh lại trở thành hiểm họa treo lơ lửng đối với xã hội mỗi khi mưa, bão mà việc cắt tỉa cành, hạ cây mất an toàn đang gặp khó khăn.

Cây xanh bị gãy cành trên đường Lưu Nhân Trú, TP Thái Nguyên trong trận giông lốc ngày 29-3 vừa qua gây mất an toàn cho người đi đường và phương tiện

Cây xanh bị gãy cành trên đường Lưu Nhân Trú, TP Thái Nguyên trong trận giông lốc ngày 29-3 vừa qua gây mất an toàn cho người đi đường và phương tiện

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Thái Nguyên xảy ra hai trận giông, lốc kèm mưa lớn vào các ngày 18-2 và 29-3 khiến hàng trăm cây xanh ngã đổ, gẫy cành, làm bị thương một người, thiệt hại nhiều tài sản như nhà cửa, biển báo của nhân dân, cột và đường dây tải điện, cáp...

Mặc dù năm nào UBND TP Thái Nguyên cũng chỉ đạo phòng, ban chức năng chủ động kiểm tra, rà soát, cắt tỉa, xử lý cây già cỗi, mục lõi, cành bị sâu bệnh có nguy cơ đổ gãy mất an toàn. Nhưng thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, giông lốc xảy ra sớm hơn so với dự kiến (18- 2), cường độ mạnh nên đã gây ra hậu quả.

Trưởng Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị TP Thái Nguyên Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Cây xanh đô thị là vốn quý của TP, góp phần làm cho đô thị xanh, mát, đẹp nên mỗi khi chặt bỏ một cây xanh, cắt tỉa cành luôn để lại sự tiếc nuối đối với nhân dân, thậm chí nhiều người phản đối. Đó là điều dễ hiểu. Làm như thế nào để vừa bảo tồn, duy trì cây xanh, nhưng bảo đảm an toàn cho xã hội luôn là trăn trở của chúng tôi.

Giải quyết hài hòa hai vấn đề đó, thời gian qua Ban Quản lý đô thị TP Thái Nguyên kết hợp cán bộ chuyên môn về cây trồng kiểm tra, rà soát kỹ, xác định những cây già cỗi, mục lõi có nguy cơ gãy đổ, rễ nông dễ bị bật gốc, cành bị sâu, mục có nguy cơ bị gẫy gây mất an toàn cho nhân dân để đốn hạ, cắt tỉa.

Việc đốn hạ, cắt tỉa phải bảo đảm an toàn cho những người thực hiện và phương tiện, người dân qua lại trên đường nên phải xây dựng phương án cụ thể, thậm chí phải cắt tỉa, chặt hạ vào ban đêm, thời điểm ít người qua lại để bảo đảm an toàn, không gây ách tắc giao thông. Thời gian vừa qua, đối với những cây, cành không an toàn có đường kính dưới 50cm, cao dưới 12m đã cơ bản được xử lý.

Qua rà soát, kiểm tra cụ thể, trên địa bàn TP Thái Nguyên còn 69 cây Xà cừ và các loại cây khác ở các tuyến đường Nha Trang, Cách mạng Tháng Tám, Đội Cấn, Lưu Nhân Trú... bị sâu bệnh, cành yếu, cao hơn 12m, rễ nông, cản gió lớn, có nguy cơ đổ, gãy cành khi mưa, gió lớn gây mất an toàn cho người đi đường mà chưa xử lý được. Ông Nguyễn Toàn Thắng nêu nguyên nhân: Chúng tôi xác định đây là những cây loại ba, có đường kính lớn hơn 50cm, cao hơn 12m. Việc xử lý để bảo đảm an toàn đối với loại cây này chưa thực hiện được, vì không thuê được máy cẩu, không thuê được nhân công bởi nguy cơ mất an toàn cao. Bên cạnh đó, tỉnh không có đơn giá đối với việc chặt hạ, cắt, tỉa cành, khống chế chiều cao đối với cây loại ba.

Người dân mong muốn, những cây loại ba có rễ nông, thân cành bị sâu bệnh, mục lõi, cành lá nặng cần được xử lý sớm để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm nay.

THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40243002-thai-nguyen-gap-kho-trong-viec-chat-tia-cay-muc.html