Thái Nguyên: Hàng loạt giáo viên dạy trẻ khuyết tật ngóng chờ phụ cấp

Nghị định Chính phủ quy định thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật trên địa bàn cả nước được ban hành năm 2012. Dù 6 năm Nghị định đi vào thực hiện nhưng nhiều giáo viên tại Thái Nguyên chưa được nhận chế độ này.

Lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Phú Bình (Thái Nguyên) xác nhận, giáo viên tại huyện chưa nhận tiền theo tinh thần Nghị định 28.

Giáo viên cầu cứu

Hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn xã Tân Khánh, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) cho biết, nhiều năm qua, trường bà nhận nhiều học sinh khuyết tật để chăm sóc và dạy dỗ. Trong năm học 2018-2019, trường có một số em khuyết tật về mắt nhưng quá trình giảng dạy, nhà trường gặp nhiều khó khăn.

Vị hiệu trưởng này giải thích, thầy cô trực tiếp dạy các em khuyết tật trong trường không được đào tạo kỹ năng chăm sóc trẻ. Công việc đặc thù là thế nhưng thầy cô chưa nhận đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của nhà nước.

“Chúng tôi được biết, Chính phủ quy định hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy trực tiếp cho trẻ khuyết tật nên đã làm hồ sơ gửi Phòng giáo dục huyện. Hồ sơ thì đã gửi từ năm 2017 nhưng đến nay, chưa giáo viên nào trong trường nhận tiền chế độ” – vị hiệu trưởng này thông tin.

Tương tự, chị Đ.T.H.T. - giáo viên huyện Phú Bình - băn khoăn, bản thân chị vài năm trước từng đứng lớp dạy trẻ khuyết tật. Quá trình dạy học, chị nhận thấy trẻ khuyết tật gặp bất lợi trong việc tiếp cận bài giảng đại trà.

"Tôi mong cơ quan chức năng sớm nghiên cứu cho ra đời giáo trình dạy học dành riêng cho trẻ khuyết tật. Tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm xem xét, quan tâm đối với các thầy cô dạy trẻ khuyết tật như chúng tôi” – chị T. thẳng thắn.

Loay hoay tháo gỡ vướng mắc

Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10.4.2012 của Chính phủ quy định rõ: Nhà giáo được hưởng chế độ quy định tại khoản 1 Điều 7, Nghị định 28 là giáo viên, giảng viên được đứng đầu cơ sở giáo dục phân công trực tiếp giảng dạy tại lớp học có người khuyết tật theo học…

Nghị định đã rõ nhưng toàn bộ giáo viên nhiều cấp học giảng dạy trực tiếp trẻ khuyết tật tại huyện Phú Bình chưa được hưởng chế độ của nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Kim Nga – Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện Phú Bình cho biết, năm 2017, Phòng GDĐT huyện đã có công văn hướng dẫn các trường học trên địa bàn hoàn thiện hồ sơ tuy nhiên, cái khó hiện nay là xác định chi tiết đối với từng trẻ khuyết tật.

“Nhiều phụ huynh chưa thực hiện nghiêm túc việc giám định con em khuyết tật khiến hồ sơ giải quyết chế độ cho các thầy cô bị nghẽn. Mà hồ sơ không hoàn thiện thì việc giải quyết chế độ cho giáo viên còn phải đợi…” – bà Nga nói.

Không riêng huyện Phú Bình, các thầy cô dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện vẫn chưa được hưởng chế độ theo tinh thần của Nghị định 28. Về việc này, ông Ngô Thượng Chính – Phó Sở GDĐT Thái Nguyên thừa nhận, việc triển khai Nghị định 28 tại tỉnh Thái Nguyên đang bị chậm trễ.

Ông Chính nói thêm, Nghị định 28 quy định rõ, giáo viên dạy trẻ khuyết tật theo chương trình đại trà không thuộc đối tượng nhận hỗ trợ theo quy định. Tuy vậy, đặc thù của tỉnh Thái Nguyên là phần lớn các thầy cô không có chuyên môn dạy trẻ khuyết tật; việc tập huấn do tỉnh tổ chức chưa đạt hiệu quả cao.

"Với trách nhiệm của Sở, thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng Sở LĐTBXH tiếp tục nghiên cứu về Nghị định 28, nắm lại những khó khăn phía cơ sở để có giải pháp tháo gỡ” – ông Chính nói.

H.Long - Đ. Chung - N.Phong

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/thai-nguyen-hang-loat-giao-vien-day-tre-khuyet-tat-ngong-cho-phu-cap-610365.ldo