Thái Nguyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào nông nghiệp

Hiện tại, tỉnh đã có 324 doanh nghiệp công nghệ số, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có trên 10% doanh nghiệp số.

Vùng chè đặc sản Tân Cương, Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Vùng chè đặc sản Tân Cương, Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích phát triển hợp tác.

Cùng đó, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ điều kiện tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và tiếp cận các nguồn vốn của Trung ương và các chính sách về khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ qua mạng, rút ngắn thời gian trả kết quả tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi gia nhập thị trường.

Thái Nguyên cũng chủ trương dành nguồn ngân sách thích hợp cho công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, linh hoạt trong huy động các nguồn lực hợp pháp từ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Điều này nhằm phát huy tính liên kết, hợp tác trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn vướng mắc và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp. Từ đó, có các giải pháp, hình thức hỗ trợ thiết thực, phù hợp với tình hình mới...

Theo thống kê mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, sau 2 năm triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, đến nay, tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 50.000 lao động, đăng ký thành lập mới hơn 1.700 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh lên hơn 8.800 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 129 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, sau 2 năm, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thái Nguyên đã được tiếp cận, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số vào quản trị doanh nghiệp, kế toán thuế... cơ bản đạt mục tiêu phấn đấu có 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Hiện tại, tỉnh đã có 324 doanh nghiệp công nghệ số, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có trên 10% doanh nghiệp số.... Trong công tác cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gia nhập thị trường, Thái Nguyên đã thực hiện rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày xuống còn 2 ngày.

Thời gian thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ 35 ngày xuống còn 25 ngày, rút ngắn thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 15 ngày xuống còn 10 ngày.

Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử đạt 99,5%, doanh nghiệp đăng ký tài khoản nộp thuế điện tử đạt 98%, số doanh nghiệp nộp thuế điện tử so với tổng số doanh nghiệp nộp thuế đạt 98%, tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng qua hình thức điện tử đạt 100%.

Trong hỗ trợ tiếp cận tín dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đều tăng qua các năm. Riêng năm qua, dư nợ cho vay đạt hơn 18.200 tỷ đồng, tăng 17,28% so với năm trước và cao hơn tăng trưởng tín dụng trên địa bàn (tăng trưởng tín dụng toàn địa bàn đạt 15,9%)....

Cũng theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, tuy việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai rộng khắp, đa dạng các hình thức, đem lại một số kết quả khả quan nhưng cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như một số doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện vay của các ngân hàng.

Cụ thể như phương án kinh doanh không khả thi, tình hình tài chính chưa minh bạch, thiếu tài sản bảo đảm; việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn gặp khó khăn do khó tách phần chi phí được hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh giảm khó đánh giá về “khả năng phục hồi”.

Ngoài ra, việc triển khai nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh gặp vướng mắc trong công tác bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay, mặt khác do vốn điều lệ (30 tỷ đồng) của Quỹ bảo lãnh tín dụng chưa phù hợp với Nghị định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn tối thiểu 100 tỷ đồng) nên tính đến nay, quỹ chưa phát sinh nghiệp vụ bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.../.

Hoàng Thảo Nguyên/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thai-nguyen-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-dau-tu-vao-nong-nghiep/290470.html